Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang

12/11/2021 09:06 AM | Sống

Bên cạnh mớ dây nhợ chằng chịt, máy lọc máu, mũi kim tiêm đã trở thành bạn đồng hành không thể thiếu của hơn 40 đứa trẻ bị suy thận mạn trên hành trình góp nhặt, níu giữ sự sống.

11h trưa, cánh cửa phòng chạy thận nhân tạo, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) hờ khép, một người phụ nữ tầm 40 tuổi chốc chốc lại nhìn vào phía giường bệnh, nơi đứa con trai nhỏ đang mệt nhoài sau ca chạy thận.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 1.

Mỗi tuần, Phước Vinh phải chạy thận 4 lần tại BV Nhi đồng 2, TP.HCM

3 năm là khoảng thời gian chị Trần Thị Nga (SN 1972) cùng đứa con trai nhỏ Thái Trần Phước Vinh (13 tuổi) lấy bệnh viện làm nhà, nuôi hi vọng duy trì sự sống.

Cha mất, nó cũng không về được để chịu tang…

Ngồi một góc trước cửa phòng bệnh, chị Nga đưa đôi tay thô ráp của mình lên quệt nước mắt. Phước Vinh là đứa con thứ 2 của chị cùng người chồng quá cố.

Phước Vinh là một trong 40 đứa trẻ mắc bệnh suy thận mạn, đang được điều trị tại BV Nhi đồng 2

7 năm trước, chồng chị Nga phát hiện mắc suy thận mạn giai đoạn cuối. Khi đó Phước Vinh mới 6 tuổi, chập chững vào lớp 1. Bao nhiêu tài sản mà 2 vợ chồng tích góp được cùng với ruộng đất của ông bà, tất cả đều dồn vào để lo níu giữa mạng sống cho cha của Phước Vinh.

4 năm sau, bi kịch lại đến khi các bác sĩ chẩn đoán Phước Vinh mắc suy thận mạn. "Lúc đó cả gia đình chết lặng, chị không biết làm cách nào nữa khi trong nhà 2 cha con cùng lúc đều mang bệnh hiểm nghèo", chị Nga nuốt nước mắt.

Mặc dù biết bệnh suy thận mạn không có cách nào cứu chữa nhưng suốt mấy năm qua, chị Nga vẫn cố động viên bản thân không được bỏ cuộc. Cứ đều đặn mỗi tuần 3 lần, chị cùng đứa con trai nhỏ khăn gói từ Tiền Giang lên TP.HCM để chạy thận, trong khi đó chồng chị Nga cũng vào bệnh viện huyện để duy trì sự sống.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 2.

Đôi mắt mệt nhoài của Phước Vinh sau mỗi lần chạy thận, công việc mà em đã kiên trì cùng mẹ suốt hơn 3 năm qua

"Lúc cha nó bệnh, 2 đứa con còn nhỏ xíu, kinh tế từ ấy đã thiếu thốn rồi. Xong mấy năm chạy thận cho cha nó cũng quen, thiếu nợ chỗ này chỗ kia, góp nhặt rồi trả lần. Nhiều lúc mệt mỏi quá nhưng chị không sao bỏ được. Chồng con người ta bị bệnh, nếu có tiền bỏ ra còn thấy tương lai, hi vọng, còn chồng con mình chứ mòn mỏi đi chạy thận, chạy để sống…", chị Nga bật khóc.

Cứ nghĩ rằng bao nhiêu bi kịch, khổ cực đã trút hết xuống gia đình nhỏ của chị Nga. Nhưng mà một lần nữa ông trời như trêu đùa với cuộc sống của gia đình chị.

5 tháng trước, trong lúc chị đưa Phước Vinh lên BV Nhi đồng 2 để chạy thận, người chồng ở nhà đã đột ngột ra đi, chưa kịp nói lời từ biệt.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 3.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 4.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 5.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 6.

Đau đớn hơn, người cha cũng mắc bệnh suy thận của em đã mãi mãi ra đi trong lúc em đến bệnh viện điều trị

Trong giây phút nhận được tin chồng mất, chị Nga ngã quỵ, mọi cánh cửa, hi vọng đều đóng sập trước mắt chị. 7 năm trời ròng rã chạy thận, mười mấy năm nghĩa vợ tình chồng, đau đớn, tuyệt vọng, chị Nga dường như mất hết tất cả.

"Sáng 2 mẹ con đi lên thành phố, cha bé cũng bình thường, đến chiều thì ở nhà gọi lên cha bé mất rồi. Chị không tin đó là sự thật", chị Nga nghẹn lời.

Trước sự ra đi đột ngột của chồng, chị Nga đành gửi Phước Vinh ở lại BV Nhi đồng 2 để chạy thận, một mình chị lật đật chạy về quê để lo tang sự cho chồng. Bao đau đớn, khổ sở, chị Nga đều ôm hết vào lòng, dường như sống lâu trong cái khổ, người mẹ, người vợ chẳng còn nước mắt để khóc thương.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 7.

"Bữa cơm trưa" của 2 mẹ con trước khi bắt xe về quê sau ca chạy thận

"Chị chẳng còn hi vọng gì hết, giờ chị giống như đã mất hết rồi", chị Nga trải lòng.

Ngồi cạnh mẹ, Phước Vinh đưa đôi bàn tay gầy gò nắm lấy bàn tay mẹ. Dù đã 13 tuổi nhưng cơ thể của Vinh chỉ như đứa trẻ tiểu học, chỉ cao vỏn vẹn 1.2m, chưa đầy 20kg.

Trong đôi mắt đỏ ngầu của đứa trẻ, nỗi nhớ cha, sự thương mẹ hiện lên rất rõ. Phước Vinh cũng không biết bản thân em có thể sống được bao lâu nữa khi mà cơ thể em ngày một tiều tụy.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 8.

"Con không biết 1 năm hay 2 năm nữa, con có còn sống với mẹ không. Con ước con được chữa bệnh, ước được sống nhiều hơn với mẹ, con thương mẹ lắm", Phước Vinh gục đầu vào lòng mẹ, bật khóc.

"Mình chạy đến khi nào các bé còn sống…"

Đó là câu nói đầy chua chát của các y bác sĩ tại khu chạy thận nhân tạo, khi mà sự sống của các bé vô cùng mong manh, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Chạy thận – cứu cánh cuối cùng để níu giữ mạng sống của các bé, và chạy cho đến khi nào các bé còn sống, chạy suốt cả cuộc đời…

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 9.

Bà Phượng đau xót khi nhắc đến hoàn cảnh của đứa cháu tội nghiệp

5 năm ròng rã, đó là khoảng thời gian mà bà Huỳnh Thị Phượng (60 tuổi) cùng đứa cháu ngoại Tấn Phát (13 tuổi) trải qua tại khu chạy thận nhân tạo, BV Nhi đồng 2.

Kể từ khi phát hiện mắc suy thận mạn năm 8 tuổi, Phát đã phải khăn gói cùng bà ngoại rời vùng quê nghèo để lên TP.HCM ở trọ. Do chứng suy thận của Phát khá nặng, nên việc chạy thận của con cũng diễn ra liên tục, rất ít khi được về quê. Căn trọ nhỏ ọp ẹp gần BV Nhi đồng 2 là nơi tá túc của 2 bà cháu trong những ngày đi tìm sự sống.

Ngồi trên chiếc giường bệnh, Phát đưa đôi mắt to tròn của mình nhìn vào mũi kim tiêm. Dường như con đã quen với việc làm bạn cùng máy lọc máu, dây truyền. Học đến lớp 2, Phát đành phải nghỉ học để theo bà ngoại lên Sài Gòn chạy thận.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 10.

5 năm qua, Tấn Phát đã quen với mũi kim tiêm, mùi thuốc trong bệnh viện

Trong tâm thức của đứa trẻ 13 tuổi, những ngày thơ ấu của con gắn liền với bệnh viện, với nỗi đau đớn, sợ hãi của căn bệnh suy thận mạn quái ác.

"Con đi chạy thận được 5 năm rồi, ở đây các cô chú rất tốt với con, con thương bà con nhiều lắm. Con chỉ ước sao con hết bệnh để được đi học lại mà thôi", Phát thỏ thẻ.

Đứng kế đứa cháu ngoại, bà Phượng rưng rưng nước mắt, bà cũng không biết bản thân bà còn có bao nhiêu thời gian nữa để đi cùng đứa cháu tội nghiệp. "Bà chỉ sợ mình mất đi, không ai đưa cháu mình đi chạy thận nữa", bà Phượng xúc động.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 11.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 12.

Mỗi ngày, BV Nhi đồng 2 chạy thận theo từng ca sáng - chiều với số lượng bệnh nhi cố định

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 13.

BS. Quý kể về những đứa trẻ tại khu chạy thận kèm theo sự xót xa...

Theo BS.CK2 Hoàng Ngọc Quý – Trưởng đơn vị Thận Nhân tạo, BV Nhi đồng 2 cho biết việc chạy thận cho trẻ em gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với người nhà các bé trong vấn đề đi lại. Hầu hết các gia đình có con mắc suy thận mạn đều ở tỉnh, việc chạy thận lại diễn ra liên tục, 1 tuần từ 3-4 lần khiến cho các gia đình phải xoay trở, làm đủ mọi cách để không gián đoạn việc chạy thận cho bệnh nhi.

Hơn 25 năm gắn liền với công việc tại khoa Thận – Nội tiết, một nơi được các y bác sĩ hay nói với nhau "chẳng có tiếng cười" khi mà chuyện buồn cứ nối tiếp nhau kéo đến.

"Các bác hay nói trong sự rất là buồn là chạy thận cho đến khi nào các bé con sống. Sự sống của các bé nó mong manh lắm, gia đình thì cứ mòn mỏi đi tìm sự sống từng ngày cho con", BS. Quý nghẹn lời.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 14.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 15.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 16.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 17.

Những vết chai sạn trên cánh tay của những đứa trẻ, nơi mũi kim tiêm hàng ngày giày xéo cơ thể các em

Có lẽ, niềm vui duy nhất mà các y bác sĩ tại khu chạy thận nhân tạo có được là nhìn thấy sự ngoan ngoãn, trưởng thành của các bệnh nhi. Thay vì sợ hãi bệnh viện, các bé lại xem giường bệnh là phòng, các y bác sĩ là những người thân ruột thịt, vì ai cũng mong, cũng hi vọng sẽ có phép màu, các bé được bình an tiếp tục cuộc sống.

"Bác sĩ buồn vì các bé bị suy thận, nhưng vui vì sự nhiệt tâm điều trị của gia đình bệnh nhi. Biết là việc chạy thận là mãi mãi nhưng gia đình các bé không từ bỏ, ai cũng giành hết hi vọng, nỗ lực để cùng con, cháu tiếp tục duy trì sự sống", BS. Quý tâm sự.

Đối với BS. Quý cũng như các y bác sĩ, điều dưỡng tại khu chạy thận nhân tạo, sự sống của các bé được duy trì, kéo dài chính là đem lại niềm vui cho gia đình bệnh nhi, là niềm động lực to lớn để các y bác sĩ tiếp tục với công việc.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 18.

Dù biết là không có hi vọng chữa trị thành công, những ông bố, bà mẹ vẫn luôn sát cánh, đồng hành cùng các em, tạo động lực để bệnh nhi nuôi hi vọng sống tiếp...

Đã có rất nhiều trường hợp, BS. Quý theo dõi hành trình từ nhỏ đến khi trưởng thành của các bệnh nhi. Chỉ cần nhìn thấy các con vẫn khỏe mạnh, có được một công ăn việc làm phù hợp với sức khỏe bản thân…, đó là điều hạnh phúc lớn nhất mà BS. Quý mong có được.

Hiện tại, BV Nhi đồng 2 là BV duy nhất tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam chạy thận nhân tạo cho bệnh nhi suy thận mạn. BV có 2 khu vực chính là chạy thận cho các bé ngoại trú và nội trú, chưa kể một số trường hợp chạy thận cấp cứu.

 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 19.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 20.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 21.
 Những đứa trẻ sống mòn ở nơi không có tiếng cười: Mẹ đưa con trai lên Sài Gòn chạy thận, cha mất ở quê chẳng kịp về chịu tang - Ảnh 22.

Việc chạy thận sẽ kéo dài liên tục và suốt đời, gia đình bệnh nhi đều gặp nhiều khó khăn, rất mong có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các mạnh thường quân để giúp các em có niềm tin, hi vọng vào cuộc sống...

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành phía Nam, việc chạy thận cho các bé gặp nhiều khó khăn hơn khi giờ giấc bị xáo trộn, các quy định về mặt xét nghiệm trước khi vào chạy thận cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả mọi người.

Mặc dù vậy, các bé cũng đã được tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình di chuyển, ưu tiên xét nghiệm để đảm bảo việc chạy thận đúng liệu trình điều trị.

Sự sống mong manh của các em bé bị suy thận mạn tại BV Nhi đồng 2: "Con muốn được hết bệnh để đi học trở lại"

Tuy nhiên, việc chạy thận là suốt đời, các gia đình có con em mắc chứng suy thận mạn đều gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải chi phí đi lại, ăn ở…, chúng tôi cũng mong muốn rằng quý mạnh thường quân gần xa có thể quan tâm, hỗ trợ để tiếp thêm một phần động lực, giúp các bé tiếp tục duy trì sự sống.

Mọi đóng góp xin gửi về: Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo - Phòng Công tác xã hội, BV Nhi đồng 2, TP.HCM.

Điện thoại: 0908778175 (chị Thu Ngân) và 0907507099 (chị Cẩm Tường).

Hoặc chuyển khoản qua số tài khoản: 119.000.176.596, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, chi nhánh tại TP.HCM

Tên tài khoản: Bệnh viện Nhi đồng 2.

Khi chuyển khoản ghi rõ: Giúp đỡ các bé chạy thận nhân tạo.

Xin chân thành cảm ơn!

Văn Tiên

Cùng chuyên mục
XEM