Những cây cầu người dân TPHCM hàng ngày đều nơm nớp lo sợ khi đi qua

03/04/2016 10:57 AM | Xã hội

Sau vụ sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai), nhiều người dân TP HCM không khỏi hoang mang khi ngày ngày phải đi qua những cây cầu xuống cấp trầm trọng.

Theo ông Huỳnh Văn Ký (huyện Nhà Bè), đường Lê Văn Lương được trải nhựa, rộng rãi nhưng những cây cầu lại không được xây dựng cho đồng bộ. Vì thế, ở các cầu đều tạo nút thắt cổ chai, gây ùn tắc giao thông. Hơn nữa, những cây cầu sắt đã xuống cấp trầm trọng, khi xe chạy qua thì rung lắc rất mạnh. Vào giờ cao điểm, xe cộ nối nhau chen chúc khiến cầu có thể sập bất cứ lúc nào.

Ngày 24/3, gần trăm hộ dân sống dọc con đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè đã gửi đơn đến Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Theo họ, mấy chục năm qua khu vực này gần như trở thành ốc đảo khi mà tuyến đường Lê Văn Lương cách đây không lâu vẫn là đường đất, ổ trâu, ổ voi.

Mới đây nhà nước đã nâng cấp, trãi nhựa tuyến đường này đã giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Nhưng có một bất cập đã tồn tại gần 60 năm nay là 4 cây cầu sắt chạy dọc tuyến đường này từ đầu đường Nguyễn Văn Linh đến hết địa phận TP.HCM ráp ranh với tỉnh Long An.

Trong đó, 4 cây cầu này đã có tuổi thọ gần 60 năm, được làm từ thời Pháp thuộc nên đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Không những vậy, cầu khá nhỏ chỉ lọt cho khoảng 3 chiếc xe máy đi qua và tải trọng có cây cầu dưới 1 tấn nên đã hạn chế đi lại, giao thương chuyên chở của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn hai xã là Phước Kiển và Nhơn Đức.

"Những cây cầu này là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây bởi chỉ cần xảy ra một sự cố nhỏ là xem như kẹt cứng trong nhiều giờ liền. Điều đáng nói đây cũng gần như là con đường độc đạo để người dân xã Nhơn Đức, Phước Kiển và của Long An di chuyển lên khu trung tâm TP.HCM nền càng gây ra bức xúc đối với người dân", một người dân sống ngay chân cầu Long Kiểng, xã Phước Kiểng cho biết.

Cầu yếu, dốc, khó đi, các xe đều phải để số nhỏ, rồ ga để không bị tắt máy. Do người, xe san sát nhau, không có khoảng cách an toàn nên nếu không may xảy ra sự cố sẽ gây tác động dây chuyền vô cùng nguy hiểm.

Đội ngũ công nhân cầu đường đang gia cố một vài đoạn cầu Long Kiểng bị mục nát.

Ngoài việc “gánh” lượng người và xe lớn mỗi ngày, cầu Long Kiểng còn phải “cõng” hàng loạt dây cáp và đường ống nước sinh hoạt.

Hàng loạt trụ cầu đã bễ nát, lòi cả thép gỉ bên trong.

Nhiều người dân sinh sống nơi đây đã gửi đơn kêu cứu Bí thư Đinh La Thăng bì không muốn tiếp tục xảy ra tình trạng cầu sập như ở Đồng Nai mới đây.

Chiều 24/3, chúng tôi có mặt tại cầu Long Kiểng, chứng kiến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng dù cầu chỉ cho phép xe 2 bánh và người đi bộ qua theo hướng từ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè về trung tâm TP HCM.

Ông Võ Hùng Minh (nhà sát cầu Long Kiểng, xã Nhơn Đức) cho biết người dân muốn vào trung tâm thành phố phải nín thở đi qua cầu này vì đường vòng xa hơn 5-10 km.

Một bảo vệ cầu cho biết: trong số 4 cây cầu sắt, đây là cây chịu áp lực tải trọng nặng nề và căng thẳng nhất.

Cứ vào giờ cao điểm sáng, chiều, xe cộ kẹt cứng trên cầu kèo dài cả cây số. Lực lượng bảo vệ phải vất vả điều tiết, phân luồng, cấm xe lớn chạy qua.

Khu vực này đất thấp, liên tục chịu cảnh ngập úng cả nửa bánh xe trong mùa mưa. Nhà dân xung quanh hoặc xây bục chắn hoặc nâng nền để ngăn nước ngập.

Trong số 4 cầu, đây là cây cầu ồn ào nhất vì xuống cấp trầm trọng nhất. Sắt thép mục rữa, long lở, các mối hàn thì tạm bợ. Xe cộ chạy qua khiến các dầm sắt va đập liên tục vào nhau phát ra tiếng kêu nhức óc.

Một người dân cho biết cây cầu này trước đây đã sửa một lần, thu hẹp lòng cầu lại mỗi bên 1 mét. Trước đó, một xà lan va vào chân cầu làm nghiêng lệch hẳn sang một bên.

Người đi qua cầu thấy rõ cảm giác cầu bị chao đảo, lắc lẻo, từng phần như muốn rơi rụng, rất đáng sợ.

Đơn gửi đến lãnh đạo thành phố viết: Kính thưa ông Đinh La Thăng, những cây cầu này là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây bởi chỉ cần xảy ra một sự cố nhỏ là xem như kẹt cứng trong nhiều giờ liền.

Bà Hồ thị Thu, ấp 1, Phước Kiển, nói: Rất mong Bí thư Đinh La Thăng lưu tâm đến việc đầu tư xây dựng mới các cây cầu để giúp người dân đi lại được thuận lợi và an toàn hơn. Bởi những cây cầu này nguy cơ sập rất cao, nếu chỉ cần một va chạm nhẹ có thể làm cầu bị sập.

Theo Nguyên Vỹ

Cùng chuyên mục
XEM