Những chuyện chưa kể từ mẹ của em bé 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời: "Cô ơi, con muốn thay Hải An chăm sóc cô"
Trong suốt 6 năm qua, chị Thuỳ Dương - mẹ của "thiên sứ" Hải An vẫn đang viết tiếp giấc mơ của con gái bé nhỏ, mang lại thêm nhiều ánh sáng, cuộc đời mới cho người bệnh.
Gặp lại mẹ của "thiên sứ" Hải An - Clip: Nhật Anh
6 năm trước, cả nước xôn xao vì câu chuyện về "thiên sứ" Hải An - cô bé qua đời vì căn bệnh u não xâm lấn nhưng đã gửi lại "đôi mắt" của mình cho thế giới, dành tặng cơ hội một lần nữa thấy ánh sáng cho hai người.
Một trái tim nhỏ ngừng đập, nhưng triệu trái tim đầy tình yêu thương đã rung lên.
Một thiên thần nhỏ trở về thiên đường, nhưng những câu hát viết dành tặng An vẫn vang vọng, câu chuyện về An cũng trở thành bài học về lòng nhân ái được ghi lại trong những trang sách giáo khoa, những dòng bức thư UPU đầy cảm động...
Hay vở nhạc kịch kể lại hành trình ngọt ngào mà cũng đầy xót xa của em và mẹ trên sân khấu của Gala WeChoice Awards 2018 với chủ đề "Mặt trời trong tim" vẫn khiến bao người thổn thức rơi lệ.
Thổn thức bởi những tiếng con yêu mẹ. Thổn thức bởi ước nguyện dù bé nhỏ nhưng lớn lao. Thổn thức bởi đôi mắt trong veo năm ấy của Hải An vẫn đang thay em, nhìn ngắm thế giới này.
Cũng trong WeChoice Awards năm ấy, câu chuyện về Hải An cũng trở thành một trong 5 đại sứ truyền cảm hứng. Sau bé Hải An, hơn 2.300 lá đơn hiến tạng và những bộ phận trên cơ thể đã được gửi đi chính là bằng chứng rõ ràng nhất về ngọn lửa cảm hứng mà em lan tỏa.
6 năm sau, có người còn nhớ, có người đã quên, nhưng trên bàn làm việc nhỏ, mẹ của em - chị Trần Thị Thuỳ Dương (SN 1985) vẫn đang ngày ngày lấp đầy khoảng trống trong tim, ngày ngày viết tiếp ước mơ đơn thuần còn đang dang dở của con gái nhỏ.
Hành trình tiếp nối ước mơ của con
Nhìn lại quãng thời gian tăm tối khi vừa mất đi con gái nhỏ thân thương, chị Thùy Dương tâm sự: "Khi con mất, nỗi đau đó quá lớn. Buồn thì lúc nào cũng buồn, nhiều lúc tôi cũng nghĩ quẩn tại sao không đi theo con".
Vậy nhưng, cũng chính Hải An - một lần nữa trở thành sức mạnh giúp mẹ vượt qua đau đớn ấy, để chị Thuỳ Dương nhận ra rằng, nếu bản thân gục ngã thì những ước mở của An sẽ mãi chỉ còn lại là dấu chấm lửng dở dang.
"Tôi hứa với Hải An rằng "mẹ sẽ gặp lại con một cách đặc biệt, nghe thấy tiếng tim con đập trở lại và nhìn thấy ánh mắt hồn nhiên của con". Hơn hết, tôi sẽ tiếp tục hành trình truyền cảm hứng của con", chị Thùy Dương chia sẻ.
Chị Dương cũng chia sẻ, sau khi Hải An mất đi, những người nhận giác mạc của bé cũng đã đến thắp hương và chia sẻ cùng gia đình. Lúc này, dường như chị lại được gặp con gái một lần nữa, được thấy ánh mắt sáng ngời của con và cũng nối tiếp hy vọng ánh mắt ấy sẽ mãi mãi còn lại với thế giới này:
"Cả hai người nhận giác mạc của Hải An tuy có những câu chuyện riêng của riêng mình nhưng đều quyết định sau khi mất sẽ hiến lại giác mạc đó cho người khác, lần nữa thắp sáng đôi mắt của Hải An.
Dù ai cũng bận rộn với công việc riêng nhưng nếu có thời gian, chúng tôi (PV - chị Dương và hai người nhận giác mạc) sẽ thỉnh thoảng dành thời gian gặp mặt như người thân trong nhà. Điều ấy làm tôi vơi bớt nỗi đau".
Bên cạnh đó, lời động viên từ những người xung quanh, dù là thân thuộc hay xa lạ cũng đều là động lực để chị vượt qua nỗi đau, viết tiếp ước mơ con.
Ban đầu chỉ là viết những bài tuyên truyền, làm những công việc liên quan đến vận động hiến tạn, hiện nay, chị Thuỳ Dương đã trở thành kĩ thuật viên và chuyên viên truyền thông của Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
"Nếu trước đây, chỉ trực tiếp làm việc với các bạn có tâm nguyện đăng ký hiến tạng thì hiện tại, tôi được tiếp xúc với các bệnh nhân về mắt hay cần thay giác mạc. Từ đó, tôi cũng được lắng nghe thêm nhiều câu chuyện xúc động." chị Thùy Dương rưng rưng "Cuộc sống của họ trước kia đều phải dựa vào người thân, gia đình và xã hội. Đến khi được nhận được giác mạc, họ như được sống lại một lần nữa"
Tuy nhiên trong hành trình đó, chị Thùy Dương vẫn gặp không ít khó khăn, những lời dị nghị, hiểu lầm. Đơn cử như việc đặt hình ảnh Hải An làm biển quảng cáo khi Ngân hàng Mô mới thành lập:
"Mọi người chỉ mong muốn có một hình ảnh mang ý nghĩa to lớn nhưng nhiều người nhìn vào lại có hiểu nhầm và dị nghị, cho rằng vì tôi làm việc ở đây nên lấy hình ảnh con để PR cho bệnh viện.
Vậy nhưng với tôi, hình ảnh của Hải An là hình ảnh rất trong sáng và mang một ý nghĩa rất lớn. Ngân hàng Mô mong muốn sức mạnh của con sẽ được trao lại cho mọi người, truyền nguồn cảm hứng rằng "một đứa trẻ làm được thì chúng ta cũng có thể làm được", chị Thùy Dương nói.
Trong nỗi đau tìm thấy hạnh phúc
Khi được hỏi về việc, liệu sự xuất hiện quá nhiều của Hải An trên truyền thông có khơi gợi lại nỗi đau hay không, chị Thùy Dương thừa nhận vẫn có chút gợn lòng khi bỗng thấy con. Bởi những điều đó dường như một lần nữa nhắc nhở chị rằng:
"Hải An không còn cạnh mình như ngày xưa"
Vậy nhưng, đó cũng là minh chứng cho việc, hành trình của Hải An vẫn đang tiếp tục, nhiều bệnh nhân vẫn đang từ đó có thêm cơ hội nhìn thấy ánh sáng, cơ hội sống một cuộc đời mới.
"Khi Hải An còn nhỏ, tôi luôn dạy con phải trở thành người có ích. Có lần, con hỏi tôi "Con còn bé như thế thì có thể làm gì cho xã hội?", tôi mỉm cười bảo "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, con hãy làm những gì bản thân có thể giúp đỡ được những người xung quanh".
Chính những lời nói ấy, đã làm nên một cô bé Hải An thiện lương và trong sáng cho đến những giây phút cuối cùng còn trên đời. Dù chỉ là hành động nhỏ nhất, như trò chuyện cùng các cụ già, mỉm cười chào hỏi những người xung quanh... cô bé vẫn luôn là một mặt trời, một tia sáng trong tim.
"Đối với tôi, mọi đứa trẻ mà đều là niềm hạnh phúc và cả tương lai. Tôi nghĩ hành trình ấy chưa bao giờ dừng lại. Kể cả khi đứa trẻ mất đi, đứa trẻ ấy vẫn mang lại tương lai cho một người khác." - lời chia sẻ của chị Thuỳ Dương khiến bất cứ ai cũng không khỏi có trong lòng những suy ngẫm riêng.
Với chị Thuỳ Dương, câu chuyện của Hải An tựa một ngọn lửa làm bùng lên phong trào đăng ký hiến tặng mô tạng. Dù có được ai biết đến hay không, nhưng những câu chuyện ấy vẫn luôn xuất hiện mỗi ngày, gợi nhắc cho chúng ta rằng tình thương vẫn luôn âm thầm tồn tại:
"Tôi vẫn nhớ mãi về câu chuyện của cô giáo dạy âm nhạc cùng phòng bệnh với Hải An. Cô sau con khoảng 2 ngày và cũng đồng ý hiến giác mạc nhưng không được truyền thông nhắc tới. Với tôi, đó là một nghĩa cử âm thầm cao đẹp".
Sau khi mất con, bất chấp lời khuyên từ các bác sĩ tâm lý, chị Dương vẫn quay trở lại trường mẫu giáo làm việc, bởi đây là điều Hải An từng nhắn nhủ với chị, mong chị vơi đi phần nào mất mát. Và quả thật vậy, chính những em nhỏ đã lau đi giọt nước mắt của người mẹ đang phải trải qua nỗi đau quá lớn này.
"Tôi thường hay ngồi một mình trong căn phòng có máy chiếu lớn, xem lại những thước phim, bức ảnh của Hải An. Có lần, một em bé ngủ dậy sớm, chạy lên thấy mình đang khóc. Thấy vậy, em nhỏ tiến lại gần lau nước mắt và nói rằng "cô ơi, còn con ở đây", rồi bé ôm mình để xoa dịu nỗi đau." - chị Dương không khỏi nghẹn ngào.
Chị Dương cùng các đồng nghiệp tiến hành lấy giác mạc
Chị Thuỳ Dương cho biết bản thân cũng đã nhận một vài người con nuôi. Mỗi bé lại có một hoàn cảnh khác nhau nhưng với chị Dương, dù các bé tìm đến chị với lý do gì đi chăng nữa, chị cũng rất vui lòng.
"Nhiều bé biết đến câu chuyện của Hải An tự tìm đến tôi. Lúc ấy, trái tim tôi như được sưởi ấm hơn rất nhiều.
Có những bạn nhỏ nói với tôi rằng "Cô ơi, con muốn thay Hải An chăm sóc cô. Con muốn thay Hải An gọi cô bằng mẹ, để trái tim của cô không còn quá đau", các bạn ấy tuy nhỏ tuổi nhưng trưởng thành lắm.
Hay có bạn nói "Cô ơi, con cảm thấy cuộc sống của con thế này rất hạnh phúc. Con phải cố gắng nhiều hơn nữa để trao cho bố mẹ con, cho mọi người xung quanh những điều tốt đẹp hơn"."
Và cũng chính sự ra đi của Hải An đã trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời, thay đổi nhiều quan niệm sống của chị Dương.
"Ngày xưa, mình theo lối sống chỉ biết xung quanh một nhóm nhỏ. Nhưng giờ đây, mình sống cho cộng đồng nhiều hơn. Cộng đồng ở đây không chỉ về giác mạc, còn các bệnh nhân về các bệnh lý khác", chị Thùy Dương nói.
Nói về dự định trong tương lai, chị Thùy Dương cho biết: "Trước đây, do vấn đề về sức khỏe, tâm lý nên tôi chưa thể cầm các thiết bị y tế. Sau những lần đi thu nhận giác mạc hay tuyên truyền vận động đăng ký hiến tạng giúp tôi có thêm động lực.
Gần đây, tôi mới bắt đầu cầm các thiết bị y tế trở lại. Hy vọng trong tương lai, tôi sẽ phục hồi hoàn toàn để bệnh nhân được nhận giác mạc tốt nhất. Bên cạnh đó, tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình tuyên truyền, vận động mọi người đăng ký hiến mô, tạng".