Những điều có thể bạn chưa biết về Thung lũng Silicon (P2)

12/01/2020 15:33 PM | Xã hội

Business Insider đã sử dụng công cụ tìm kiếm của Google để tìm ra những câu hỏi phổ biến nhất về Thung lũng Silicon, nơi khai sinh nhiều hãng công nghệ nổi tiếng thế giới.

Những tỷ phú tại Thung lũng Silicon, họ là ai?

Những người giàu nhất tại Thung lũng Silicon chủ yếu là nhà sáng lập các công ty công nghệ, lãnh đạo các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như những ngôi sao sáng trong làng bất động sản.

Bạn có thể kể ra một loạt các cái tên như Mark Zukerberg, đồng sáng lập kiêm CEO của Facebook; Larry Ellison, đồng sáng lập Oracle; bộ đôi nhà sáng lập của Google: Larry Page và Sergey Brin; Elon Musk của Tesla.

Ngoài ra còn có một số nhân vật nổi tiếng khác như Jack Dorsey, nhà sáng lập kiêm CEO của Twitter; Marc Benioff của Saleforce. Nhưng điều này tùy thuộc vào quan điểm cá nhân của bạn về phạm vi địa lý bạn coi là thuộc Thung lũng Silicon, vì thực chất 2 nhân vật trên đến từ San Francisco.

Những điều có thể bạn chưa biết về Thung lũng Silicon (P2) - Ảnh 1.

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Getty Images

Tại sao các tỷ phú tại Thung lũng Silicon thường bỏ đói bản thân?

Đây mà một câu hỏi rất thú vị. Business Insider suy đoán rằng câu hỏi này ám chỉ đến một phương pháp tự bỏ đói bản thân - một trong những phương pháp mà các lãnh đạo thường xuyên áp dụng nhằm đánh lừa cơ thể, qua đó, giúp cơ thể tập làm quen với các thói quen hàng ngày cũng như chế độ sinh hoạt, ăn uống. Họ tin tưởng rằng, bằng phương pháp này, họ sẽ cải thiện được hiệu quả làm việc cũng như tuổi thọ.

Các nhân vật nổi tiếng, từ Dan Zigmond - Giám đốc phân tích tại Facebook, đến Phil Libin- CEO của Evernote, là những người đang áp dụng phương pháp này.

Thậm chí, còn có sự hiện diện của một câu lạc bộ những người áp dụng các biện pháp đánh lừa cơ thể thông qua hình thức nhịn đói tại khu vực Vùng Vịnh, có tên là WeFast, trong đó, các thành viên sẽ thực hiện nhịn ăn ngắt quãng, hoặc không tiếp xúc với thức ăn trong một khoảng thời gian từ 14 tiếng đến vài ngày, theo thông tin tìm hiểu bởi Melia Russell, phóng viên của Business Insider.

Vì sao Thung lũng Silicon vẫn chưa thoát khỏi "bóng đen" phân biệt giới tính?

Thung lũng Silicon vốn nổi tiếng là “sân chơi của các quý ông”. Nhưng trước khi ngành công nghiệp chất bán dẫn bùng nổ vào giữa thế kỷ XX, các công việc như lập trình phần mềm luôn được đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc bởi những người phụ nữ, cho đến trước khi quan điểm công việc này phù hợp hơn với đàn ông dần trở nên phổ biến. Thế giới công nghệ sau đó cũng đã bị “thống trị” bởi đàn ông, và như một hệ quả hiển nhiên, quan điểm trọng nam, khinh nữ dần trở thành một điều khá bình thường tại đây.

Tác giả Emily Chang đã đi sâu phân tích về thực trạng đáng buồn này trong cuốn sách của mình: Brotopia: Breaking Up the Boys' Club of Silicon Valley.

Cuốn sách của bà chỉ rõ việc tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu vào lịch sử hình thành của khu vực, cũng như lĩnh vực công nghệ như thế nào. Tại đây, nam giới được hưởng nhiều lợi ích và cơ hội hơn so với phụ nữ.

Những công ty có lãnh đạo là nữ chỉ nhận được vỏn vẹn khoảng 2% số vốn đầu tư mạo hiểm. Chưa đến 1/4 các công việc liên quan đến máy tính và toán học được đảm nhiệm bởi phụ nữ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng người phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thường bị ngắt lời trong các cuộc họp, và bắt buộc phải học cách đói phó với thực trạng “áp đảo” của phái mạnh trong công việc. Nhiều báo cáo cũng cho thấy người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ không chỉ được đánh giá dựa trên năng lực và tài năng, mà còn dựa trên tính cách của họ nữa.

Vấn đề này còn trở nên nghiêm trọng hơn đối với những người phụ nữ da màu. Tình trạng phân biệt chủng tộc thậm chí còn đáng lên án hơn là tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Trong một vài năm trở lại đây, nhiều công ty đã nỗ lực tìm ra các biện pháp nhằm cải thiện vấn đề này. Nhiều buổi hội thảo, khóa đào tạo đã được tổ chức nhằm đối phó với thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực nữ trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng để thực sự đạt được mục đích sau cùng, vẫn còn đó một quãng đường rất dài.

Những điều có thể bạn chưa biết về Thung lũng Silicon (P2) - Ảnh 2.

Khách du lịch đến thăm trụ sở của Google năm 2016. Ảnh: Getty Images

Bạn có thể đến thăm Thung lũng Silicon?

Tại sao lại không chứ. Nếu như bạn là một người đam mê công nghệ, có một số tour tham quan bạn có thể tham gia, một vài bảo tàng về ngành công nghiệp máy tính và internet bạn có thể ghé thăm, và những công trình biểu tượng trong khu vực mà bạn có thể dừng chân ngắm nghía đôi chút.

Tuy nhiên, có một lưu ý rằng: Thung lũng Silicon được xây dựng không nhằm mục đích thu hút khách du lịch, trái ngược hẳn với điểm đến hấp dẫn là San Francisco. Do đó, không phải bất cứ khu vực nào bạn cũng được phép đi vào.

Đây cũng là khu vực mà mọi người chủ yếu di chuyển bằng xe hơi. Do đó, hãy chắc chắn bạn sở hữu hoặc thuê được một chiếc ôtô nếu như ban muốn đi đến nhiều địa điểm nhất có thể.

Bạn có thể học được gì từ Thung lũng Silicon?

Câu hỏi này mang 2 ý nghĩa khác nhau.

Đầu tiên, nếu bạn là một doanh nhân đầy tham vọng, người đang có ý định thành lập một doanh nghiệp tại đây, bạn sẽ học được rất nhiều thông qua những bài học thành công của các công ty đi trước. Chỉ với một cái click chuột trên mạng, bạn có thể tìm được những bài học quý báu, mà đối tượng hướng đến là những doanh nhân trẻ tuổi

Mọi người hoàn toàn có thể học hỏi mô hình kinh doanh của các công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon, về cách làm sao để có thể xây dựng được một doanh nghiệp thành công.

Những điều có thể bạn chưa biết về Thung lũng Silicon (P2) - Ảnh 3.

Mark Zuckerberg, CEO Facebook. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể học được những gì không nên làm thông qua bài học của một số startup. Uber đã vấp phải rất nhiều những cáo buộc phân biệt giới tính cũng như phải đối mặt với hàng loạt các cuộc điều tra liên bang. Công ty đã “ngó lơ” các quy định pháp luật của địa phương khi tung ra một số lượng lớn các phương tiện chuyên chở khách tại nhiều thành phố ở Mỹ trong năm 2011.

Theranos, một trong những công ty công nghệ cung cấp giải pháp thử máu đầy hứa hẹn, cùng với người sáng lập Elizabeth Holmes phải đối mặt với các cáo buộc lừa đảo sau khi bị kiện bởi các nhà đầu tư. Và không thể không kể đến Facebook, công ty đã phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lớn về khả năng bảo mật thông tin người dùng.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM