Những lực cản khiến Việt Nam 'kém hấp dẫn' trong mắt giới đầu tư

09/05/2017 15:16 PM | Kinh tế vĩ mô

"Quản trị doanh nghiệp" và "Tính minh bạch" liên tục là hai nỗi quan ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam bị cho là có tính minh bạch thấp.

Cuộc khảo sát với của hãng tư vấn Grant Thornton thực hiện tháng 3 vừa qua chỉ ra rằng bức tranh đầu tư tư nhân tại Việt Nam năm nay có những nét phác thảo tươi sáng. Theo ý kiến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến triển tích cực hơn. Tuy nhiên cũng giới đầu tư cả trong ngoài nước đều có những quan ngại về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Những người được hỏi đều cho rằng "Lịch sử và dự báo tăng trưởng" cùng với "Minh bạch trong hoạt động" giữ vững vị trí là hai yếu tố quan trọng nhất nhà đầu tư tư nhân vào Việt Nam cân nhắc khi đầu tư. Trong đó, "Minh bạch trong hoạt động" được xem là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất, nhận được 21% ý kiến còn "Lịch sử và dự báo tăng trưởng" đạt mức 18%.

"Dòng tiền" là yếu tố quan trọng thứ ba khi đầu tư vào Việt Nam với 11% phản hồi từ đối tượng khảo sát. Sự thay đổi lớn nhất là chỉ tiêu "Sự hỗ trợ của BGĐ công ty mục tiêu" tăng 6% và chỉ tiêu "Chiến lược phù hợp" giảm 5%.

"Quản trị doanh nghiệp" và "Tính minh bạch" liên tục là hai nỗi quan ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam bị cho là có tính minh bạch thấp. Cần phải có biện pháp cải thiện cấp bách trong khía cạnh này để giúp nhà đầu tư vững tin khi thực hiện những thương vụ kinh doanh ở Việt Nam.

"Chiến lược phù hợp" giảm từ 14% trong 6 tháng đầu năm xuống còn 9%. "Kinh nghiệm/kỹ năng của ban quản lý" nằm ở vị trí thứ 3 trong các quan ngại khi đầu tư ở Việt Nam, với 63% ý nhận định "Rất quan ngại" và "Quan ngại" . Điều hành doanh nghiệp ở Việt Nam cần phải có được đội ngũ quản lý có kỹ năng và trình độ phù hợp, tuy nhiên do những hạn chế về lao động có chuyên môn cao, đây vẫn là một mối đe dọa lớn cho nhà đầu tư tư nhân.

Cũng không thể phủ nhận trong thời gian qua, Chính phủ có những động thái quyết liệt trong việc minh bạch thông tin từ vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho tới Ngân sách nhà nước.

"Tới hạn mà DN không công bố thông tin định kỳ hay sau 1 năm thực hiện cổ phần hóa mà doanh nghiệp Nhà nước không niêm yết trên sàn chứng khoán thì phải thực hiện công bố, công khai tên DN. Không để tình trạng tranh tối, tranh sáng làm ảnh hưởng tới hoạt động của các DN được". Đó là tuyên bố của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi nói về sự chậm trễ của các DN Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa.

Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, Văn phòng Chính phủ đã công bố văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của DN Nhà nước.

Theo nghị định này, những thông tin quan trọng trong điều hành doanh nghiệp cần công bố định kỳ như Chiến lược phát triển của doanh nghiệp, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp, Kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển hàng năm, báo cáo quản trị, báo cáo tài chính,… để Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai trên công thông tin của Bộ. Nhưng tới cuối năm 2016, mới chỉ có 38,87% số doanh nghiệp gửi báo cáo lên Bộ, thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp.

Việc công bố công khai thông tin hoạt động của DNNN bước đầu đã tạo ra sự minh bạch và công bằng trong xã hội, cũng tạo ra công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các DN này, tránh các gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Ngoài ra việc giám sát tốt góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển doanh nghiệp.

Với ngân sách nhà nước, Nghị định 25/2017/NĐ-CP được công bố ngày 14/3 mới đây sẽ tạo tiền đề cho hoạt động minh bạch hóa. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước; nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi tỉnh; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.

Với Bộ Tài chính công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi toàn quốc; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM