Những câu hỏi phổ biến nhất về Taliban và Afghanistan được tìm kiếm trên Google

23/08/2021 15:43 PM | Xã hội

Trong số các câu hỏi hàng đầu trên Google về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan có câu hỏi “Taliban là ai”, “luật Sharia là gì” và “vì sao Mỹ rút quân khỏi Afghanistan”.

Kể từ khi Taliban bất ngờ tiếp quản thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 15/8, nhiều người đã đi tìm lời giải thích cho những thay đổi nhanh chóng và tình hình phức tạp tại quốc gia Nam Á này trên công cụ tìm kiếm Google.

Lượt tìm kiếm câu hỏi “ai lãnh đạo Taliban” đã tăng 3.500% so với 12 tháng trước, theo dữ liệu về Xu hướng Google (Google Trends).

 Những câu hỏi phổ biến nhất về Taliban và Afghanistan được tìm kiếm trên Google  - Ảnh 1.

Các tay súng Taliban đứng gác tại thành phố Herat ngày 19/8/2021. Ảnh: Getty

Để hiểu rõ hơn về tình hình đang thay đổi nhanh chóng ở Afghanistan, dưới đây là câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến nhất về tình hình ở quốc gia này.

Taliban là ai?

Taliban là phong trào chính trị tôn giáo Hồi giáo và lực lượng nổi dậy có vũ trang ở Afghanistan. Điều này có nghĩa là họ thúc đẩy các ý thức hệ của mình bằng các giải pháp quân sự.

Nhiều nước, nhiều tổ chức, trong đó có Liên Hợp Quốc, coi là một nhóm khủng bố.

Taliban từng cai trị Afghanistan giai đoạn năm 1996-2001, bắt đầu từ sau khi lực lượng này lần đầu tiên chiếm được thủ đô Kabul trong giai đoạn Nội chiến Afghanistan.

Trong thời gian này, Taliban từng thảm sát nhiều dân thường Afghanistan, cản trở Liên Hợp Quốc viện trợ lương thực cho người dân Afghanistan.

Ai lãnh đạo Taliban?

Có 2 nhân vật được xem là lãnh đạo của Taliban. Người thứ nhất là Hibatullah Akhundzada, lãnh đạo tối cao của Taliban.

Tuy nhiên, Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban và hiện là lãnh đạo chính trị, đang được xem là lãnh đạo thực tế hơn so với Akhundzada.

Thực tế, việc ông Akhundzada gần như không xuất hiện trước công chúng khiến nhiều người từng đồn đoán ông này có thể đã chết. Tuy nhiên, Taliban bác bỏ điều này.

Trong khi đó, ông Baradar được cho là có thể trở thành Tổng thống trong chính phủ tương lai. Ông Baradar ngày 21/8 đã tới thủ đô Kabul để đàm phán thành lập chính phủ mới.

Những người Afghanistan tị nạn sẽ đi đâu?

Năm 2020, gần 1,5 triệu người tị nạn từ Afghanistan sống ở nước láng giềng Pakistan, khoảng 780.000 người tìm nơi lánh nạn ở Iran. Chỉ khoảng 9.000 người được ghi nhận hiện đang sống ở Anh và khoảng 2.000 người ở Mỹ.

Những con số này được cho là sẽ có sự thay đổi. Hiện châu Âu đã dừng việc trục xuất người tị nạn và Mỹ đang mở rộng hỗ trợ đối với những người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ ở nước này.

Chính phủ Australia cũng nhấn mạnh sẽ cung cấp thị thực cho 3.000 người Afghanistan chạy khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Anh dự kiến tiếp nhận khoảng 5.000 người trong 5 năm.

Tuy nhiên, phần lớn những người mất nhà ở ở Afghanistan sẽ vẫn ở lại nước này.

Ông Steve Valdez-Symonds thuộc Tổ chức Ân xá ở Anh nói với Insider rằng những người rời khỏi đất nước có thể được an toàn nhất, nhưng mối lo ngại nằm ở những người không thể rời khỏi Afghanistan.

Quyền của phụ nữ ở Afghanistan hiện nay bị đe dọa thế nào?

Kể từ khi Taliban sụp đổ năm 2001, phụ nữ Afghanistan được phép đi làm, đi học, lái xe, được tới các nơi công cộng mà không cần người giám hộ là nam giới đi cùng.

Dù Taliban tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì quyền của phụ nữ và cho phép họ được làm việc và học tập, nhưng có nhiều hoài nghi về cam kết của này.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói rằng bà “không tin” Taliban sẽ giữ lời hứa này.

Nhiều phụ nữ Afghanistan đã bày tỏ lo ngại Taliban sẽ không bảo vệ quyền phụ nữ. Nữ phi công đầu tiên của Không quân Afghanistan nói với Fox News rằng Taliban sẽ “tàm tổn thương phụ nữ nhiều nhất”.

Shafeek Seddiq, một luật sư chống khủng bố và tham nhũng (người Afghanistan hiện sống ở nước ngoài) cho biết, Taliban có lý do để nói rằng họ đã có cách tiếp cận khác biệt so với trước đây.

“Taliban hiểu rằng họ cần sự ủng hộ của quốc tế để điều hành đất nước và chính phủ. Họ cần sự ủng hộ của hàng trăm nghìn binh sỹ, quân đội trong các chiến dịch, họ cần sự ủng hộ để thu thuế và có nguồn thu. Họ đã học được bài học này từ lần cai trị trước. Khi đó họ không nhận được sự ủng hộ và đã sụp đổ. Giờ đây họ phải nói những điều khác biệt. Nhưng ngay cả những người có quan điểm khác biệt trong số họ sẽ vẫn là những người cực đoan”, ông Seddiq nói.

Luật Sharia ở Afghanistan là gì?

Sharia là luật Hồi giáo, là bộ quy tắc một phần dựa trên Kinh Quran.

Sharia dịch từ tiếng Arab là “con đường dẫn tới nguồn nước”. Sharia bao gồm các chỉ dẫn về mọi khía cạnh của đời sống Hồi giáo.

Cũng như nhiều văn bản tôn giáo, có sự diễn giải khác nhau về luật Sharia, trong đó một số nhóm có quan điểm tự do về ý nghĩa của Sharia .

Taliban đã áp dụng cách diễn giải hà khắc và cực đoan. Dưới thời cai trị của lực lượng này trước đây, phụ nữ không được ra khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng.

Afghanistan có vũ khí hạt nhân không?

Lượng tìm kiếm câu hỏi này tăng 2.800% so với 1 năm trước đây.

Câu trả lời ngắn gọn là không. Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có vũ khí hạt nhân ở Afghanistan.

Trước khi Taliban tiếp quản Kabul, Afghanistan đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Vì sao Mỹ rút khỏi Afghanistan?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan từ ngày 1/5/2021, theo thỏa thuận giữa chính quyền tiền nhiệm Donald Trump với Taliban hồi tháng 2/2020.

Tổng thống Biden tuyên bố việc rút quân khỏi Afghanistan là vì mục đích chấm dứt “cuộc chiến dài nhất của Mỹ” ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ngày 6/8/2021, Taliban đã chiếm được tỉnh đầu tiên của Afghanistan và chiếm được thủ đô Kabul chỉ 9 ngày sau đó.

Điều này đi ngược lại với thỏa thuận đã ký với Mỹ trong đó Taliban sẽ duy trì hòa bình, bất chấp những tuyên bố gần đây của nhóm này rằng họ sẽ thành lập một “chính phủ Hồi giáo” ở Afghanistan sau khi Mỹ rời đi và sẽ “tiếp tục cuộc chiến để đạt được mục tiêu” của Taliban.

Việc rút quân khỏi Afghanistan khiến Mỹ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ cả trong và ngoài nước./.

Hoàng Phạm

Cùng chuyên mục
XEM