Những công ty "siêu nợ" đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng

15/09/2022 11:00 AM | Kinh doanh

Báo cáo của Financial Times đưa ra danh sách 207 công ty đang phát tín hiệu cảnh báo đỏ vì có lợi suất trái phiếu chênh lệch quá cao so với trái phiếu chính phủ.

Mức lãi suất siêu thấp được áp dụng trong thời gian dài đã cho phép nhiều công ty che giấu những rạn nứt trong mô hình kinh doanh của họ.

Giờ đây, khi các Ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đột nhiên có một loạt công ty nặng nợ phải đối mặt với thực tế phũ phàng. Họ phải chịu mức lãi ngày càng tăng lên trong khi dòng tiền thu về rất hạn chế.

Tờ Financial Times đã thống kê và đưa ra danh sách các công ty đang trong tình trạng nợ nần căng thẳng nhất trên thế giới. Đây là những công ty có trái phiếu đang được giao dịch ở mức cao hơn 1.000 điểm cơ bản so với trái phiếu chính phủ. Số liệu được lấy từ chỉ số Global High Yield index của Ice.

Mặc dù các con số này chưa thể vẽ nên bức tranh tổng thể hoàn chỉnh vì không bao gồm những công ty huy động vốn từ thị trường nợ tư nhân hoặc vay ngân hàng. Tuy nhiên báo cáo đưa ra danh sách 207 công ty đang phát tín hiệu cảnh báo đỏ vì có lợi suất trái phiếu chênh lệch quá cao so với trái phiếu chính phủ.

Đứng đầu danh sách mà một số công ty bất động sản của Trung Quốc. Tuy nhiên rất nhiều công ty trên toàn thế giới đang lâm vào khó khăn tài chính trong năm 2022. Đó có thể là chuỗi siêu thị của Pháp, công ty cho thuê máy bay của Ireland, công ty khai mỏ của Ấn Độ, nhà sản xuất giấy vệ sinh đến từ Bỉ và cả công ty sản xuất thịt gà lớn nhất nước Anh.

Các nhà đầu tư trái phiếu thường có mức độ e sợ rủi ro cao hơn so với các nhà đầu tư khác, và đôi lúc thị trường có thể phản ánh những nỗi sợ lớn nhất của nhà đầu tư. Nhiều công ty trong danh sách cũng đã tự mình vượt qua được những giai đoạn tăm tối. Do đó hãy coi đây là danh sách các công ty mà thị trường đang phát đi cảnh báo, thay vì các công ty sẽ gặp thảm họa.

Dưới đây là 8 công ty có lợi suất trái phiếu cao hơn nhiều nhất so với trái phiếu chính phủ.

Bed Bath & Beyond

Mức chênh lệch: 5464 điểm cơ bản

Lĩnh vực: bán lẻ chuyên biệt

Trụ sở: Mỹ

Những công ty siêu nợ đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng - Ảnh 1.

Suốt 4 năm gần đây, nhà bán lẻ đến từ nước Mỹ liên tục lỗ ròng và có doanh thu sụt giảm. Tháng 6 vừa qua, CEO Mark Tritton bị hội đồng quản trị phế truất. Đến cuối quý II, công ty chỉ còn 100 triệu USD tiền mặt trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu.

Cách đây ít ngày, Giám đốc tài chính Gustavo Arnal đã tự tử bằng cách nhảy xuống từ 1 tòa nhà ở Manhattan.

Interpipe

Mức chênh lệch: 3875 điểm cơ bản

Lĩnh vực: Thép

Trụ sở: Mỹ

Những công ty siêu nợ đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng - Ảnh 2.

Trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Interpipe xuất khẩu ống thép cho các công ty dầu mỏ ở Texas và bánh xe cho các đoàn tàu ở châu Âu. Tuy nhiên sự việc ở Ukraine đã buộc công ty được thành lập năm 1990 bởi tỷ phú người Ukraine Victor Pinchuk phải tạm dừng hoạt động.

Tháng 4, hãng xếp hạng tín dụng Fitch hạ mức xếp hạng trái phiếu của Interpipe. Đến nay hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã được nối lại nhưng khối lượng vẫn rất thấp.

Country Garden

Mức chênh lệch: 5070 điểm cơ bản

Lĩnh vực: Bất động sản

Trụ sở: Trung Quốc

Những công ty siêu nợ đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng - Ảnh 3.

Không giống như các tập đoàn bất động sản khác ở Trung Quốc, Country Garden không bị vỡ nợ trái phiếu và vẫn được tiếp cận thị trường trái phiếu nước ngoài. Điều này giúp công ty có được sự ổn định quan trọng tại thời điểm hàng chục nghìn người Trung Quốc từ chối trả các khoản vay thế chấp cho những căn hộ đang xây dở.

Tuy nhiên, áp lực lên tập đoàn có trụ sở ở Quảng Đông ngày càng tăng lên trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt quản lý thị trường bất động sản.

Diebold Nixdorf

Mức chênh lệch: 4175 điểm cơ bản

Lĩnh vực: Dịch vụ hỗ trợ

Trụ sở: Mỹ

Những công ty siêu nợ đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng - Ảnh 4.

Nhà sản xuất các máy ATM và gần đây là các trạm sạc cho xe điện ra đời năm 2016, sau thương vụ M&A giữa Diebold và Wincor Nixdorf. Do bị ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng và biến động tỷ giá, khoản lỗ của công ty ngày càng tăng lên.

Hiện công ty đang nợ 2,4 tỷ USD, trong đó một số trái phiếu sẽ bắt đầu đáo hạn từ năm 2023. Sau khi được các ngân hàng ân hạn năm 2022, công ty đã thuê công ty tư vấn để xây dựng kế hoạch tái cấu trúc.

DTEK Renewables

Mức chênh lệch: 7684 điểm cơ bản

Lĩnh vực: Phát điện

Trụ sở: Ukraine

Những công ty siêu nợ đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng - Ảnh 5.

Moody’s đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của DTEK vào tháng 5, với nguyên nhân rủi ro công ty điện gió và điện mặt trời này vỡ nợ đang tăng lên. Nhu cầu năng lượng cũng như hoạt động sản xuất và giá năng lượng tại Ukraine đều sụt giảm, trong khi chi phí tăng cao do có nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.

Vấn đề các tệ hơn khi DTEK phải trả nợ bằng đồng USD.

Greenland

Mức chênh lệch: 10000 điểm cơ bản

Lĩnh vực: Bất động sản

Trụ sở: Trung Quốc

Những công ty siêu nợ đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng - Ảnh 6.

Greenland Holdings là nhà phát triển bất động sản đặt trụ sở tại Thượng Hải và được hậu thuẫn bởi nhiều chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Công ty được thành lập năm 1992 với nhiệm vụ ban đầu là phát triển các dự án đô thị quanh Thượng Hải, sau đó đã lớn mạnh và lọt top 30 công ty bất động sản lớn nhất nước.

Greeland chính là công ty bất động sản được nhà nước hậu thuẫn đầu tiên phải gia hạn nợ trái phiếu USD kể từ khi ngành bất động sản Trung Quốc lâm vào khủng hoảng.

Sunac China

Mức chênh lệch: 10000 điểm cơ bản

Lĩnh vực: Bất động sản

Trụ sở: Trung Quốc

Những công ty siêu nợ đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng - Ảnh 7.

Khi “bom nợ” Evergrande vỡ lở năm 2021, thị trường bắt đầu lo ngại về các tập đoàn bất động sản nặng nợ khác của Trung Quốc. Thời điểm tháng 1/2022, vụ bán cổ phần trị giá 530 triệu USD của Sunac được cho là dấu hiệu cho thấy công ty đang thiếu hụt tiền mặt.

Mặc dù được đánh giá cao hơn các công ty khác, cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong và trái phiếu quốc tế của Sunac vẫn phải chịu nhiều áp lực. Trong tháng 5, Sunac vỡ nợ trái phiếu.

Ligado Networks

Mức chênh lệch: 7874 điểm cơ bản

Lĩnh vực: Viễn thông

Trụ sở: Mỹ

Những công ty siêu nợ đang nhấp nháy báo động đỏ trong thời kỳ lãi suất tăng - Ảnh 8.

Ligado Networks ra đời sau khi tập đoàn viễn thông LightSquared của tỷ phú Philip Falcone phá sản. Công ty nắm trong tay một vệ tinh di động thương mại và vài giấy phép 5G.

Năm 2020, Ligado phát hành 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 3,5 năm với lãi suất coupon lên tới 17,5%, mức cao nhất đối với trái phiếu doanh nghiệp kể từ năm 2011.

Tham khảo Financial Times



Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM