Những nghề "muôn năm cũ" ở Hà Nội: "Bỏ nghề cũng chẳng biết làm gì để kiếm sống, nên cứ phải theo thôi!"

21/11/2016 11:31 AM | Sống

Sống ở Hà Nội, mỗi người một nghề. Có người kiếm ăn được với dịch vụ thời thượng nhưng đâu đó, vẫn còn rất nhiều người, sống bám lấy nghề xưa cũ, như hiện lên từ quá khứ xa lơ xa lắc. Bởi lẽ, người ta sợ rằng, đã qua dốc thanh xuân, bỏ nghề cũ cũng không biết làm gì để sống.

Những người gắn bó với nghề cũ, nay lặng lẽ đứng sang một bên, ngước nhìn dòng người lướt nhanh qua mình và trên mặt, luôn hiện hữu nỗi buồn thầm lặng. Nghề cũ ở Hà Nội nhiều lắm! Xưa kia 36 phố phường là 36 nghề truyền thống khác nhau. Đến bây giờ, hầu hết đã mai một.

Trong số nhiều nghề "muôn năm cũ", chúng tôi chỉ kịp điểm qua vài cái tên nay vẫn còn được biết đến nhưng có lẽ, không lâu nữa, sẽ đi vào dĩ vãng.

Clip những nghề "muôn năm cũ" ở Hà Nội. Thực hiện: Kinghub

Chuyện về những người cao tuổi sống lay lắt với nghề chụp ảnh dạo

Hà Nội còn bao nhiêu người chụp ảnh dạo, hình như đều dồn hết về hồ Gươm. Nơi đây đông đúc lại có nhiều khách du lịch ghé qua. Nhờ lợi thế đó, trước kia, nghề này từng được xem là dịch vụ "hốt bạc", thu hút nhiều lao động tham gia.


Ông Hùng đem chiếc máy ảnh ra ngắm nghía lúc không có khách.

Ông Hùng đem chiếc máy ảnh ra ngắm nghía lúc không có khách.


... Và lật giở lại những bức ảnh cũ như những kỉ niệm đẹp.

... Và lật giở lại những bức ảnh cũ như những kỉ niệm đẹp.

Bây giờ cảm giác cầm trên tay chiếc máy ảnh, chắc không phải là điều gì đó quá đỗi tự hào. Nhưng nếu lùi về khoảng 20-25 năm trước, mọi thứ khác hẳn. Khi đó, một chiếc máy phim to, giá trị bằng cả gia tài. Vì thế, người cầm máy ảnh như cũng được chú ý nhiều hơn.

Nhớ lại quá khứ "vàng son", ông Hùng (80 tuổi) tâm sự: "Chiếc máy ảnh ngày xưa quý lắm, tôi bán đi có một chiếc mà đủ mua thêm gian buồng. Ngày ấy, chiếc máy cơ của Đức giá 1.200 đồng mà mỗi buổi đi làm của công nhân chỉ đáng giá có vài hào".


Trước kia, để trở thành nhiếp ảnh, ông phải trải qua kỳ thi tay nghề khắt khe.

Trước kia, để trở thành nhiếp ảnh, ông phải trải qua kỳ thi tay nghề khắt khe.


Nhưng giờ đây, chúng gần như chỉ mang giá trị kỉ niệm.

Nhưng giờ đây, chúng gần như chỉ mang giá trị kỉ niệm.


Nhiếp ảnh quanh hồ Gươm bây giờ, hầu hết đều vắng khách.

Nhiếp ảnh quanh hồ Gươm bây giờ, hầu hết đều vắng khách.

Khó khăn là thế nhưng vào cái thời người ta chỉ chụp ảnh khi có dịp đặc biệt, thợ ảnh cũng được đền đáp xứng đáng. Nhớ lại khoảng thời gian cách đây gần 10 năm, ông Tuấn vẫn điểm thấy mình có thể thu được vài trăm nghìn đồng/ngày.

Bây giờ, mọi thứ đảo chiều. Vẫn khu vực đền Bà Kiệu - nơi ông Hùng từng kiếm ra tiền, vẫn con người ấy với những chiếc máy ảnh ngày càng được nâng cấp hơn nhưng rồi khách hàng đã đi đâu? Họ không còn bận tâm đến lời mời chụp ảnh. Họ đi lướt qua thật nhanh hoặc nếu không, sẽ bận rộn với việc chụp ảnh bằng máy kỹ thuật số, điện thoại thông minh.


Ông Túy, một nhiếp ảnh gia gắn bó với nghề 26 năm.

Ông Túy, một nhiếp ảnh gia gắn bó với nghề 26 năm.


Mang trên người chiếc máy ảnh xịn.

Mang trên người chiếc máy ảnh xịn.


Và thẻ hành nghề, 20-25 năm về trước từng là niềm ao ước của nhiều người.

Và thẻ hành nghề, 20-25 năm về trước từng là niềm ao ước của nhiều người.

Ông Hùng và nhiều người bạn già chụp ảnh dạo vẫn lặng lẽ đứng đó. Có khi cả tuần, thậm chí 10 ngày, họ cũng chẳng chụp được tấm hình nào cho khách. Ấy vậy mà ngày nào, các ông cũng bắt xe buýt lên hồ Gươm làm việc. Giờ giấc của họ chuẩn chỉ, 7h30 có mặt và 5h chiều bắt đầu trở về. Ngày nắng, ngày mưa, họ đều giữ nguyên vị trí của mình. Cho dù không có vị khách nào hỏi đến, cho dù phải lang thang, vạ vật cả ngày, tình cảnh ấy có thể kéo dài tới nửa tháng, họ vẫn quyết không từ bỏ.

"Có 3 lý do để mình gắn bó, đó là vì yêu nghề, vì mình già rồi không biết làm gì mưu sinh và vì áp lực kiếm tiền để trang trải cuộc sống" - ông Túy (một nhiếp ảnh gia 26 năm gắn bó với nghề) nói.

Khi nghề chụp ảnh dạo thất sủng, ông Túy phải đứng giữa hai sự lựa chọn: Hoặc theo nghề và chấp nhận thu nhập thấp, hoặc bán máy, chuyển sang nghề khác. "Nhiều người đã bỏ nghề nhưng tôi vẫn ở lại. Đôi lúc tôi nghĩ nếu bỏ nghề rồi sao, qua dốc thanh xuân, mình thường không dám liều nữa vì sợ rằng không đi chụp ảnh, cũng chẳng biết làm gì kiếm sống".

Xe ôm truyền thống trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với vận tải giá rẻ

Nghề xe ôm ở Hà Nội bây giờ vẫn còn nhiều người gắn bó. Chợt chạy ào ra đường, bạn có thể sẽ gặp ngay bác xe ôm đứng đó đợi khách. Nhưng tôi đoán chắc, thời gian bạn thấy họ ngủ gục, đọc báo... sẽ nhiều hơn hẳn lúc bận rộn với việc chở khách.


Ế khách - tình cảnh chung của cánh xe ôm truyền thống.

Ế khách - tình cảnh chung của cánh xe ôm truyền thống.


Họ ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy, có khi chờ cả ngày cũng không có ai gọi.

Họ ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy, có khi chờ cả ngày cũng không có ai gọi.

Anh Đạt (một người chạy xe ôm khu vực hồ Gươm) tâm sự: "Trước đây nếu chở được 20 khách thì bây giờ giảm đi một nửa và khách chủ yếu đi gần, tiền thu về cũng chẳng đáng là bao".

Theo lời anh Đạt, mấy năm trước, kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm cũng không chật vật như bây giờ. Từ khi ứng dụng Uber hay GrabBike ra đời thì xe ôm truyền thống thật sự bị "thất sủng". Mức giá mà các hãng này đưa ra quá rẻ, những người như anh Đạt không thể nào cạnh tranh nổi.


Cánh lái xe hầu hết đều tỏ ra buồn nản.

Cánh lái xe hầu hết đều tỏ ra buồn nản.


Nhưng không phải ai cũng dám từ bỏ để chuyển sang làm nghề khác.

Nhưng không phải ai cũng dám từ bỏ để chuyển sang làm nghề khác.

"Thực ra tôi hiểu là dịch vụ của họ tốt hơn, mình bị cạnh tranh, thậm chí bị đào thải cũng đúng. Hơn nữa, nhiều người chạy xe ôm có tư duy chộp giật đã gây tiếng xấu, làm mất lòng khách".

Ngồi ở ven hồ Gươm từ 7h sáng, đến 3h chiều, anh Thanh vẫn không có khách nào gọi. Buồn bã, anh chỉ biết đọc báo hoặc ngủ vùi hoặc vẩn vơ nghĩ lại những ngày từng kiếm được kha khá tiền bằng cái nghề này.


Anh Thanh khá buồn khi tâm sự về nghề nghiệp của mình.

Anh Thanh khá buồn khi tâm sự về nghề nghiệp của mình.

Trong khi anh Đạt từng nghĩ sẽ sớm gia nhập Uber hoặc Grab để làm việc, anh Thanh lại có tư tưởng sống chết với nghề chạy xe truyền thống. Anh gọi đó là cách để tìm lại kỉ niệm đã qua. "Nhiều lần tôi nghĩ hay là gia nhập vào các công ty đó nhưng rồi lại thôi vì xe tôi cũ mèm, điện thoại rởm mà chạy như vậy, thời gian bó buộc cũng cực lắm trong khi thu nhập không cao", anh Thanh nói.

Những nghệ nhân may áo dài hiếm hoi ở Hà Nội

Nghề may áo dài xuất phát từ làng nghề Trạch Xá (Hà Tây cũ). Thời kỳ phồn thịnh, nhiều nghệ nhân đã rời làng lên Hà Nội lập nghiệp, tạo thành những khu phố nhộn nhịp các hiệu may áo dài dành cho giới thượng lưu.


Cửa hiệu may áo dài của bà Huyễn trên phố Lương Văn Can.

Cửa hiệu may áo dài của bà Huyễn trên phố Lương Văn Can.


Những chiếc áo dài may thủ công luôn có vẻ chỉn chu và mang nhiều nét cổ điển.

Những chiếc áo dài may thủ công luôn có vẻ chỉn chu và mang nhiều nét cổ điển.

Trải qua năm tháng, các hiệu may áo dài ở Thủ đô dần thu hẹp lại. Bây giờ, người ta chỉ có thể tìm thấy dấu tích của chúng ở một vài nơi, tiêu biểu là trên phố Lương Văn Can.

"Ngày xưa người làm nghề này đông lắm nhưng giờ ít đi nhiều. May áo dài không giàu nhưng cũng chẳng nghèo nên tôi vẫn gắn bó", bà Lê Thị Huyễn (76 tuổi, nghệ nhân may áo dài nổi tiếng phố Lương Văn Can) tâm sự.


Chiếc máy khâu cũ kĩ.

Chiếc máy khâu cũ kĩ.


Bao năm nay đã gắn bó với vợ chồng bà Huyễn.

Bao năm nay đã gắn bó với vợ chồng bà Huyễn.

Cửa hiệu nhỏ, chiếc máy khâu cũng đã cũ rỉ nhưng bà Huyễn và chồng, dù tuổi đã cao vẫn tận tụy làm ra những chiếc áo dài tinh xảo. Bà Huyễn bảo, nghề này khó nhất ở đường kim, mũi chỉ và nhận định dáng dấp, kiểu may cho khách.

"Trước tôi làm công nhân ở nhà máy may áo vest, ngày ấy áo vest quý lắm. Bận rộn thế nhưng đêm về vẫn phải may phụ áo dài với chồng. Nghề này không bạc, nó giúp tôi nuôi được 7 người con trưởng thành".


Đôi tay nhăn nheo của bà Huyễn, vẫn có thể cắt may áo dài thoăn thoắt.

Đôi tay nhăn nheo của bà Huyễn, vẫn có thể cắt may áo dài thoăn thoắt.

Bây giờ số lượng khách tuy vắng hơn nhưng vì sẵn có thương hiệu nên bà Huyễn vẫn đông khách. Bà còn mở hiệu cho 2 cô con gái đứng bán. Phố Lương Văn Can hầu như chỉ còn sót lại gia đình bà làm nghề. Các cửa hiệu đều kiếm ăn được nhưng nếu nhìn sang những hàng quán mới mở, việc sống sót với nghề may áo dài, quả nhiên chẳng dễ dàng gì.

Những người theo đuổi nghề "muôn năm cũ" từ khi còn trẻ như bà Huyễn, họ luôn tâm niệm một điều rằng, thời thế thay đổi là điều tất yếu. Mỗi nghề sinh ra đều có thể mất đi nhưng ngày nào họ còn sống, họ vẫn muốn mở cửa hiệu, may dăm ba chiếc áo dài để phục vụ những người có nhu cầu cần đến mình. Quá khứ có thể chỉ là hoài niệm nhưng điều ấy, không có nghĩa sẽ dập tắt tình yêu nghề của họ trong hiện tại và tương lai.

Cùng chuyên mục
XEM