Những người làm nên thương vụ lịch sử trong giới startup công nghệ của Indonesia

11/06/2021 14:02 PM | Kinh doanh

Kevin Aluwi và William Tanuwijaya được xem là những người làm nên lịch sử trong giới startup Indonesia gần đây.

Là những thành viên sáng lập ra GoTo Group, hai thanh niên 30 tuổi này là những người chịu trách nhiệm thực hiện một thương vụ sáp nhập nhằm tạo ra công ty công nghệ mới nhất và đáng giá nhất Indonesia. Đó là thương vụ sáp nhập đình đám nhất và lớn nhất hiện nay giữa công ty cung cấp dịch vụ gọi xe GoJek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia.

Công ty sau sáp nhập sẽ đóng góp 2% vào GDP của Indonesia thông qua chuỗi kinh doanh đa dạng của mình. Và đó mới chỉ là bước khởi đầu.

“Hy vọng, một ngày nào đó, chúng tôi sẽ đóng góp 5 – 10% vào GDP”, Tanuwijaya, đồng sáng lập kiêm CEO của Tokopedia, nói với CNBC Make It.

Những người làm nên thương vụ lịch sử trong giới startup công nghệ của Indonesia - Ảnh 1.

GoJek sáp nhập với Tokopedia để tạo thành công ty công nghệ lớn nhất Indonesia, GoTo. Ảnh: GoTo.

Từ công ty công nghệ lớn nhất Indonesia…

GoTo Group là một “gã khổng lồ” công nghệ ở Indonesia được hình thành vào tháng 5/2021 trong một thương vụ hợp nhất “bom tấn” giữa hai công ty khởi nghiệp lớn nhất quốc gia này, GoJek và Tokopedia.

Được thành lập cách nhau một năm tại thủ đô Jakarta, Tokopedia bắt đầu hoạt động từ năm 2009 với tư cách là một nền tảng thương mại điện tử nhằm kết nối các nhà bán buôn nhỏ với người mua. Trong khi đó, GoJek ra mắt thị trường vào năm 2010 với nền tảng gọi xe máy và ôtô.

Cả hai công ty này đều được thành lập bởi một nhóm thanh niên trong độ tuổi 20, vốn là những người đã nhanh chóng thích nghi với làn sóng kết nối internet đang nổi lên và chiếm lĩnh đất nước của họ vào thời điểm đó.

Tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, những người sáng lập của GoJek và Tokopedia đều mong muốn có thể làm được một thứ gì đó lớn hơn. Vậy là trong những năm tiếp theo, họ đầu tư mạo hiểm vào mảng thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Tokopedia quyết định đầu tư vào các phân khúc thị trường mới như bậc cha mẹ và những chủ cửa hàng nhỏ để mở rộng hệ sinh thái. Trong khi đó, GoJek cũng phát triển nền tảng gọi xe ra cả thị trường khu vực, đồng thời triển khai siêu ứng dụng trong nước nhằm cung cấp cho người dùng các dịch vụ theo yêu cầu từ đồ ăn cho tới massage và làm móng.

Sau đó, vào năm 2015, Tokopedia và GoJek bắt đầu hợp tác. Các tài xế của GoJek trở thành những người giao hàng trong ngày cho sản phẩm của Tokopedia vào giờ thấp điểm.

“Chúng tôi là những người đầu tiên trên thế giới để một nền tảng theo yêu cầu và một trang thương mại điện tử kết hợp với nhau”, Aluwi, nhà sáng lập kiêm CEO của GoJek, cho hay.

...tới siêu ứng dụng được bản địa hóa

6 năm sau, khi sự cạnh tranh đến từ các công ty công nghệ trong khu vực và thế giới gia tăng, hai công ty quyết định hợp nhất vào tháng trước trong một thỏa thuận trị giá 18 tỷ USD, ghi nhận thương vụ lớn chưa từng thấy tại Indonesia.

“Bạn hãy thử tưởng tượng rằng Amazon, DoorDash, Uber, PayPal, Stripe kết hợp lại với nhau. Có một câu nói như thế này, nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình; nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Vì vậy, về cơ bản, GoTo là đi cùng nhau để đi xa hơn”, Tanuwijaya nói.

Theo cơ cấu tổ chức mới, Andre Soelistyo của GoJek đảm nhận vị trí CEO của GoTo Group và GoTo Financial. Patrick Cao của Tokopedia trở thành chủ tịch của công ty hợp nhất, trong khi Aluwi và Tanuwijaya vẫn lần lượt là CEO của GoJek và Tokopedia.

Những người làm nên thương vụ lịch sử trong giới startup công nghệ của Indonesia - Ảnh 2.

Hệ thống nhân sự cấp cao của GoTo. Ảnh: CNBC.


GoTo Group có hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, hơn 11 triệu người bán hàng và hơn 2 triệu tài xế trong hệ sinh thái của họ, 2% trong tổng GDP 1.000 tỷ USD của Indonesia, theo GoTo. GoTo kỳ vọng những nền tảng này sẽ giúp họ chiếm được thị phần lớn hơn ở Indonesia và thế giới.

Tận dụng cơ hội ở Đông Nam Á

Quy mô nền kinh tế số của Indonesia dự kiến đạt 124 tỷ USD vào năm 2025, trong khi thị trường trực tuyến của Đông Nam Á sẽ lớn gấp 3 lần ở hơn 309 tỷ USD, theo một nghiên cứu gần đây.

“Indonesia vẫn là một thị trường cực kỳ sôi động bởi họ sở hữu dân số lớn, kinh tế trong 10 năm tới dự báo tăng trưởng rất mạnh, đồng thời quốc gia này cũng đang trong tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng”, theo Florian Hoppe, Giám đốc tại Bain & Company và là đồng tác giả của nghiên cứu nói trên.

Những người làm nên thương vụ lịch sử trong giới startup công nghệ của Indonesia - Ảnh 3.

Nền kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ lớn gấp 3 lần Indonesia vào năm 2025. Ảnh: CNBC.


Tuy nhiên, để mở rộng hơn, Hoppe cho rằng các doanh nghiệp cần phải định hướng dịch vụ của họ vào 120 triệu người dân Indonesia đang sống ở bên ngoài khu vực thành thị tại hơn 17.000 quần đảo. “Phần lớn sự tăng trưởng ban đầu đến từ các trung tâm đô thị trọng điểm tại đảo lớn Java. Nửa sau sẽ là một câu chuyện thú vị hơn nhiều. Làm cách nào để bạn tiếp cận họ? Hãy thiết lập dịch vụ logistics ở đó, giới thiệu cho họ về ứng dụng thanh toán và bắt đầu tích hợp chúng với nền kinh tế số”.

Đối với GoTo, đó còn là việc phải cung cấp các dịch vụ thanh toán và tài chính ở một quốc gia mà 47 triệu người trưởng thành không có khả năng tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ tài chính chính thống và 92 triệu người chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Theo Aluwi, đây là cơ hội kinh doanh lớn mà cũng là một phân khúc mà họ tin rằng họ có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng

Mục tiêu IPO trong năm 2021

Đến thời điểm hiện tại, cả GoJek và Tokopedia đều chưa có lãi.

GoTo được cho là đang lên kế hoạch cho một vòng gọi vốn khác trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, có thể tại Jakarta và Mỹ. Hiện tại, công ty đang đàm phán với một danh sách nhà đầu tư ấn tượng như Softbank, Alibaba, Tencent, Facebook và Google.

“Về khung thời gian để IPO hay với phát triển sản phẩm, với tôi thì càng sớm càng tốt. Chúng tôi hy vọng rằng có thể niêm yết vào cuối năm nay”, Tanuwijaya nói.

Đối thủ Grab đang lên kế hoạch niêm yết tại Mỹ thông qua sáp nhập vào một công ty mua lại có mục đích đặc biệt với định giá mục tiêu gần 40 tỷ USD. Trong khi đó, GoTo được cho là đặt mục tiêu vốn hóa thị trường ở 35 – 40 tỷ USD.

Thương vụ IPO của GoTo và Grab đều được xem là một phép thử cho giới khởi nghiệp công nghệ ở khu vực Đông Nam Á. Nếu thành công, nó có thể mở đường cho làn sóng khởi nghiệp công nghệ ở khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh hứng thú của nhà đầu tư ngày càng gia tăng.

Chuẩn bị “ra biển lớn”

Với các nguồn lực mới, GoTo đang lên kế hoạch cho chiến lược mở rộng của mình, bao gồm cả cam kết phát triển bền vững đầy tham vọng.

“GoTo ra đời với một trách nhiệm lớn. Chúng tôi đang cố gắng tìm giải pháp cho một vấn đề mà chúng tôi đã nhận ra cách đây một thập kỷ trước. Tuy nhiên, mỗi một giải pháp lại tạo ra một vấn đề khác, từ việc có quá đông tài xế tới vấn đề khí thải, từ việc có quá nhiều người bán tới vấn đề đóng gói hàng…”, Tanuwijaya chia sẻ. Theo đó, GoTo đưa ra cam kết rằng vào năm 2030, họ sẽ trở thành công ty không sinh rác thải và khí thải.

Những tham vọng táo bạo này cho thấy GoTo của năm 2030 có thể sẽ rất khác so với hôm nay. Tuy nhiên, theo các lãnh đạo của công ty, họ mới chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu.

Aluwi nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tham vọng của chúng tôi mang tính toàn cầu. Chúng tôi hoạt động không chỉ ở Indonesia. Chúng tôi tin chắc rằng tương lai, chúng tôi sẽ vươn xa hơn ra khỏi phạm vi của một quốc gia”.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM