Những khách sạn ế ẩm nơi Xứ sở chùa Vàng làm nao lòng cả thế giới

19/06/2017 17:46 PM | Kinh doanh

Với tầm nhìn bao quát chùa Shwedagon, công trình được coi là một trong những biểu tượng văn hóa hàng đầu của Myanmar với ngọn tháp màu vàng rực rỡ, khách sạn ven hồ Esperado nằm ở vị trí đắc địa. Tuy nhiên, hai năm sau khi đi vào hoạt động, khách sạn 4 sao này luôn lâm vào tình trạng ế ẩm và thua lỗ.

Khi quốc gia được mệnh danh là Xứ sở chùa Vàng mở cửa năm 2011 sau nhiều thập kỷ tự cô lập, vùng đất từng là thuộc địa cũ của Anh hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hút khách nhất thế giới. Vẻ đẹp tiềm ẩn của những công trình là nao lòng cả thế giới kết hợp với sự bí ẩn của một quốc gia ít được biết đến giúp Myanmar có đủ động lực để trở thành một thiên đường du lịch giống Thái Lan .

Tuy nhiên, thực tế lại khác rất nhiều so với những suy tính. Các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng lạch bạch khiến những khách sạn ở Myanmar thường xuyên ế ẩm. Quy hoạch kém làm hư hại những báu vật quốc gia, khiến chúng ngập trong bùn, cát và rác.

Các hoạt động xây dựng, sửa chữa bên ngoài Khách sạn Pan Pacific, chuẩn bị khai trương ở thủ đô Yangon, Myanmar. Ảnh: Bloomberg

“Quy hoạch phức tạp kết hợp với việc thiếu kinh nghiệm quản lý trở thành những thách thức khổng lồ với Myanmar”, Paul Rogers, chuyên gia tư vấn du lịch và khảo cổ của chính phủ Myamnar, nhấn mạnh.

Những số liệu bị làm sai lệch

Myanmar đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ kể từ khi liên minh dân cử do bà Aung San Suu Kyi, cựu tù nhân chính trị từng được trao giải Nobel Hòa Bình, đứng đầu lên nắm quyền. Sự bước xuống của chính quyền quân sự tạo điều kiện chấm dứt mâu thuẫn sắc tộc và mở cửa nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, đầu tư nước ngoài đổ vào Myanmar rất nhiều, với những cửa hàng đồ ăn nhanh đầu tiên của phương Tây hay nhà máy Coca-Cola tới các dịch vụ viễn thông. Theo Quỹ tiền tệ Thế giới, năm 2016, Myanmar là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á. Tuy nhiên, Myanmar vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Năm 2013, Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar đã đặt ra Kế hoạch Tổng thể cho ngành công nghiệp du lịch, với mục tiêu thu hút 7,5 triệu lượt khách tới Myanmar vào năm 2020. Cùng với kế hoạch này là khoản doanh thu dự kiến đạt 10,2 tỷ USD từ du lịch, một động lực to lớn cho nền kinh tế mà Ngân hàng Thế giới ước tính đạt khoảng 63 tỷ USD.

Những danh thắng kỳ vĩ chưa đủ để kéo du khách đến với Myanmar. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, mục tiêu trên quá xa vời, nhất là khi hàng loạt bằng chứng cho thấy số liệu thống kê của Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar bị cố tình làm sai. Số liệu thống kê mới cho thấy số du khách tới Myanmar đã giảm 38% vào năm 2016 xuống 2,9 triệu người so với 4,7 triệu người của một năm trước đó. Tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới cũng đã đặt câu hỏi về chất lượng số liệu thống kê của Myanmar nhưng không nhận được câu trả lời.

Alexander Scheible là Tổng giám đốc của Khách sạn Rose Garden nằm ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Nói về những số liệu thống kê thiếu chính xác, Scheible mô tả: “Đó là bí mật mà ai cũng biết, khi những con số bị sáp nhập một cách có chủ ý”.

Tình trạng ế ẩm đáng quan ngại

Trở lại với câu chuyện khách sạn ế ẩm ở Myanmar, Rogers, cố vấn của chính phủ, cho rằng, tâm lý sốt sắng đã khuyến khích việc xây dựng quá nhiều. Tổng số khách sạn đã tăng gần gấp đôi lên 1.300 trong vòng 5 năm tính tới năm 2015. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng cam kết đầu tư tới 2,7 tỷ USD vào lĩnh vực này trong cùng kỳ. Chuỗi khách sạn Accor SA của Pháp hay Hilton của Mỹ cũng nằm trong số các bên cam kết.

Tại hai khách sạn Hilton ở Myanmar, tỷ lệ cho thuê phòng và lợi nhuận luôn tăng hai con số kể từ năm 2014, khi chúng đi vào hoạt động. Công ty này muốn mở thêm 3 khách sạn nữa trên khắp đất nước. Tuy nhiên, quản lý của các khách sạn này luôn từ chối đưa ra những con số cụ thể để minh chứng cho những gì họ tuyên bố.

Trong khi đó, bằng chứng cho sự phát triển quá mức đặc biệt được thấy rõ ở thủ đô Naypyitaw. Được đầu tư mạnh mẽ sau khi trở thành thủ đô Myanmar thay thế Yangon trong những năm 2000, Naypyitaw ngày nay vẫn chưa thoát được tình trạng hoang vắng, với những con đường 14 làn xe hiếm người qua lại, các cửa hàng ế ẩm và 5.000 phòng khách sạn thường xuyên không được sử dụng. Theo đánh giá của TripAdvisor, khách đến với những khách sạn ở Myanmar chủ yếu là “những nhà tư vấn đơn lẻ”, làm việc cho các tổ chức cứu trợ quốc tế.

Sự hoang vắng ở thủ đô Naypyitaw. Ảnh: Bloomberg

Không chỉ riêng Naypyitaw, khách sạn ở những thành phố khác của Myanmar cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Theo thống kê của Liên đoàn Du lịch Myanmar, tỷ lệ kín phòng trung bình chưa đạt tới 40% vào mùa xuân và mùa hè. Tới mùa khô, từ giữa tháng 3 và tháng 11, tỷ kệ kín phòng đạt 50%. Sự ế ẩm buộc nhà chức trách Myanmar dừng các dự án xây mới khách sạn, bao gồm cả ở cố đô Yangon.

Tuy nhiên, Bộ Hàng không dân dụng Myanmar đang đẩy mạnh mở rộng Sân bay Quốc tế Yangon để nó có thể đón 20 triệu lượt khách mỗi năm, tương đương công suất của các sân bay ở các địa điểm du lịch lừng danh khác, chẳng hạn như Bali. Một sân bay quốc tế thứ 2, nằm cách đó chưa đầy 60 km, cũng đang được lên kế hoạch xây dựng.

Myanmar có động lực để phấn đấu. Thái Lan, quốc gia láng giềng, đang gặt hái được những thành công rất lớn từ du lịch. Theo số liệu chính thức, dự kiến năm nay có 34,5 triệu lượt khách tới Thái Lan. Doanh thu từ du lịch sẽ chiếm 11% nền kinh tế 395 tỷ USD của Vương quốc này trong khi vai trò của ngành du lịch với nền kinh tế Myanmar chỉa là 4%.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM