Những hành động dũng cảm đến bất ngờ của người dân New Zealand khi đối diện với họng súng kẻ thảm sát

18/03/2019 08:40 AM | Xã hội

Có những câu chuyện đáng được kể về những người anh hùng bình dị trong "ngày thứ Sáu đen tối" của New Zealand.

Thủ tướng Jacinda Ardern đã gọi ngày 15/3 là "một trong những ngày đen tối nhất lịch sử New Zealand". Khoảng 1h40 chiều hôm đó, một kẻ khủng bố theo tư tưởng cực hữu, chống Hồi giáo đã đi đến 2 thánh đường Hồi giáo đang cầu nguyện, xả súng vào người vô tội và livestream toàn bộ quá trình hơn 17 phút đó lên Facebook.

New Zealand, rồi sau đó là cả thế giới sững sờ, bàng hoàng, chấn động... Ít nhất 49 người đã bị giết trong 1 ngày ở một đất nước từng có số án mạng là 35 vụ/năm.

Những hành động dũng cảm đến bất ngờ của người dân New Zealand khi đối diện với họng súng kẻ thảm sát - Ảnh 1.

Thủ tướng Jacinda Ardern lên án kẻ tấn công và cho biết luật sử dụng súng của New Zealand sẽ thay đổi (Ảnh: AFP/ Getty)


Hơn ai hết, những nhân chứng có mặt 2 nhà thờ Christchurch vào chiều 15/3 là người hiểu rõ các tâm trạng đó nhất. Ban đầu, họ không thể tin chuyện này có thể xảy ra ở thành phố yên bình của mình (sau vụ việc, một thông điệp đau nhói đã được viết nên: "This is not New Zealand" - Đây không thể là New Zealand)! Kế đến, họ vụn vỡ, trốn chạy, cố thủ trong nhà vệ sinh, đấu tranh giành sự sống,...

Những hành động dũng cảm đến bất ngờ của người dân New Zealand khi đối diện với họng súng kẻ thảm sát - Ảnh 2.

"This is not New Zealand" - nhiều người vẫn không thể tin vụ thảm sát đẫm máu vừa xảy ra ở đất nước 5 triệu dân vốn rất đỗi bình yên (Ảnh: AFP)

Nhưng cũng có những hành động phản kháng đầy bất ngờ: một số cố làm dịu đi kẻ xả súng vô nhân tính, một số người đổi lấy tính mạng của mình để báo động cho người thân, nhiều người khác thì không ngại nguy hiểm cứu giúp nạn nhân đang bị thương,... Tất cả thể hiện tinh thần nhân văn cao đẹp trong giờ phút sinh tử, là sự kiên cường của người dân Kiwi để đấu tranh với tội ác thảm sát kinh hoàng.

Lời chào bất ngờ trước họng súng: "Xin chào, người anh em"

Các cây bút từ tờ Al Jazeera đã theo dõi đoạn livestream cảnh xả súng ( được cho là quá dã man để công bố trên truyền thông ) cho biết một trong những nạn nhân đầu tiên trong vụ tấn công - một tín đồ Hồi giáo - đã nói "Xin chào, người anh em" (Hello, brother) trước khi bị bắn chết.

Nạn nhân này đến giờ vẫn chưa thể xác định danh tính. Anh ngã xuống tại lối vào nhà thờ Al Noor thuộc khu vực trung tâm thành phố Christchurch.

Những hành động dũng cảm đến bất ngờ của người dân New Zealand khi đối diện với họng súng kẻ thảm sát - Ảnh 3.

Nữ cảnh sát làm nhiệm vụ sau vụ tấn công


Một số ý kiến cho rằng người đàn ông đang cố xoa dịu căng thẳng, ngăn cản nghi phạm lao vào xả súng. Tài khoản Aziz Helou bình luận: "Câu chào cuối cùng của anh ấy đại diện cho Hồi giáo, cố gắng chấm dứt bạo lực bằng lòng dũng cảm và sự ấm áp".

"Khi bị chĩa súng vào đầu, tín đồ Hồi giáo ấy đã nói gì? Không giận dữ, không khiếp sợ, mà là một lời chào dịu dàng và chân thành nhất", một người tên Alharbi Ahmed viết.

"Đừng bao giờ nói một người ưa chuộng hòa bình, phi bạo lực là yếu đuối. Trước khi chết, tín đồ Hồi giáo này vẫn thể hiện tình yêu hòa bình và tình yêu thương cộng đồng vô điều kiện", một người dùng khác bày tỏ sự ngưỡng mộ và đau xót trước hành động cuối cùng cao đẹp của nạn nhân, dù anh đã không thể ngăn vụ cuồng sát tiếp tục xảy ra.

17 phút sau khi gây án tại điểm đầu tiên, Brenton Tarrant lái xe đến nhà thờ Hồi giáo Linwood. Mọi người ở đây cũng bất ngờ và hoảng loạn tột độ như vụ đầu tiên. Dòng người ào chạy ra, nhưng chỉ một số may mắn giữ được mạng sống.

NZ Herald dẫn lời một nhân chứng cho biết, anh giữ được mạng sống nhờ cảnh báo từ một người đàn ông. Người này lập tức bị Brenton Tarrant phát hiện và nổ súng bắn chết.

Người phụ nữ 66 tuổi cứu mạng nạn nhân giữa bão đạn: "Không, tôi không phải anh hùng. Ước gì tôi đã làm được nhiều hơn"

Những hành động dũng cảm đến bất ngờ của người dân New Zealand khi đối diện với họng súng kẻ thảm sát - Ảnh 4.

Bà Jill Keats với hành động quả cảm đang được người dân Kiwi ca ngợi như một anh hùng (Ảnh: Newshub)


Jill Keats, 66 tuổi, đang lái xe trên đại lộ Deans để mua sắm thì nghe tiếng súng nổ, nhiều người tháo chạy ra đường, một số người đã gục xuống. Bà Jill ngay lập tức dừng xe để tránh nạn. Nhưng rồi bà thấy một người đàn ông bị bắn vào lưng đang chạy về xe mình.

Không suy nghĩ nhiều, Jill mở cửa xe, nhờ một tài xế xe phía sau đưa nạn nhân lên xe tạm lánh nạn. Họ lấy hộp đồ sơ cứu y tế và bắt đầu băng bó cho nạn nhận.

Khi nạn nhân muốn gọi điện báo tin cho vợ nhưng không thể làm điều đó, bà Jills giúp anh. "Chồng chị đã bị bắn ngoài nhà thờ. Nhưng đừng đến đại lộ Jeans, không được đâu! Chị hãy tới bệnh viện chờ anh ấy".

Bà báo lại với người đàn ông, động viên và ở bên cạnh anh cho đến khi xe cứu thương có mặt. Bà Jill cũng nói một nạn nhân khác đã ngã xuống bên kia đường và qua đời ngay sau đó.

"Tôi không thể tới bên anh ấy vì chỗ đó súng vẫn bắn tới" - người phụ nữ nói trên bản tin Newshub. "Không, tôi không phải anh hùng. Tôi chỉ làm những điều bất kì ai cũng cần làm vào lúc đó. Tôi ước mình có thể làm được nhiều hơn".

"Tôi 66 tuổi rồi, chưa bao giờ nghĩ trong cuộc đời sẽ phải chứng kiến một chuyện như thế này. Không phải ở New Zealand" - người phụ nữ bày tỏ.

Dù một mực phủ nhận mọi lời khen, bà Jill Keats - cũng như nhiều người dân Kiwi quả cảm khác - xứng đáng được ngưỡng mộ như các bậc anh hùng.

Người bố bốn con: "Đến đây, tao ở đây"

Abdul Aziz Wahabzadah nói rằng ông đang ở bên ngoài nhà thờ Linwood - điểm xảy ra vụ xả súng thứ hai. Khi trông thấy nghi phạm, Abdul ném đồ về phía hắn và hét lớn lên: "Đến đây, tao ở đây".

"Tôi chỉ muốn hắn tập trung về phía mình thay vì bước vào thánh đường" (nơi có 4 đứa trẻ của anh ở bên trong). Thế nhưng kẻ xả súng đã bước tiếp vào nhà thờ đông người. Ông bố liền đi theo để cố bảo vệ 4 đứa bé của mình.

Những hành động dũng cảm đến bất ngờ của người dân New Zealand khi đối diện với họng súng kẻ thảm sát - Ảnh 5.

Nếu không có ông bố 4 con với lòng dũng cảm phi thường, nghi phạm Brenton có thể sẽ có thêm thời gian để tẩu thoát, tiếp tục gây thương vong (Ảnh: AP)

Khi vụ tấn công kết thúc, Abdul lại cùng một số người sống sót chạy theo kẻ thủ ác, nhặt lên những khẩu súng đã hết đạn.

"Khi tôi đuổi theo với khẩu súng, hắn đã ở trong ô tô. Có lẽ hắn nghĩ rằng tôi sẽ bắn trả nên rồ ga bỏ đi. Nhưng tôi ném khẩu súng như một mũi tên và làm vỡ kính xe của hắn".

Abdul và nhiều người khác tiếp tục đuổi theo, nhưng kẻ thủ ác đã kịp cua xe theo hình chữ U, chạy thoát. Dẫu vậy, vết kính vỡ phía sau xe chính là đặc điểm giúp cảnh sát nhanh chóng nhận dạng và bắt giữ hắn về điều tra.

Về phần ông bố Abdul, bước trở về nhà thờ, lúc này anh mới run rẩy, đau xót đến tận cùng khi nhìn thấy thảm cảnh kinh hoàng - những thi thể và người bị thương nằm la liệt trong cuộc tấn công đẫm máu.

Những hành động dũng cảm đến bất ngờ của người dân New Zealand khi đối diện với họng súng kẻ thảm sát - Ảnh 6.

Người dân New Zealand cầu nguyện cho các nạn nhân được yên nghỉ trên thiên đường. Và gửi lời cảm ơn chân thành đến những người hùng bình dị đã cố cản bước kẻ xả súng tàn bạo.

Cập nhật thông tin vụ xả súng tính đến ngày 17/3:

- Số người thiệt mạng đã tăng lên 50, trong đó có trẻ em. 50 người khác bị thương.

- Nghi phạm Brenton Tarrant, 28 tuổi, người Úc, bị bắt giữ bởi 2 cảnh sát vào 36 phút sau cuộc gọi điện báo khẩn cấp đầu tiên. Hắn vẫn còn 2 khẩu súng và dự định tiếp tục tấn công ở Ardern nếu không bị bắt giữ.

- Nghi phạm bị cáo buộc tội danh giết người, nhưng sẽ có thêm nhiều cáo buộc khác. Y không được phép bảo lãnh và sẽ trình phiên tòa xét xử tiếp theo vào ngày 5/4.

- Cảnh sát vẫn đang tích cực điều tra nhưng họ nghĩ kẻ lên kế hoạch tấn công đã bị bắt. Trước đó, hắn đăng tải lên MXH "bản tuyên ngôn" dài 74 trang cho biết động cơ và kế hoạch dã man của mình . Chuyên gia nhận định đây là kẻ khủng bố theo tư tưởng cực hữu, chống Hồi giáo.

(Nguồn: CNN, Guardian, Al Jazeera, Tổng hợp)

Theo ĐL

Cùng chuyên mục
XEM