Những lái xe xung phong chở F0, F1 ở Hà Nội

07/08/2021 17:26 PM | Xã hội

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tại Hà Nội, một nhóm lái xe cứu thương viết đơn tình nguyện xung phong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: Đưa F0, đón F1 đi điều trị, cách ly. Phóng viên Tiền Phong theo chân những lái xe chứng kiến công việc vất vả, nguy hiểm này.

Viết đơn xung phong chống dịch

Sau nhiều lần điện thoại, trưa 5/8 phóng viên Tiền Phong mới tiếp cận được nhóm lái xe đặc biệt này. Đón chúng tôi là anh Lê Thành Trung, Đội trưởng đội lái xe tình nguyện Cty TNHH MTV Vận chuyển người bệnh Anh Vũ.

"Đại bản doanh" của nhóm lái xe này nằm cạnh chợ Mỗ Lao (Hà Đông), 3 gian nhà cấp 4, lợp mái tôn làm tường bao quanh là nơi sinh hoạt của 5 anh em, còn sân ở giữa là bãi đỗ của 3 xe cấp cứu.

Những lái xe xung phong chở F0, F1 ở Hà Nội - Ảnh 1.

Anh Lê Thành Trung, Đội trưởng đội lái xe tình nguyện Cty TNHH MTV Vận chuyển người bệnh Anh Vũ

Trong căn nhà, hơi nóng hầm hập từ mái tôn phả xuống nền xi măng, anh Trung mở chai nước lọc mời khách, nhoẻn cười cho biết: "Phòng có điều hòa nhưng chỉ "thư giãn" buổi tối khi anh em đã "sạch" (sau khi được khử khuẩn, tắm rửa sạch sẽ).

Từ ngày 19/7, khi Cty thành lập đội chuyên tâm phục vụ chống dịch COVID-19, 5 anh em lái xe viết đơn xung phong ra đây ở "riêng", sống biệt lập. Công việc hằng ngày là đến các khu vực phát sinh ổ dịch cộng đồng để đón F0, đưa F1 đi các khu điều trị, khu cách ly. Thời gian vất vả nhất là từ chiều đến đêm, đây là thời điểm bên y tế công bố các ca bệnh và những người liên quan, đưa hết thì nghỉ".

Chưa dứt câu chuyện, điện thoại của anh Trung dồn dập cuộc gọi đến. Người gọi điện báo vừa tiếp nhận thông tin từ phường Phúc La (quận Hà Đông), anh em sắp xếp xe đến đón 17 F1 đưa đến khu cách ly Trường Trung cấp Cầu đường và dạy nghề (do Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng quản lý). Cuộc nói chuyện vẫn chưa kết thúc, tiếng chuông từ chiếc điện thoại còn lại đã đổ liên hồi. Người đầu bên kia nhờ nhóm xếp xe đưa 7 F1 ở phường La Khê đến khu cách ly khác.

Dứt điện thoại, anh phân công từng lái xe phụ trách các tuyến đường để đón F1 đưa đi khu cách ly cho kịp thời. Từng người mặc đồ bảo hộ y tế, tiếp nhận xe sau khi khử khuẩn và lên đường. Anh Trung lên một xe thẳng tiến đến địa chỉ trên đường Văn Quán (thuộc phường Phúc La) đón 7 F1 là nhân viên siêu thị VinMart liên quan đến F0 của Cty thực phẩm Thanh Nga (ổ dịch có tới 40 F0).

Anh Trung cho hay, hơn 10 năm lái xe cứu thương, nếm trải đủ mọi vất vả nhưng chưa bao giờ có những cảm xúc đặc biệt đến vậy.

"Vận chuyển F0 trong tình cảnh "nước sôi, lửa bỏng", lo lắng nhưng trong lòng cánh lái xe chúng tôi luôn muốn đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào công tác phòng, chống dịch của thành phố và cả nước", anh Trung nói và cho biết, trước khi nhóm hoạt động, phường Mỗ Lao có nhờ chở vài chuyến nhưng khi dịch bùng phát, thấy bệnh nhân nhiều, phải chờ đợi, nhiều hoàn cảnh thương tâm nên lãnh đạo Cty quyết tâm thành lập nhóm chuyên hỗ trợ dịch COVID-19.

Anh em muốn xung phong vào đội hỗ trợ phải viết đơn lên Cty, báo cáo chính quyền địa phương, được đồng ý mới tham gia. Ngoài khỏe mạnh (độ tuổi từ 27-38), lái xe được tuyển chọn vào đội phải có kinh nghiệm và đã được trang bị kỹ năng phòng dịch.

Những chuyến xe 0 đồng

Đến điểm đón, sau khi tiếp nhận giấy tờ từ cán bộ y tế, sau 30 phút, các F1 mới mặc quần áo, chuẩn bị đồ dùng và bắt đầu lên xe.

"Nắng nóng đối với lái xe là bình thường. Quan trọng nhất là phải giữ an toàn cho mình và cách xử lý để mình và người bệnh không phải chờ đợi. Nhiều trường hợp F1 phải nhờ lực lượng an ninh đến cưỡng chế mới đưa đi được nên có khi phải chờ cả tiếng đồng hồ. Có lúc, trên xe không bật điều hòa, mồ hôi vã như tắm, thấm ướt cả phía ngoài quần áo bảo hộ.

Nhiều người bức xúc chửi bới nhưng lái xe phải kiên nhẫn, giải thích để họ hiểu làm như vậy mới đảm bảo phòng dịch. Có người vừa bước đến đã chê xe bẩn nhưng anh em phải giải thích ngay là do phun khử khuẩn, vệt dung dịch khử khuẩn còn đọng lại nên họ mới hiểu và thông cảm…", anh Trung kể.

Nhiều lúc, anh em chở bệnh nhân lên các khu cách ly, bệnh viện dã chiến nhưng giấy tờ thiếu, bị cán bộ ở đó mắng oan nhưng không vì thế mà bực tức. Anh em lái xe đều giải thích, rồi làm cầu nối để họ hiểu và bổ sung giấy tờ ở chuyến xe sau.

"Lúc đầu toàn bộ chi phí do Cty bỏ ra. Sau đó, một số cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ trang thiết bị, tiền xăng dầu. Ở đây không thiếu gì, hết là có cán bộ phường cung cấp. Anh em lái xe đùm bọc nhau, động viên nhau cố gắng. Sau mỗi buổi như thế anh em đều điện thoại thông báo tình hình để gia đình yên tâm…". Anh Trung cho biết


Trong suốt những ngày vất vả thực hiện nhiệm vụ, hình ảnh chia tay của cháu trai sinh năm 2015 là F1 và mẹ là F0 ở khu cách ly khiến anh không thể quên. Khi chiếc xe cứu thương của anh dừng trước cổng cơ sở cách ly tập trung, một bé trai trùm đồ bảo hộ kín mít, ôm theo chiếc túi đựng đồ dùng cá nhân, khóc òa. Miệng cháu nói không thành lời "con không muốn đi, con không lên…", còn người mẹ liên tục động viên "con giỏi lắm, con ngoan lắm" rồi cũng òa khóc theo.

Chứng kiến hình ảnh ấy, anh không cầm được nước mắt. "Tình thương khiến anh em gạt bỏ nỗi sợ hãi, cố gắng hết mình. Bất kể ngày đêm, chúng tôi luôn sẵn sàng", anh Trung tâm sự.

Trong những ngày dịch bùng phát ở Hà Nội, mỗi ngày nhóm của Trung thực hiện trung bình hơn 12 chuyến xe đưa, đón hàng trăm F0, F1 đi điều trị và cách ly. Những chuyến xe này đều thực hiện miễn phí, lái xe không có lương.

Khi xe quay về các bước khử khuẩn vẫn được thực hiện nghiêm ngặt. Cả xe và lái xe phải được phun khử khuẩn, quần áo, đồ dùng bảo hộ được đem đi đốt. Để đảm bảo an toàn hơn, cứ 3 ngày nhóm của Trung được xét nghiệm COVID-19 một lần.

Đức Anh

Cùng chuyên mục
XEM