Những cuộc chơi đêm, chiêu dụ dỗ bán độ của các ông trùm qua lời cựu tuyển thủ Việt Nam

14/09/2020 08:46 AM | Xã hội

“Những năm 1996, 1997, tôi đã nhận được đề nghị bán độ với số tiền 200 – 300 triệu đồng cho một trận…”, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Mạnh Dũng nhớ lại.

Nguyễn Mạnh Dũng , hay còn được biết đến với biệt danh Dũng "Giáp" (bố anh là cựu danh thủ Thể Công Nguyễn Trọng Giáp) là một trong những trung vệ được liệt vào dạng "của hiếm" của bóng đá Việt Nam . Bắt đầu nổi danh từ cuối thập niên 90 trong màu áo Thể Công và được triệu tập vào ĐTQG, tài năng của Nguyễn Mạnh Dũng là điều không cần bàn cãi.

Thế nhưng sự nghiệp của Dũng "Giáp" lại trải qua không ít sóng gió, bị gắn với cái mác lắm tài nhiều tật, công tử đi đá bóng, thích chơi trội…

Trong câu chuyện với chúng tôi, cựu tuyển thủ này cũng thừa nhận một cách chẳng ngại ngần, rồi kể lại vanh vách những câu chuyện mình lên sàn nhảy, mua sắm đồ hiệu, đổi xe, đổi điện thoại ra sao. Thậm chí còn là góc khuất đầy gai góc về việc từ chối những đề nghị bán độ với số tiền lớn đến nỗi mà nghe xong ai cũng phải giật mình.

Nhưng phải thế thì mới là cái "chất" của Nguyễn Mạnh Dũng, để kết thúc câu chuyện, anh tự tin khẳng định rằng: "Tôi là "đạo mạo công tử", tôi sạch thật và tôi tự hào vì bố mình dạy điều gì thì mình luôn làm đúng về mặt đạo đức".

 Những cuộc chơi đêm, chiêu dụ dỗ bán độ của các ông trùm qua lời cựu tuyển thủ Việt Nam - Ảnh 1.

 CUỘC TUYỂN CHỌN GẮT GAO VÀO LÒ THỂ CÔNG

"Tôi bắt đầu ăn tập từ năm 1988 ở lò Thể Công. Ngày ấy Thể Công là số một rồi. Lứa tôi thi tuyển có 5000 thí sinh, sát hạch trong vòng 10 ngày. 5000 đứa trẻ chia ra thành các nhóm, mỗi nhóm khoảng 50 người luân phiên chơi bóng, các thầy ngồi quan sát để phát hiện năng khiếu", cựu tuyển thủ Mạnh Dũng bắt đầu câu chuyện về con đường đến với bóng đá của mình.

"Sau 10 ngày thì từ 5000 xuống còn 200 thí sinh. Tiếp tục tập thêm 1, 2 tháng nữa thì giữ lại khoảng 90 cháu, chia ra thành 3 lứa tuổi (8-10, 10-12, 12-14). Đó là những đứa trẻ năng khiếu nhất để đào tạo, rồi lại chọn ra 20 con người tinh túy nhất vào đội Trẻ Thể Công, nuôi 2 năm để lên đội một. Mà trong 20 người ở lứa bọn tôi, chỉ có 5 người lên được, gồm tôi, Trương Việt Hoàng, Triệu Quang Hà, Nguyễn Đức Thắng và một thủ môn nữa. Còn đâu loại hết, mọi thứ vô cùng khắc nghiệt".

Có một điều may mắn mà Mạnh Dũng thừa nhận, đó là việc bố anh với tầm ảnh hưởng và khả năng chuyên môn của mình đã trực tiếp đưa ra các phương pháp tập luyện phù hợp nhất để giúp con trai học hỏi, phát huy được những điểm mạnh. Nổi bật trong số đó là việc trước khi được rèn ở vị trí trung vệ, Dũng "Giáp" từng có thời gian được cho thi đấu ở khắp các vị trí trên sân, từ hậu vệ biên, tiền vệ trung tâm, tiền vệ chạy cánh và cả tiền đạo.

 Những cuộc chơi đêm, chiêu dụ dỗ bán độ của các ông trùm qua lời cựu tuyển thủ Việt Nam - Ảnh 2.

Lên đội một Thể Công, Mạnh Dũng không chỉ chứng minh được khả năng ở nhiệm vụ phòng ngự, mà những quả phất bóng phản công bằng cái chân trái cực ngoan của trung vệ cũng trở thành một thương hiệu khiến người hâm mộ luôn nhớ tới mỗi khi nhắc đến cái tên Dũng "Giáp".

Cũng nhờ tư duy chơi bóng như vậy mà ở cuối thập niên 90, Nguyễn Mạnh Dũng trở thành một trung vệ "hiếm có khó tìm" của bóng đá Việt Nam. Với thể hình giống như một cầu thủ châu Âu, cùng khả năng chơi bóng và tư duy chiến thuật cực tốt, lại mang trong mình tố chất của người thủ lĩnh. Điều này cũng giúp cho Mạnh Dũng sớm được lên ĐTQG và trở thành một trong những cầu thủ nổi danh ở thời điểm đó. Tuy nhiên, những rắc rối lại xảy đến khi những câu chuyện về sinh hoạt đời tư của trung vệ này trở thành chủ đề gây xôn xao.

ĐỒ HIỆU VÀ NHỮNG CUỘC CHƠI ĐÊM

"Thể Công là nơi cho bố tôi, cho tôi rất nhiều thứ. Tôi cảm ơn đội bóng, cảm ơn lò Thể Công, nhưng ở đó cũng có những người luôn nói xấu sau lưng tôi, đưa thông tin cho báo chí viết những điều không đúng", Mạnh Dũng nhấn mạnh chi tiết này trước khi bắt đầu kể chi tiết về cái sự "ăn chơi" của mình.

"Như ngày xưa sau trận đấu, được nghỉ thì tôi có tới New Century, vũ trường rất lớn ở Hà Nội ngày ấy để chơi. Tôi thừa nhận điều đó. Nhưng báo chí lại viết là "suốt ngày thấy Nguyễn Mạnh Dũng lên vũ trường". Như thế là sai hoàn toàn.

Họ có thể viết, nhưng phải viết đúng. Ví dụ như sau trận đấu, Dũng "Giáp" toàn đi đêm, đi vào sàn nhảy, vào bar chơi là đúng. Vì tôi được nghỉ, không ai quản lý, được phép đi chơi, đi giải trí cơ mà. Tôi có uống rượu bia, cũng đúng. Nhưng báo chí nói là "suốt ngày" thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Như thế khác gì bảo tôi không tập luyện gì cả, chỉ đi chơi. Nếu vậy thì ai dám cho tôi vào sân đá, HLV có vấn đề hay sao mà lại sử dụng cầu thủ không chịu tập luyện, chỉ biết chơi bời?

Sau trận có người về với gia đình, hay ngồi tụ tập đánh bài, còn tôi không thế. Lúc ấy còn tự do, chưa lập gia đình, tôi dùng tiền tôi kiếm được để đi chơi chứ cũng có vay mượn ai đâu. Lên bar tôi có chơi chất kích thích đâu, chỉ uống rượu, lên nhảy rồi đi về. Có lẽ cũng bởi tôi là một nhân vật hot thời đó nên người ta cứ muốn viết về tôi theo kiểu giật gân để gây chú ý. Có những người ngồi tận trong miền Nam, có biết về cuộc sống của tôi đâu mà cứ viết như đúng rồi, tất cả chỉ thông qua những lời kể", cựu trung vệ Thể Công nói.

 Những cuộc chơi đêm, chiêu dụ dỗ bán độ của các ông trùm qua lời cựu tuyển thủ Việt Nam - Ảnh 3.

Theo lời kể của Mạnh Dũng, dư luận thời đó không ít người từng chỉ trích anh vì thích chơi nổi, chẳng hạn như ra sân với cái đầu bóng loáng, đi đôi giầy đỏ, đá bóng như "công tử". Thậm chí việc anh đi ô tô riêng tới sân tập cũng trở thành chủ đề gây bàn tán. Nhưng trong quan điểm sống của mình, trung vệ này cho rằng miễn đó là những điều không phạm pháp, không phải tiền "bẩn", thì những chuyện như vậy chẳng có gì là sai.

"Hồi ấy tôi thích làm đẹp, chải chuốt tóc tai làm đẹp cho bản thân mình. Còn đôi giày là đôi Puma đỏ, nhà sản xuất họ làm ra mẫu đó thì tôi mới có cái để mua chứ tôi có bôi sơn vào đâu. Nếu mà tôi mua giầy trắng về rồi tự vẽ vào thì đúng là dị thật, nhưng có phải thế đâu. Đôi giầy của tôi là mẫu Maradona cũng đi, mua giá 4,5 triệu đồng. Tôi thấy nó đẹp, hợp với mình thì mình đi thôi, có cái gì đâu mà phải soi, phải nói nghe nó nghiêm trọng.

Tôi đổi xe, đổi điện thoại liên tục, diện quần áo, sài đồ hàng hiệu là chuyện rất bình thường. Có những đôi giày 4-5 triệu một đôi, người ta đến Tết mới đem ra diện thì tôi có 3, 4 đôi, đi hàng ngày. Giày thi đấu cũng thế. Người ta đi giày nội, còn tôi cứ có dịp đi nước ngoài là tôi mua những đôi đắt nhất. Đó là thứ mình mua cho mình, phục vụ công việc của mình thì cần gì phải tiếc. Quan điểm, cách sống của tôi là thế".

 Những cuộc chơi đêm, chiêu dụ dỗ bán độ của các ông trùm qua lời cựu tuyển thủ Việt Nam - Ảnh 4.

Đôi giầy Puma đỏ đắt tiền của Mạnh Dũng.

"Ngày xưa tôi là người đầu tiên đi tập bằng ô tô riêng. Báo chí thấy thế cũng viết kiểu: Cả đội đi bộ, đi xe máy thì một mình Dũng Giáp cưỡi ô tô đi tập.

Nghĩ buồn cười và thấy ấu trĩ. Phương tiện đi tập có ảnh hưởng gì đến chuyên môn không? Ai không có thì đi bộ, ai có xe máy thì đi xe máy, còn tôi có ô tô thì tôi phải đi chứ, chẳng lẽ bắt tôi cất xe ở nhà rồi cũng đi bộ à?

Hay như chuyện người ta bảo tôi ăn chơi. Thử nghĩ xem tôi ăn chơi cái gì nào mà nói thế. Ví dụ đá thắng một trận, đội thưởng cho 10 đồng thì tôi bỏ 8 đồng để sắm sửa quần áo, điện thoại đẹp, mời bạn bè đi ăn. Các cầu thủ khác họ không thế, đem tiền cất đi không tiêu là chuyện của họ, chứ sao lại nhìn tôi sắm đồ này kia rồi bảo tôi ăn chơi.

Tôi tiêu thế nhưng nguồn tiền của tôi ở đâu? Đó là tiền mồ hôi công sức thi đấu, chứ tôi không bán độ, không cướp giật hay xin xỏ gì của ai. Tôi tiêu tiền tôi kiếm ra chân chính, điều đó là sai à? Tiêu bao nhiêu và tiêu vào việc gì là quyền của tôi chứ. Nếu tôi là HLV, cầu thủ sinh hoạt ra sao là quyền của họ, nhưng phải nhớ khi anh là cầu thủ thì phải chăm chỉ tập luyện, "ăn" hết khối lượng, vào sân thi đấu tốt là được", Mạnh Dũng nhớ lại.

 Những cuộc chơi đêm, chiêu dụ dỗ bán độ của các ông trùm qua lời cựu tuyển thủ Việt Nam - Ảnh 5.

THOÁT KHỎI CHIÊU TRÒ DỤ DỖ BÁN ĐỘ

Cần biết vào thời điểm đó, ông Nguyễn Trọng Giáp đang đảm nhận vai trò Phó ban đội tuyển của LĐBĐ Việt Nam. Những ồn ào từ dư luận về chuyện sinh hoạt của con trai lọt đến tai ông là điều không tránh khỏi. Khi được hỏi về việc có bị gia đình trách mắng vì những câu chuyện trên hay không, Mạnh Dũng đá tiết lộ một góc khuất khác.

"Bố tôi là một người lính, lại cũng là người trong nghề nên rất hiểu cảm giác đó. Bị mang tiếng một cách không đúng thì người chịu sức ép là tôi, chứ không phải gia đình. Bố tôi cảm nhận được điều đó nên bảo: Mày cứ chơi đẹp theo kiểu của mày.

Nhưng có hai điều bố tôi luôn luôn dạy tôi. Một là phải nỗ lực tập luyện. Chơi gì thì chơi, nhưng phải nghiêm túc với việc rèn luyện cá nhân. Điều thứ hai là không được bán đứng đồng đội. Và tôi tự hào rằng mình đã làm được điều đó. Tôi là "đạo mạo công tử", tôi sạch thật, tôi tự hào vì bố mình dạy điều gì thì mình luôn làm đúng về mặt đạo đức. Tôi cũng chỉ thần tượng duy nhất một người. Đó là bố tôi".

 Những cuộc chơi đêm, chiêu dụ dỗ bán độ của các ông trùm qua lời cựu tuyển thủ Việt Nam - Ảnh 6.

Cựu danh thủ Nguyễn Trọng Giáp (áo xanh).

Nói về chuyện được đề nghị bán độ, Dũng "Giáp" kể lại chi tiết cách mà những trùm cá độ sử dụng để đưa cầu thủ "vào tròng".

"Ngày xưa tôi đá vị trí đấy bị mua nhiều lắm, nhưng mà tôi nhất quyết nói không. Cũng dằn vặt đấy, vì thanh niên mà, nhìn thấy tiền nhiều ham chứ. Nhưng rồi mình vượt qua được tất cả cám dỗ và giờ nhìn lại thấy trong lòng thanh thản.

Những năm 1996, 1997, tôi đã nhận được đề nghị bán độ với số tiền 200 – 300 triệu đồng cho một trận, tặng thêm 50 triệu cho mỗi bàn thua của đội nhà. Mà số tiền đó của 24 năm trước mọi người nghĩ xem nó lớn đến mức nào.

Những đề nghị đều đến từ các trùm cá độ cộm cán của Hà Nội. Họ tìm cách tiếp cận cầu thủ bằng cách mời uống bia, mời đi ăn, lên bar chơi, mời chai rượu xịn, rồi cả đi chơi với "chân dài". Tất cả đều được bao trọn, cầu thủ không mất đồng nào cả.

Cứ mua chuộc bằng nhiều lần như thế rồi đến một thời điểm, người ta bắt đầu mở lời nhờ. Kiểu như nói rằng có trót đánh trận này cả tỷ rồi, thôi thì bạn giúp tôi lần này, tôi gửi bạn vài trăm triệu. Như thế cầu thủ vừa trả ơn, lại vừa có tiền. 

Rất nhiều người nhúng chàm ở chỗ đó. Ăn của người ta rồi, bây giờ người ta nhờ thì không giúp sao được. Chưa kể lại có tiền nữa, thua một trận có sao đâu. Nhưng mọi thứ nó cũng như nghiện vậy. Tiêu đồng tiền có được dễ dàng nó không thấy xót, mà đã vướng vào đường dây của mafia rồi thì nhờ một lần rồi sẽ lại có lần sau, lần sau nữa. Còn nếu từ chối thì sẽ bị gây sức ép".

 Những cuộc chơi đêm, chiêu dụ dỗ bán độ của các ông trùm qua lời cựu tuyển thủ Việt Nam - Ảnh 7.

Cũng nằm trong diện những cầu thủ được các trùm cá độ có máu mặt mồi chài, chuyện từ chối không phải đơn giản, tuy nhiên Mạnh Dũng cho biết anh có cách riêng của mình trước những lời đề nghị bán độ.

"Chiêu trò như thế, vì sao tôi từ chối được? Khi một số thành phần mời tôi đi ăn nhậu, đi bar, ví dụ như hôm nay họ mời tôi chai rượu, buổi sau mời đi tiếp tôi vẫn đi, nhưng tôi sẽ là người trả tiền. Họ tranh trả tôi cũng không cho, tôi không mắc nợ ai gì cả.

Vì thế mà người ta không thể gây sức ép cho tôi được mà chỉ có thể là lời nhờ vả, mời mọc, mua chuộc bằng rất tiền nhiều thôi. Nhưng tôi có vướng mắc gì đâu mà phải lo. Tôi chẳng ăn không cái gì của ai cả nên không có gì phải áy náy. Vì thế mà cho đến giờ phút này, tất cả những người gặp tôi đều phải nói: Dũng "Giáp" là thằng chơi đẹp. Tôi không tiêu của ai cái gì cả. Đời cầu thủ tôi tiêu rất nhiều tiền, hầu như toàn bao mọi người, chứ không để mắc nợ ai".

Linh Đan

Cùng chuyên mục
XEM