Những người 10 năm không cần mua quần áo mới: Thế giới cần học tập họ vì những bãi rác quần áo đã quá khổng lồ
Theo dữ liệu thống kê, ngành may mặc chiếm 10% lượng khí thải toàn cầu, cao hơn cả thảm họa ô nhiễm từ hàng không. Chưa hết, nó còn là tác giả của 20% nước thải.
Hãy lấy một chiếc quần jean làm ví dụ! Đầu tiên, nó cần 1kg bông để làm vải. Người trồng bông phải tốn từ 7500-10.000l nước thì mới thu hoạch được 1kg bông. Kế đến, vải jean cần được nhuộm, mà màu nhuộm thì lại được sản xuất từ than đá. Ước tính quy trình sản xuất lượng thuốc nhuộm đủ dùng cho một chiếc quần jean giải phóng 66g carbon dioxide. Rồi thì còn cắt, may, vận chuyển, giặt giũ và cuối cùng là xử lý như rác thải khi đã quá cũ, tất cả đều tạo ra khí và nước thải độc hại.
May mặc đang giết dần Trái đất bằng khí thải và nước thải độc hại
Từ lâu, lĩnh vực bảo vệ môi trường đã "kêu trời" về thảm họa sinh thái từ ngành may mặc. Dẫu vậy, thời trang vẫn phát triển rầm rộ, liên tục tung ra thị trường những mẫu mã mới, thúc đẩy ham muốn mua sắm của người tiêu dùng.
Khi Konnie Huq-cựu MC từ chương trình thiếu nhi Blue Peter (Anh) bật mí cô đã không mua quần áo mới suốt 10 năm, khán giả "shock toàn tập". Nhưng khi biết Huq làm vậy vì "tương lai xanh", nhiều người đã suy nghĩ lại. Chỉ riêng tại Anh, hành động chạy theo thời trang mỗi năm đều tống khoảng 140 triệu bảng quần áo cũ tới các bãi rác.
Tuy nhiên, theo khảo sát năm 2021 từ Học viện Bán lẻ Trang phục (Fashion Retail Academy): 51% người tiêu dùng Anh đang chọn mua quần áo đắt tiền nhưng siêu bền, tăng 33% so với năm ngoái. Và dưới đây là những người đã tiên phong đi trước thời đại, có chí ít một thập kỷ không "shopping".
"Tôi mặc quần của ông nội suốt hàng chục năm" - Alfy Fowler
"Tôi từng điên cuồng mua sắm đồ mới, cho đến khi theo học ngành thiết kế và nhận ra, chạy đua theo thời trang đúng là chẳng hợp với mình chút nào," – Alfy Fowler (29 tuổi), đầu bếp Cambridge thừa nhận.
Đầu bếp Alfy Fowler, 29 tuổi
Tại trường thiết kế, Fowler được học phương pháp nắm bắt và khơi gợi thị hiếu của người tiêu dùng. "Tôi cảm thấy có gì đó không đúng," – anh cho biết. Mặc dù Fowler hiểu rõ, mọi người có thói quen đánh giá người khác qua trang phục. Song anh vẫn tin, "tốt gỗ hơn tốt nước sơn".
"Với mớ quần áo từ cả thập kỷ trước, trông tôi chắc rất quê mùa," – Fowler bộc bạch. Dù vậy, anh quyết định gạt đi ánh mắt của người khác, sống đúng với bản chất và niềm tin của riêng mình. Trang phục Fowler yêu thích nhất trong tủ đồ là đôi quần short mua từ năm 14 tuổi. "Chun đã giãn hết rồi, nên tôi luôn phải chú ý buộc dây".
Khi ông nội của Fowler qua đời, anh cố tình giữ lại chiếc áo khoác võ sĩ Slazenger yêu thích của ông. Nó đã cũ và phải sửa rất nhiều lần, nhưng anh vẫn vô cùng trân quý, thường đem ra diện.
"Tôi nhìn vào các cửa hàng thời trang và nghĩ, đồ mình tự may còn đẹp và chất lượng hơn nhiều," - Abi Jenkins
"Trừ quần bó và một chút đồ lót, tôi đã không mua thêm bất cứ bộ đồ nào trong 10 năm qua," - Abi Jenkins (49 tuổi), giáo viên dạy may cho hay. "Gốc gác của tôi là Châu Á. Tôi cảm thấy đau lòng vô cùng khi châu lục quê hương đang bị ngành công nghiệp may mặc lạm dụng, sản xuất đại trà bán sang phương Tây".
Giáo viên dạy may Abi Jenkins, 49 tuổi
Thay vì mua đồ mới, Jenkins tự may từ vải cũ. Cô không bao giờ mua vải mới, bởi điều đó chẳng khác gì chạy đua theo thời trang nhất thời.
"Có rất nhiều loại vải cũ đẹp trên thế giới. Tôi đang làm việc trong tổ chức từ thiện Tools for Self Reliance, và tổ chức này thường xuyên được tặng đồ đạc cũ, trong đó có cả vải vóc". Jenkins đã dùng chúng để may đồ mới. Cô cũng tìm mua các loại vải cũ tồn kho của thế kỷ trước, nỗ lực biến chúng thành những trang phục tuyệt đẹp. Sau đó giới thiệu chúng trên tài khoản xã hội cá nhân, thu hút và khuyến khích mọi người thay đổi thói quen cuồng thời trang nhanh.
"Thứ duy nhất tôi thấy bắt buộc phải thay là tất và quần lót" - Jon Watkins
"Tôi nhớ mang máng, lần cuối mình mua đồ là vào năm 1984 thì phải," - Jon Watkins, 70 tuổi thuật lại. Lúc đó, ông đang trong dịp công tác xa nhà mà lại lỡ đánh mất vali, buộc phải ghé vào một cửa hàng để sắm nguyên bộ.
"Về mặt tài chính, tôi đủ dư dả để mua quần áo mới," – Watkins nói. "Tôi không mua chỉ đơn giản vì không thích". Với ông, mua sắm là một hoạt động… mệt mỏi. Trừ tất và quần sịp bắt buộc phải thay, Watkins không quan tâm đổi những thứ khác.
Jon Watkins, 70 tuổi
Người dọn dẹp nhà cửa cho Watkins luôn phàn nàn ông ăn mặc quá cẩu thả, nhưng ông cũng chẳng để tâm. "Cô ấy thường bảo chí ít thì áo sơ mi cũng phải đủ cúc. Tôi thấy cũng đâu cần thiết lắm, miễn vẫn chưa đứt hết cúc thì vẫn mặc được mà".
"Tôi giữ dáng, không tăng cân để luôn mặc vừa đồ cũ," - Athena Drakou
"34 năm trước, tôi đang mang thai ở Hy Lạp thì hay tin thảm họa hạt nhân Chernobyl. Các bà bầu được khuyên không nên ăn bất cứ thực phẩm tươi sống nào, và trải nghiệm tàn khốc đó đã thay đổi ý thức của tôi về môi trường," - Athena Drakou (59 tuổi), kế toán viên nhớ lại.
Tủ quần áo của Drakou khá trống trải, chỉ có vài bộ đồ hàng ngày. "Khi cần trang phục cho các dịp đặc biệt như đám cưới chẳng hạn, tôi sẽ đi mượn hoặc thuê. Có đầy các tiệm cho thuê quần áo trên phố," – bà chia sẻ.
Chiếc quần mới nhất trong tủ đồ của Drakou cũng đã 10 năm tuổi. Những chiếc áo, cái váy trên 20 năm là chuyện bình thường. "Tôi cố gắng không tăng cân. Thế nên, bộ đồ cũ nào cũng vẫn vừa với dáng người. Vả lại, ít quần áo thì cũng khỏi phải đau đầu về chuyện phối đồ".
Drakou còn có thói quen mặc hai lần rồi mới giặt, trừ đồ lót. Đối với quần jean, bà mặc đi mặc lại 5, 7 lần.
"Tôi thích quần áo cũ vì mặc chúng rất thoải mái" - Andrew Ledwidge
"Tôi có chút ghét quần áo mới vì chúng cứ chật chội, khó chịu thế nào ấy," - Andrew Ledwidge (52 tuổi), công nhân giải thích. Ông cho rằng mình hơi dị ứng với lông động vật, cứ đụng vào đồ len mới, bám sát người là y như rằng ngứa ngáy.
Kế toán Athena Drakou, 59 tuổi
So với việc phải mặc đi mặc lại đồ mới cho đến chúng thành cũ, trở nên… hết ngứa, Ledwidge thích dùng mãi đồ cũ hơn. Nhưng vợ ông thì lại yêu thời trang, ưa ăn mặc đẹp, nên rất chịu khó sắm sửa cho chồng. "Có đến ¾ quần áo cô ấy mua cho, tôi không bao giờ đụng đến," - Ledwidge phàn nàn.
"Quần áo đối với anh phải là sự thoải mái," – Ledwidge tranh cãi với vợ. Hai vợ chồng "chiến tranh" kéo dài. Lâu lâu, vợ Ledwidge lại kéo ông vào một cửa hàng thời trang cho bằng được. Và chỉ sau 30 giây, Ledwidge đã nhấp nhỉnh tìm đường "lỉnh".
Đôi khi thấy nam giới nào đó mặc đồ bó sát trông rất thời thượng trên đường, Ledwidge cũng khen thầm trong bụng. Nhưng nghĩ đến việc thử mặc như vậy, ông lập tức gạt phắt đi. "Nếu phải lựa chọn quần áo cũ hay mới, tôi luôn chọn cái cũ".
Tham khảo Theguardian