Những dấu ấn trong ngày đầu tiên xử Đại án ở Ngân hàng Xây dựng

20/07/2016 08:50 AM | Xã hội

Bị cáo Phạm Công Danh già hơn và sức khỏe có vẻ yếu đi, trong khi bị cáo Phan Thành Mai không khác nhiều so với 2 năm trước. Cùng với 36 bị cáo có mặt tại tòa còn có 98/156 cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có hàng loạt ngân hàng, doanh nhân, doanh nghiệp nổi tiếng.

Ngày 19/7/2016 đã diễn ra phiên khai mạc xét xử vụ án Phạm Công Danh và 35 bị cáo gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng. Ông Phạm Lương Toản, Chánh án tòa Hình sự TAND TP.HCM làm thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Dành trọn buổi sáng và 2/3 phiên chiều để thẩm tra lý lịch bị cáo và các bên liên quan, tòa ghi nhận 36 bị cáo có mặt đầy đủ tại phiên tòa. 45 luật sư tham gia, trong đó 32 luật sư bào chữa cho bị cáo và 13 luật sư bảo vệ quyền, nghĩa vụ người liên quan. Riêng bị cáo Danh có 4 luật sư. 156 cá nhân, tổ chức được triệu tập đến tòa nhưng chỉ có 98 người hoặc đại diện có mặt. Các luật sư yêu cầu HĐXX tiếp tục triệu tập những trường hợp vắng mặt để đảm bảo vụ xét xử được thực hiện công bằng, khách quan.

Trong số các bị cáo, đáng chú ý bị cáo Phạm Công Danh già đi rất nhiều so với trước thời điểm bị bắt giam, nhưng bị cáo cũng béo lên khá nhiều. Sức khỏe của bị cáo Danh không được tốt, trong lúc HĐXX thẩm tra lý lịch của bị cáo Nguyễn Minh Quân, Danh đã phải đi vào trong gặp bác sĩ trong ít phút. Trong phiên tòa, khi các bị cáo khác phải đứng thì bị cáo Danh được cho ngồi vì lý do sức khỏe. Ở bên ngoài tòa án còn có xe cấp cứu túc trực.

Bị cáo Phan Thành Mai trông không khác nhiều so với thời điểm còn là Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng 2 năm trước, duy có mái tóc để dài hơn, nhìn “nghệ sĩ” hơn.


Bị cáo Phan Thành Mai nhìn không khác nhiều so với trước khi bị bắt giam

Bị cáo Phan Thành Mai nhìn không khác nhiều so với trước khi bị bắt giam

Trong số các bên liên quan đáng chú ý có những doanh nhân nổi tiếng như ông Trần Quý Thanh (ông chủ Tân Hiệp Phát); bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông cũ sở hữu gần 85% vốn Ngân hàng Xây dựng trước khi chuyển giao cho Phạm Công Danh); bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Quý Thanh, là nhóm bị Phạm Công Danh rút tiền không có chữ ký chủ tài khoản hơn 5.000 tỷ đồng); ông Nguyễn Quốc Cường và bà Nguyễn Thị Như Loan của Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai…Tuy nhiên chỉ bà Trần Ngọc Bích có mặt, các doanh nhân khác ủy quyền cho người khác đi dự.


Người có quyền, nghĩa vụ liên quan được ngồi trong một phòng riêng dự tòa (ảnh: Nguyễn Long)

Người có quyền, nghĩa vụ liên quan được ngồi trong một phòng riêng dự tòa (ảnh: Nguyễn Long)

Các doanh nghiệp lớn cũng có tên như Đức Long Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Nhà Quốc Cường, Tân Hiệp Phát. Hàng loạt ngân hàng cũng được “xướng tên” là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong đại án lần này gồm Agribank chi nhánh Tân Phú, Agribank chi nhánh Láng Hạ, VietABank, VPBank, HDBank, SHB, Vietcapital Bank, Kienlongbank, LienVietPostBank, Eximbank, Eximbank Chợ Lớn, MB, VIB, VietinBank, ACB, Vietcombank, BIDV, OceanBank, Sacombank, TPBank, PVcomBank, VNCB, VNCB chi nhánh Lam Giang, VNCB Sài Gòn.

Ngoài ra còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.Đà Nẵng, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Quảng Nam, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỷnh Quảng Ngãi, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM, tỉnh Bình Dương…

Cùng với việc yêu cầu phải triệu tập đầy đủ các bên liên quan, một số luật sư yêu cầu HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án. Nhưng theo Viện KSND, việc tách vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong việc rút trên 6.000 tỉ đồng của VNCB, đem gửi tại 3 ngân hàng gồm BIDV, Sacombank, TPBank rồi dùng số tiền này bảo lãnh cho 29 công ty do Danh lập nên và nhập vào vụ “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; Tách vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 bị can nguyên là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB gồm: Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh và các cá nhân có liên quan để tiếp tục điều tra không ảnh hưởng đến ̉̉quyền lợi cho bị cáo Danh. Vì vậy, Viện KSND đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung của các luật sư này.

Theo cáo trạng, trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Phạm Công Danh là Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh, một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề. Phạm Công Danh nhận tái cấu trúc lại ngân hàng TrustBank khi đang làm ăn thua lỗ và đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB).

Kể từ khi nhóm của Phạm Công Danh quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không khả quan mà theo chiều hướng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, ngày 10/7/2012 của NHNN thì tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm, theo BCTC ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Theo BCTC năm 2013 đã kiểm toán, ngân hàng ghi nhận lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.

Trong 2 năm kể từ khi tiếp quản VNCB, Phạm Công Danh và đồng phạm đã “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng của VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỷ đồng từ VNCB trả cho các hợp đồng khống này để trả lãi cho các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác; Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu (trị giá 900 tỷ) này cho 3 công ty từ nguồn tiền của VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng. Ngoài ra, Phạm Công Danh còn rút 5490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB.

Phạm Công Danh và đồng phạm còn bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong đó, vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống để rút 4.700 tỷ đồng của VNCB để trả nợ cho nhiều nhóm khác nhau.

Theo kết luận của cáo trạng, chỉ trong 2 năm tổng số tiền mà Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 9.000 tỷ đồng.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM