Những đứa trẻ đợi tàu và giấc mơ một thập kỷ của người Hà Nội

09/11/2021 07:54 AM | Xã hội

Những ngày này, người Hà Nội mong ngóng được lên tàu điện đi thử. Người hồ hởi, người háo hức, có người không kìm nén được cảm xúc khi lần đầu tiên được bước chân lên tàu điện. Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành, minh chứng cho một thập kỷ của công nghệ, của gen Z/ gen Y, của kỷ nguyên số.

Những đứa trẻ đợi tàu và giấc mơ một thập kỷ của người Hà Nội

Năm 2011, tôi vào đại học. Trong bài thi ngữ văn khối D năm ấy, đề thi ra vào tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Tôi vẫn nhớ An và Liên, hai chị em ngồi trong quầy hàng xén nhỏ thó bên phố huyện đơn sơ, nhìn những con tàu hướng về Hà Nội. Thành phố sáng trong ánh đèn khi ấy là điểm cuối cho giấc mơ về một cuộc sống hiện đại, văn mình để những đứa trẻ như An và Liên lầm lũi bước ra khỏi cuộc đời chật hẹp.

Năm 2011, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khởi công. Trong thế giới văn chương của Thạch Lam, hai chị em An và Liên cứ mãi nhìn theo bóng con tàu mỗi đêm. Còn tôi và rất nhiều người khác, trong thực tại rộng lớn này, cuối cùng cũng đã chờ được ngày lên tàu, không phải tới Hà Nội nữa nhưng cũng là một hành trình đi tới những ước mơ xa xôi, về một tương lai hiện đại, khi bộ mặt giao thông đô thị đã đổi thay và cuộc đời của chúng tôi cũng sang trang mới.

 Những đứa trẻ đợi tàu và giấc mơ một thập kỷ của người Hà Nội - Ảnh 1.

Những ngày này, lòng người Hà Nội vui rộn ràng, chút niềm vui sáng rực cho vơi bớt nỗi lo dịch bệnh. Người dân cả nước cũng chung vui cùng người Hà Nội khi đây là lần đầu tiên một dự án đường sắt trên cao được đưa vào vận hành chính thức. Ba tôi vẫn kể, ngày hợp long cây cầu Thăng Long nối liền hai bờ sông Hồng, nhiều thanh niên thế hệ ông cũng vui mừng khôn xiết. Có những công trình giao thông Việt Nam như một biểu tượng của thế kỷ, bởi cả những niềm vui và sự bùi ngùi đi cùng. Niềm vui của thế hệ cha anh đi trước với những cây cầu dây văng đầu tiên, tuyến đường biển dài nhất Việt Nam, đường hầm xuyên núi hiện đại nhất cả nước… tôi không có hiểu cho thấu. Nhưng giờ đây, chúng tôi cũng có tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam để cảm thấy gần gũi và gắn kết - minh chứng cho một thập kỷ của công nghệ, của gen Z/ gen Y, của kỷ nguyên số.

Và với tôi, đó là của con đường đến trường mỗi ngày và rồi thành con đường đi làm quen thuộc, suốt 10 năm ròng.

10 năm của những đợi chờ

“Tuyến đường sắt trên cao này xây xong, mẹ đi đến trường con dự lễ tốt nghiệp đại học,” tôi nhớ lại mình từng hồ hởi khoe với mẹ khi bắt đầu nhập học.

Đó là năm 2011 khi con đường Nguyễn Trãi chuyển mình cũng với một đợt thay đổi lớn. Nhà tôi nằm trên con đường Trần Phú, ngót nghét 10 năm là ngót nghét 3650 ngày tôi chứng kiến tất cả những đổi thay trên con đường từ Trần Phú kéo qua Nguyễn Trãi, nổi tiếng với những hàng cây xà cừ xanh tươi và làn đường dành cho xe bus. Hàng cây xà cừ cũng lui dần vào ký ức; người ta phải chặt bỏ để nhường đường cho công trường xây dựng. Làn xe bus cũng phải dẹp bỏ. Những năm sau ấy, đường Nguyễn Trãi lúc nào cũng tắc cứng, ngổn ngang những công trường, xe máy, xe bus len vào nhau trong mỗi giờ tan tầm.

Những lúc như vậy, chúng tôi lại nhìn vào từng cây cột đang dựng lên giữa giải phân cách, hy vọng rằng tuyến đường sắt trên cao cũng sớm lên hình lên dạng. Một hàng cây xanh chặt đi mang theo niềm tiếc thương của bao nhiêu người khi những mảng xanh của thành phố cũng vơi dần. Nhưng chúng tôi tin rằng, khi đường sắt trên cao hoàn thiện và giải quyết được mật độ giao thông dày đặc như hiện tại, lượng khí thải từ phương tiện cá nhân sẽ giảm đi đáng kể. Khu “rừng” bê tông cốt thép mọc lên thay thế cho khu rừng xanh ngắt rợp bóng mỗi chiều hè khiến nhiều người hoài nghi về công trình thế kỷ. Nhưng nghĩ về viễn cảnh tương lai, đó có thể là một sự đánh đổi tương thích.

Với nhiều người, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đơn thuần là một công trình giao thông trọng điểm của Việt Nam. Với số khác, đó là kỷ niệm. Phải đi trên con đường ấy đằng đẵng suốt 10 năm, vui khi thấy những chiếc cột trụ vươn lên trời cao, buồn khi thấy công trình nằm “đắp chiếu” vài tháng không nhúc nhích gì thêm, lo lắng trước tai nạn thương tâm vào năm 2014, người ta mới hiểu cảm giác của những người như chúng tôi. Những đêm khuya đi học về trễ, khi thấy những những đường ray đầu tiên được lắp đặt, niềm vui nhỏ bé lại được nhen lên. Thanh xuân của nhiều người đã song hành cùng tuyến đường sắt, chỉ chờ hoàn thành để đánh dấu những cột mốc ý nghĩa trong cuộc đời mình.

Năm 2015 tôi tốt nghiệp đại học, mẹ vẫn ngồi sau xe máy chạy tới đại học Hà Nội. Lúc đó, công trình vẫn là một đống ngổn ngang.

Năm 2016 tôi bắt đầu công việc đầu tiên, vẫn ngày ngày chạy xe dọc đường Nguyễn Trãi mà, chưa thấy dấu hiệu của việc một ngày nào đó sẽ được đi tàu điện tới Văn Phòng. 4 lần tôi chuyển công việc vẫn quanh quẩn quanh Nguyễn Trãi, Giảng Võ… để được gần ga tàu. Tất cả sự háo hức khấp khởi ấy, dần dần tôi cũng quên khi các mốc chạy thử tàu cứ lùi từ tháng này qua năm khác.

 Những đứa trẻ đợi tàu và giấc mơ một thập kỷ của người Hà Nội - Ảnh 2.

Lần đầu tiên biết đi ra nước ngoài, nhìn những ga tàu điện ngầm, ga tàu điện trên cao đông đúc người qua lại, tôi bất giác nghĩ về tuyến đường sắt chạy qua nhà mình mà đứng từ trong ngõ tôi cũng nhìn thấy. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hồi đó với tôi vẫn là một ngưỡng vọng, còn những ga tàu điện ngầm tại Seoul trước mắt là thực tế tôi hằng mơ ước. Sự xuất hiện của một tuyến đường sắt đô thị hiện đại không chỉ thay đổi không gian giao thông công cộng; nó tạo ra những thay đổi lớn trong lối sống xã hội của nhiều người. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân tăng lên khi họ có những giải pháp giao thông thân thiện với môi trường hơn. Sự tiện lợi của tàu điện và tiềm năng của các phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ tạo động lực cho nhiều thay đổi quan trọng về cả giao thông và không gian đô thị, từ Hà Nội nhân rộng ra các thành phố lớn.

Khi nhìn thấy tất cả những điều ấy đang diễn ra trước mắt, tôi đứng trân mình giữa nhà ga đông đúc của thủ đô Seoul. Niềm mong mỏi cho chuyến đường sắt nơi quê nhà lại trỗi dậy. Tôi lại thấy mình như cậu bé An, mong một chuyến tàu đi tới những ước mơ tươi đẹp và sự thay đổi lớn lao đang chờ ở “nhà ga” tiếp theo.

10 năm của những ước mơ

Sớm qua Hà Nội có gió mùa, người Hà Nội lại co ro trong áo ấm. Giá như đợt này không phải dịch Covid, đám thanh niên sẽ lại rủ nhau leo lên xe bus cho ấm. Giờ đây, những ngày mưa lạnh rét mướt, người ta có thêm một nơi để tìm đến: tàu điện trên cao tuyến đường Cát Linh - Hà Đông.

10 năm của những đợi chờ, giờ đã thành 10 năm của những ước mơ khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào vận hành. Trên báo kể chuyện một cụ ông đi bộ vài cây số để ra tới ga đầu tiên, đi một mạch tới ga cuối. Khi được hỏi vì sao ông phải đi xa vất vả như vậy, ông nói cuộc đời còn được bao lần lên một chuyến tàu đã chờ cả thập kỷ. Tôi hiểu cảm giác của những người đã sống qua thập niên 2010s cùng đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Không phải là một cái chớp mắt của thời gian, đó là cuộc sống đang trải ra trước mắt họ, từng ngày.

 Những đứa trẻ đợi tàu và giấc mơ một thập kỷ của người Hà Nội - Ảnh 3.

Tất cả những ước mơ và mong đợi ngày nào như được kéo lại thực tại từ khi thông tin về việc bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho thành phố Hà Nội ngập tràn trên báo chí. Những ngày đi tàu điện đi làm không còn xa xôi hay mộng tưởng, mong muốn có thể di chuyển bằng phương tiện công cộng, không phải phụ thuộc vào phương tiện cá nhân sắp thành hiện thực. Với tôi, đó là một sự chuyển mình của cuộc sống, một phần của văn minh đô thị những người trẻ luôn ao ước khi có cơ hội tới các nước phát triển. Niềm vui cá nhân như hòa cùng niềm vui dân tộc khi chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, giao thông Việt Nam nói riêng và công cuộc hiện đại hóa của đất nước đã có những bước tiến vượt bậc, sánh ngang với nhiều quốc gia trong khu vực.

 Những đứa trẻ đợi tàu và giấc mơ một thập kỷ của người Hà Nội - Ảnh 4.

Những ngày này, người Hà Nội mong ngóng được lên tàu điện đi thử. Người hồ hởi, người háo hức, có người không kìm nén được cảm xúc khi lần đầu tiên được bước chân lên tàu điện. Facebook tràn ngập những bức hình check-in ở ga tàu điện của các bạn trẻ. Các bạn mặc những bộ đồ thật đẹp, lên concept cho những góc “sống ảo” mới của Hà Nội. Có những gia đình đưa con đi thử tàu điện như đi picnic, vì cũng lâu lắm rồi họ chẳng đưa lũ trẻ được đi đâu chơi. Bạn bè tôi cũng rủ đi chơi thử, làm một vòng lên “phố giải ngố”. Tôi không vội, vì biết rằng đó không chỉ là một niềm vui thoáng chốc mà là một thay đổi sắp diễn ra với bản thân mình. Tất cả những bài chia sẻ, status cập nhật Facebook, từ bạn bè cho tới người xa lạ, đều rưng rưng những nỗi niềm xúc động - như một cái kết viên mãn cho một tập phim dài mọi người đã chờ đợi rất lâu.

Niềm vui và sự chào đón nồng nhiệt ấy, nếu chỉ nhìn qua một tít báo như “Việt Nam chính thức đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao đầu tiên”, người nước ngoài sẽ không thể hiểu được. Chừng nào một công trình đô thị còn khiến người dân hân hoan đến như vậy, chừng đó ta biết rằng sẽ còn nhiều đổi thay trên quê hương Việt Nam.

 Những đứa trẻ đợi tàu và giấc mơ một thập kỷ của người Hà Nội - Ảnh 5.

Covid đi qua đã khiến nhiều người Việt Nam không thể chờ đợi đến ngày được tận mắt nhìn thấy chuyến đường sắt trên cao. Với tôi, xen lẫn những niềm vui, sự háo hức là cả nỗi bùi ngùi, xúc động. Giữa những tin tức ảm đạm trong thời buổi dịch bệnh, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động như một nguồn năng lượng tích cực để kéo chúng ta ra khỏi những tiêu cực thường ngày. Một chuyến tàu thực cũng là một chuyến tàu của hy vọng, để ta biết rằng vẫn có những điều kỳ diệu và niềm vui mỗi ngày đang chờ chúng ta ở ga tiếp theo trong cuộc đời.

MINH NGUYỄN

Cùng chuyên mục
XEM