Những mẩu truyện "chẳng giống ai" của Elon Musk, "gã ngông cuồng" vừa được TIME bình chọn là Nhân vật của năm

14/12/2021 17:04 PM | Kinh doanh

Vượt qua nhiều cái tên tiếng tăm hàng đầu thế giới, tỷ phú giàu nhất hành tinh, người nổi tiếng ngông cuồng, Elon Musk vừa được TIME bình chọn là nhân vật của năm.

Tổng biên tập Tạp chí TIME Edward Felsenthal cho biết nhân vật của năm là người tạo ra ảnh hưởng, và rất ít người có sức ảnh hưởng với sự sống trên Trái Đất, thậm chí cả ngoài Trái Đất như Elon Musk.

Vị này đánh giá trong năm 2021, Musk không chỉ trở thành người giàu nhất thế giới, mà còn là ví dụ cho thấy rõ nét sự chuyển dịch trong xã hội.

Rất nhiều người biết đến Elon Musk với lượng tiền khổng lồ, nhưng không phải cũng biết rằng người đàn ông này lại không hề sở hữu căn nhà nào. Gần đây, vị tỷ phú thậm chí còn quyết định bán bớt tài sản của mình.

Đây chỉ một trong nhiều điều thú vị khác về "gã điên" của ngành công nghệ đang được cả thế giới dõi theo. Bất kỳ hành động nào của ông cũng có thể khiến thị trường "dậy sóng".

Hãy cùng khám phá một số mẩu chuyện thú vị về vị tỷ phú này.

Đi học Stanford chỉ 2 ngày

Năm 1995, Musk đăng ký học cao học về vật lý ứng dụng tại Stanford, nhưng tiềm năng thay đổi cuộc chơi của Internet vào thời điểm đó đã hấp dẫn ông hơn.

Kết quả là Musk quyết định nộp đơn xin tạm nghỉ học, hứa sẽ quay trở lại sau sáu tháng nếu những nỗ lực của ông không thành công. Người phụ trách lúc đó từng nói rằng chàng trai trẻ có lẽ sẽ không quay trở lại, và lời dự báo này đã trở thành hiện thực.

Elon Musk sau đó đã thành lập Zip2 - nơi cung cấp các bản đồ, địa chỉ doanh nghiệp, cũng như các trang báo địện tử.

4 năm sau, ông bán công ty này cho Compaq với giá 307 triệu USD - mức kỷ lục về giá trị thương hiệu cho một công ty Internet vào thời kỳ đó.

Hình mẫu đời thực cho nhân vật Iron Man của Tony Stark

Vai diễn Iron Man trong các bộ phim của Marvel là hình tượng được rất nhiều người biết đến và ngưỡng mộ, nhưng không phải ai cũng biết bằng nhân vật này được truyền cảm hứng và xây dựng dựa trên Elon Musk.

Khi đạo diễn tìm cách nhân cách hóa nhân vật Tony Stark - giàu có, thông minh, lôi cuốn, nam diễn viên Robert Downey đã đề nghị anh liên hệ với Musk.

Kết quả của đề xuất này là các phần của Iron Man 2 đã được quay tại nhà máy của SpaceX, trong khi Musk tìm cách hiện thực hóa ý tưởng thiết kế các bộ phận tên lửa thông qua vẫy tay cảm biến như cách nhân vật trên phim đã làm.

Kiếm tiền từ việc phát triển và bán trò chơi khi chỉ mới 12 tuổi

Elon Musk "bén duyên" với ngành công nghệ khi mới 10 tuổi sau khi nhìn thấy một chiếc máy tính ở cửa hàng. Ông đã tìm cách học lập trình và phát triển trò chơi bắn phi thuyền có tên Blastar, và sau đó bán lại cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD.

Đương nhiên, cậu bé với những hoài bão lớn không dừng lại ở đó. Musk đã cùng với em trai Kimbal lên kế hoạch mở một cửa hàng trò chơi điện tử gần trường học, nhưng hai người đã thất bại không thể có được giấy phép do bố mẹ từ chối làm người hợp pháp.

Người truyền cảm hứng cho công ty điện mặt trời

Năm 2004, Musk lái xe cùng người anh em họ hàng là Lyndon Rive tới lễ hội cuối năm tại Nevada. Là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực phần mềm, Rive chia sẻ rằng anh mong muốn xây dựng một doanh nghiệp có ý nghĩa hơn.

Musk sau khi nghe đã đề nghị Rive xem xét tiềm năng của năng lượng mặt trời, và ý tưởng đã nảy nở theo từng vòng lăn của bánh xe trên sa mạc kia.

Rive sau đó cùng anh trai của mình tạo ra SolarCity, đưa doanh nghiệp này trở thành nhà cung cấp năng lượng mặt trời lớn nhất nước Mỹ.

Lễ hội kia thậm chí còn khơi ngợi cho Elon Musk ý tưởng "điên rồ" hơn khi ông hình dung về một chiếc máy bay điện cất cánh và hạ cánh ngay tại Nevada.

Đó không phải là lần duy nhất "gã chơi ngông" này khiến mọi người xung quanh ngỡ ngàng vì những suy nghĩ "có một không hai", những kế hoạch táo bạo vượt xa khỏi tưởng tượng của con người.

Gã ngông cuồng từng bước hiện thực hóa giấc mộng thay đổi thế giới

Mới đây nhất, trên mạng xã hội Twitter, nhà sáng lập SpaceX cho biết doanh nghiệp này đang bắt đầu một dự án tách khí CO2 khỏi không khí và sẽ biến chúng thành nhiên liệu tên lửa. "Chương trình này rất quan trọng với sao Hỏa", ông viết.

Công ty của vị tỷ phú này đang chế tạo các tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, phục vụ việc khám phá sao Hỏa. Năm ngoái, Elon Musk từng tuyên bố SpaceX sẽ cố gắng đưa tàu vũ trụ không người lái đầu tiên lên sao Hỏa vào năm 2022, và tàu có người lái lên hành tinh Đỏ này vào năm 2026.

Giữa tháng 9 vừa qua, SpaceX đã khiến giới chuyên môn trong ngành hàng không phải "ngả mũ" khi lần đầu tiên phóng thành công một tàu vũ trụ vào không gian mà không hề có một phi hành gia chuyên nghiệp nào. Công ty khởi nghiệp của Musk này đã đi trước Boeing cùng nhiều "gã khổng lồ" khác trong hành trình tương lai du hành vũ trụ của nước Mỹ.

Nhưng tham vọng của Musk không dừng lại, khi những kế hoạch của ông tiếp tục làm thay đổi cả một ngành công nghiệp quen thuộc – ô tô. Tesla – công ty xe điện đã ghi nhận sự phát triển đáng kể trong năm 2021, vượt ngưỡng vốn hoá 1.000 tỷ USD, trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới.

Không chỉ có thể sản xuất hàng trăm nghìn chiếc ô tô mỗi năm, Tesla còn có khả năng giải quyết vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng tốt hơn so với các đối thủ cùng ngành.

Đồng thời, sự xuất hiện của Tesla đang làm thay đổi cái nhìn vốn định kiến của người tiêu dùng về xe điện, kích hoạt làn sóng sản xuất xe điện giữa các nhà sản xuất ô tô.

Chỉ vài năm trước, Elon Musk từng bị xem là một kẻ lừa đảo điên rồ trên bờ vực phá sản. Giờ đây, cậu bé gốc Nam Phi này đang khiến chính phủ và các ngành công nghiệp phải đi theo tham vọng của mình, tạp chí TIME viết.

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM