Những ngành nào gặp thách thức lớn trong năm 2017?

13/02/2017 09:19 AM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia đã đưa ra dự báo về một loạt nhóm ngành có thể sẽ gặp khó vào năm 2017.

Mới đây, trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra một số dự đoán về các ngành sẽ gặp khó trong năm 2017 này.

Theo trung tâm này, tình hình thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho khu vực nông nghiệp trong năm nay. Chưa kể, ngành này đang phải gánh nhiều tác động tiêu cực năm 2016 để lại.

Trung tâm cũng dự báo việc xuất khẩu gạo năm nay gặp nhiều khó khăn hơn, vì vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. Tuy vậy, việc phát huy các hiệp định thương mại trong năm nay được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình hình.

Với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, muốn tăng trưởng như mức trở thành đầu tàu nền kinh tế của năm 2016, nhóm ngành này cần chờ thêm các chính sách mới từ Chính phủ và các hiệp định thương mại có hiệu lực. Riêng ngành dịch vụ có thể cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng tiêu dùng trong nền kinh tế không có nhiều khởi sắc.

“Xu hướng tiết kiệm vẫn diễn ra nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động giải trí, du lịch sử dụng tiền nhàn rỗi. Tuy vậy, nguy cơ lạm phát trở lại trong năm 2017 là khá lớn, có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng" - Trung tâm này nhận định.

Tăng trưởng tiêu dùng khó có sự bứt phá trong năm nay”, trung tâm này phân tích. Dự báo lạm phát năm 2017 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên dưới 5%.

Về lao động việc làm, trong những tháng cuối năm 2016, khó khăn vẫn còn hiện hữu và đặt gánh nặng lên cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt những người làm việc trong nhóm ngành thủy sản, do thiếu hụt nguyên liệu thô. Do vậy thị trường lao động được dự báo khó đạt được chỉ tiêu 1,6 triệu việc làm.

Riêng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trung tâm chỉ rõ những yếu tố quan trọng có thể khuyến khích thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu năm nay, gồm việc thực hiện các hiệp định thương mại, với lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng hơn cùng nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Nhìn toàn cảnh, trung tâm này đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt trong năm nay.

Trong đó kịch bản 1, cũng là kịch bản cơ sở, với nhiều khả năng xảy ra hơn, là nền kinh tế được duy trì ổn định và tiếp đà phát triển, hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện.

Kịch bản 2 là nền kinh tế phát triển mạnh nhờ tận dụng được những động lực phát triển kinh tế thông qua hội nhập. Cơ cấu, quy mô hiệu quả có những cải thiện theo hướng tích cực hơn, khi đó tăng trưởng kinh tế được dự báo khoảng 6,72% và lạm phát ở mức 6%.

Ngọc Bích

Cùng chuyên mục
XEM