img
Những lãnh đạo châu Á đánh dấu hành trình cải cách công nghệ, với khát vọng đưa quốc gia “hóa hổ, hóa rồng” - Ảnh 1.
Những lãnh đạo châu Á đánh dấu hành trình cải cách công nghệ, với khát vọng đưa quốc gia “hóa hổ, hóa rồng” - Ảnh 2.

Hành trình bước vào kỷ nguyên "hóa hổ" của dân tộc Hàn Quốc được dẫn dắt bởi Tổng thống Park Chung Hee – một nhà độc tài với tầm nhìn vượt thời đại. Năm 1961, có lẽ ít người dám tin khi ông nói sẽ biến Hàn Quốc thành cường quốc kinh tế trong 20 năm.

Dù nhà nước độc tài của ông gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử, nhưng chắc chắn rằng, nếu như không có những viên gạch đầu tiên đặt nền tảng vững chắc do chính quyền Park xây đắp thì Hàn Quốc trong các giai đoạn tiếp theo khó có thể đạt được những kỳ tích như bây giờ. Bên cạnh công nghiệp nặng, công nghệ là lĩnh vực mà ông Park dành nhiều ưu ái tập trung phát triển.

Năm 1966, với sự quyết liệt trong cải cách của Tổng thống Park, Hàn Quốc đã thành lập Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) với hai chức năng cơ bản là nghiên cứu các công nghệ sản xuất mà các công ty đòi hỏi và thay đổi phương thức giáo dục, ứng dụng các lý thuyết vào các mục tiêu thực tiễn. Cách tiếp cận thị trường của KIST cũng khác hẳn với những viện nghiên cứu trước đó của Hàn Quốc. Năm 1967, Tổng cục Khoa học kỹ thuật được thành lập.

Những lãnh đạo châu Á đánh dấu hành trình cải cách công nghệ, với khát vọng đưa quốc gia “hóa hổ, hóa rồng” - Ảnh 3.

Luật Bồi dưỡng khoa học - công nghệ cũng tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật, công nghệ mới trong nền kinh tế.

Trong số các ưu đãi đặc biệt của ông Park Chung-hee, các khoản viện trợ nước ngoài về vốn và công nghệ đã đóng góp phần quan trọng cho sự trỗi dậy của các chaebol. Thông thường, các nhà độc tài thường rất hạn chế mở cửa với các quốc gia khác, nhưng riêng trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư cho nghiên cứu phát triển, cố Tổng thống Park Chung-hee lại cực kỳ coi trọng nguồn lực nước ngoài.

Ở giai đoạn này, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân còn yếu kém nên các viện nghiên cứu công đóng vai trò chủ đạo trong việc học hỏi và tiếp thu công nghệ quốc tế, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Đến giai đoạn nội địa hóa công nghệ, số lượng doanh nghiệp công nghệ tư nhân và số lượng trường đại học, viện nghiên cứu đã tăng lên nhanh chóng. Điều này đã khiến Hàn Quốc bắt đầu làm chủ được khả năng nghiên cứu.

Những lãnh đạo châu Á đánh dấu hành trình cải cách công nghệ, với khát vọng đưa quốc gia “hóa hổ, hóa rồng” - Ảnh 4.

Ông Lý Quang Diệu – Thủ tướng đầu tiên của Singapore đã nói: "Nơi đây từng chỉ là một bãi bồi, một đầm lầy. Nhưng hôm nay, chúng ta đã là một thành phố hiện đại. 10 năm nữa kể từ hôm nay, chúng ta nhất định sẽ trở thành một đô thị lớn".

Nếu như cái ông Diệu làm được là một cuộc cải cách về công nghiệp, thì người đưa Singapore trở thành một thành phố - quốc gia thông minh chính là con trai ông – Thủ tướng Lý Hiển Long.

Ông Lý Hiển Long là một vị Thủ tướng rất quan tâm đến công nghệ, tích cực sử dụng mạng xã hội, và thậm chí là có bằng khoa học máy tính của Đại học Cambridge, Anh, nhưng cuối cùng lại đi theo con đường chính trị, theo ý cha.

Cha ông không phải là người không coi trọng khoa học công nghệ. Lý Quang Diệu thậm chí đã học cách sử dụng máy tính dù đã 70 tuổi. Ông muốn con trai mình tập trung vào chính trị thay vì khoa học đơn giản vì tin rằng Lý Hiển Long sẽ làm nên chuyện, và cần phải cống hiến cho đất nước.

Những lãnh đạo châu Á đánh dấu hành trình cải cách công nghệ, với khát vọng đưa quốc gia “hóa hổ, hóa rồng” - Ảnh 5.

Quả thế, bằng bộ óc chính trị thừa hưởng từ cha và tài năng khoa học công nghệ thiên phú, Thủ tướng Lý Hiển Long - cũng chính Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo và Doanh nghiệp của Singapore (RIEC), đã đưa Singapore từ một quốc gia công nghiệp dịch vụ lên một vị thế mới – thành phố công nghệ.

Không có tài nguyên thiên nhiên và phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng về đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đưa ra kế hoạch tập trung vào tài sản giá trị nhất của đất nước: tri thức. Cả hai khu nghiên cứu Fusionopolis và Biopolis dưới sự quản lý của Cơ quan khoa học công nghệ và nghiên cứu của Singapore là hiện thân của cam kết này.

Các chính sách của Singapore dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long đều thúc đẩy xây dựng ngành công nghệ như một trụ cột của nền kinh tế tương lai. Chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, giữ liên lạc với người Singapore làm việc tại Thung lũng Silicon và các trung tâm công nghệ khác trên thế giới, cố gắng đưa một số tài năng trong số họ về phục vụ đất nước. Chính phủ Singapore cũng chào đón các công ty công nghệ, đã có nhiều công ty công nghệ lớn đến Singapore như Google, Facebook, Salesforce, Grab, Stripe - và họ đang phát triển mạnh mẽ.

Ông cho biết - "Khi chính phủ phát triển các ứng dụng mới, chúng tôi thực sự tập trung vào việc nó có thân thiện với người dùng và trực quan hay không. Vì vậy, tôi thường thử các trang web và ứng dụng để tự kiểm tra chúng".

Những lãnh đạo châu Á đánh dấu hành trình cải cách công nghệ, với khát vọng đưa quốc gia “hóa hổ, hóa rồng” - Ảnh 6.

Với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đặc biệt quan tâm và dành nhiều công sức vào phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà. Kể từ khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, ông Phúc cũng như nội các của mình luôn khuyến khích người dân, doanh nghiệp nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển.

Chính phủ liên tục động viên doanh nghiệp và ông tin rằng: "Việt Nam sẽ phát triển nếu có những doanh nghiệp toàn cầu, biết đổi mới sáng tạo và có tinh thần tự tôn dân tộc. Việc phát triển công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam vươn ra thế giới" - Thủ tướng chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 diễn ra sáng nay.

Những lãnh đạo châu Á đánh dấu hành trình cải cách công nghệ, với khát vọng đưa quốc gia “hóa hổ, hóa rồng” - Ảnh 7.

Trước đó, việc ông phát biểu khi đến thăm khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng thể hiện quyết tâm chính trị và kỳ vọng vào công nghệ cao có thể thay đổi vận mệnh đất nước: "Sáu tháng một lần, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng xuống đây nghe lại một lần, chứ không phải nói một lần là xong".

Nhìn thẳng vào bức tranh kinh tế, Thủ tướng nhận thức rõ ràng, Việt Nam không thể tiếp tục tăng trưởng dựa vào tài nguyên hay lao động giá rẻ, đặc biệt là trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp thứ tư – kỷ nguyên chứa đựng những khả năng xoay chuyển tình thế bất ngờ. Vì thế, từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc cho đến nay, cơ chế, chính sách liên quan đến các doanh nghiệp công nghệ cũng như khởi nghiệp sáng tạo không ngừng được cải thiện. Thủ tướng khẳng định, con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải dựa vào công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao.

Trái ngọt có thể vẫn còn xa ở phía trước, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thấy những nỗ lực cải cách đổi mới đang dần đơm hoa. Số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Những lãnh đạo châu Á đánh dấu hành trình cải cách công nghệ, với khát vọng đưa quốc gia “hóa hổ, hóa rồng” - Ảnh 8.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong các ngành CNTT, phần mềm, ứng dụng công nghệ số như FPT, Viettel. Năm 2017, Tập đoàn Viettel được xếp hạng đứng thứ hai trong ASEAN và trong TOP 50 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2019, thương hiệu Viettel được BrandFinance định giá tới 4,3 tỷ USD.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc "hoá rồng". Với xu thế sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp công nghệ có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế nhiều tài nguyên không còn là vị thế, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và nền kinh tết. Đây là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam".

Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục – Đào tạo nghiên cứu và đề xuất, báo cáo việc đổi mới giáo dục dạy ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp tiểu học để nâng cao năng lực tiếp cận và kỹ năng công nghệ thông tin cho toàn dân.

Với khát vọng bỏng cháy về một "Việt Nam hùng cường", Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp công nghệ: "Thời gian không chờ đợi nên cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, Việt Nam cần hành động ngay".

Thái Trang
Tuấn Mark + sưu tầm
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ9/5/2019

Trí thức trẻ