Những bức hình ám ảnh nhất trên đường chinh phục đỉnh Everest: Từ các "cột mốc" thi thể đến sự thật kinh hoàng hiện ra khi tuyết tan
Những tấm hình nhói lòng ghi lại trên đỉnh Everest vẫn còn đó, nhắc nhở các nhà leo núi về uy lực khủng khiếp của tự nhiên; rằng bất kì ai cũng phải suy nghĩ thật kĩ, rèn luyện kĩ năng và sẵn sàng đánh đổi trước khi đặt chân lên ngọn núi tuyết kì vĩ này.
1. "Giày xanh" - thi thể nổi tiếng nhất Everest, từng là cột mốc chỉ đường cho dân leo núi
Nằm dưới một mỏm đá, Giày Xanh như người đang ngủ say. Anh nằm nghiêng sang một bên, chiếc mũ len đỏ phủ kín khuôn mặt, đôi tay khoanh chặt trước ngực như muốn chống lại cái rét cắt da thịt, đôi chân anh duỗi ra phía lối đi, buộc mọi người đến đây đều phải bước ngang qua đôi giày xanh rực rỡ của mình.
Giày Xanh tên thật là Tsewang Paljor. Anh sinh năm 1968 tại Ladakh, Ấn Độ và cũng là người nổi tiếng trong làng với tính cách nhân hậu, lịch sự. Là người con trai lớn nhất trong nhà, Tsewang cảm thấy áp lực trong việc trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Chính vì vậy, hết lớp 10, Tsewang xin thôi học rồi gia nhập lực lượng biên phòng. Khi được chọn vào đội leo núi với nhiệm vụ trở thành những người Ấn Độ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest từ phía Bắc, anh đã không dám nói cho mẹ biết.
Tsewang Paljor
Đoàn leo núi Ấn Độ năm ấy bao gồm 6 người, đều là những tay kỳ cựu. Hành trình ban đầu khá thuận lợi cho đến ngày 10/5/1996, cả đoàn gặp một đợt gió rất mạnh. Tuy nhiên Tsewang và hai đồng đội nữa vẫn quyết định tiếp tục hành trình. Buổi chiều cùng ngày, Tsewang gọi điện đàm về trạm tiếp tế thông báo rằng họ đã chinh phục Everest thành công. Đáng tiếc là vui mừng chưa hết, trận bão tuyết kinh hoàng đã kéo đến rất nhanh, Tsewang và đồng đội không kịp xuống núi và mãi mãi nằm lại tại "nóc nhà thế giới".
Năm 2014, Giày Xanh đột nhiên biến mất không dấu vết, nhiều người cho rằng thi thể của anh đã được di dời đi nơi khác hoặc được chôn cất.
2. "Đừng để tôi ở lại"
Francys Arsentiev trở thành người phụ nữ đầu tiên từ Hoa Kỳ lên tới đỉnh Everest mà không cần sự trợ giúp của bình oxy, vào ngày 22/5/1998. Nhưng sau đó, cô thất lạc người chồng kiêm bạn đồng hành của mình. Anh chồng nghĩ Francys đã đi về phía trại, thế nhưng cô bị tụt lại phía sau và mãi mãi không thể bước xuống nữa.
Ở những phút cuối cùng, khi đang bỏng lạnh nghiêm trọng và mất dần ý thức, Francys đã thì thầm: "Đừng để tôi ở lại đây". Cô nói với 2 nhà leo núi - những người đã gác lại ước mơ của mình để giúp đỡ Francys. Nhưng rồi trong hoàn cảnh tự nhiên khắc nghiệt, bình oxy của họ cũng đang cạn dần, 2 người đành để Francys ở lại. Câu chuyện của cô từ đó trở thành niềm đau thương gây ám ảnh bậc nhất ở Everest. Điều an ủi là vào năm 2007, Francys Arsentiev được an táng vào trong lòng núi.
3. Năm 2018, lan truyền những hình ảnh gây sốc: Đỉnh Everest danh giá đã trở thành bãi rác cao nhất thế giới
Lều phát quang, dụng cụ hỏng, bình gas rỗng, thậm chí cả chất thải nằm rải rác trên cung đường leo núi. Tất cả đều do con người thải ra. "Thật kinh khủng, tôi không muốn nhìn thêm nữa" - Pemba Dorje Sherpa, người từng 18 lần leo Everest chia sẻ. "Ngọn núi giờ có hàng tấn rác".
Việc Trái Đất nóng lên đã khiến lớp băng núi dần tan ra. Rác cũng vì vậy mà lộ diện nhiều hơn, cả những khối rác bị bỏ lại từ 65 năm về trước. Hơn nữa lượng rác ngày nay đang tăng đột biến.
Theo Damian Banegas - một người có thâm niên hàng chục năm đi lại ở Everest, ngành công nghiệp du lịch tại đây mới thực sự phát triển trong khoảng 2 thập kỷ. Tuy nhiên vì lợi nhuận, đang có rất nhiều nhà tổ chức tour cắt giảm bớt chi phí nhằm thu hút cả những người leo núi chưa có kinh nghiệm. Bởi vậy, vấn đề rác thải ngày càng trở nên trầm trọng.
4. Biến đổi khí hậu, băng tan càng để lộ nhiều xác người tưởng đã ngủ vùi trong tuyết
Trong vòng 66 năm qua, có hơn 8.300 người đã chinh phục thành công đỉnh Everest nhưng cũng có ít nhất 306 người tử nạn. Trong số đó, còn 200 thi thể nằm rải rác đâu đó trên ngọn núi. Hiện tại, vì biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh mà những cái xác đang dần lộ diện rõ.
Ang Tshering Sherpa, cựu chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal từng chia sẻ với đài BBC: "Những nạn nhân không may qua đời trong những năm gần đây đều được đưa xuống. Nhưng thi thể từ rất lâu rồi thì vẫn nằm lại đó."
Thi thể của nhà leo núi Shriya Shah–Klorfine được quấn trong lá quốc kỳ Canada. Cô đã chinh phục thành công đỉnh núi nhưng không thể lành lặn trở về. Hiện thi thể của Shriya đã được đưa về quê nhà an táng.
Việc đưa một cái xác xuống núi cũng cần tính đến nhiều yếu tố. Ví dụ như chi phí: có thể phải tốn đến $70.000 để mang thi thể xuống núi. Và còn có ý nguyện của gia đình nạn nhân, họ cho rằng có thể người đã khuất muốn linh hồn mình an nghỉ ở ngọn núi này.
Ngoài ra, có một thực tế khá... rùng rợn, đó là những thi thể lộ ra lại đóng vai trò là cột mốc cho những người đang leo núi hiện tại. Họ dùng yếu tố này để định hướng, nhắc nhở bản thân cẩn trọng hơn. Trong đó, "Giày Xanh" từng là cột mốc tiêu biểu nhất trên đỉnh Everest mà chúng ta vừa nhắc đến ở trên.
5. Những vết bỏng trên hành trình chinh phục giấc mơ rực cháy
Đến nay, đã 66 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên con người chinh phục thành công đỉnh Everest. Các nhà leo núi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, dụng cụ cũng hiện đại vượt trội nhưng ngọn núi vẫn sừng sững ở đó. Và các mối đe dọa luôn cận kề, bao gồm bão tuyết, thời tiết xấu và bỏng lạnh. Bỏng lạnh có thể nói là nỗi chịu đựng đau khổ bậc nhất, và nếu không sơ cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Seaborne Beck Weathers - nhà leo núi người Mỹ - bị bỏng lạnh trên mặt trong chuyến thám hiểm năm 1996. Ông buộc phải nhờ trực thăng cứu hộ khẩn cấp.
Ngày 21/5/2018, nhà leo núi Nobukazu Kuriki người Nhật được tìm thấy tử vong trên hành trình chinh phục đỉnh Everest. Trước đó, Kuriki đã 7 lần thất bại trong cuộc chiến cam go này. Năm 2012, ông từng mắc kẹt suốt 2 ngày trên độ cao 8.230 m ở mức nhiệt -20 độ C. Kết quả là nhà leo núi bị bỏng lạnh, phải cắt bỏ 9 ngón tay. Để rồi năm 2018 ông tiếp tục quay lại ngọn núi hùng vĩ này và không bao giờ trở về.
6. Tắc đường khiến hơn chục người chết trên hành trình lên đỉnh Everest năm 2019
Elia Saikaly, một nhà làm phim đến từ Ottawa, Canada, đã chia sẻ tấm hình dưới đây để cảnh báo những nhà leo núi về độ nguy hiểm khi chinh phục nóc nhà của thế giới. "Tại nơi này, tất cả chúng ta đều đang theo đuổi cùng một giấc mơ, nhưng bên dưới đôi chân của chúng ta là một cơ thể vô hồn. Đây có phải là những gì Everest đem đến cho chúng ta?", Elia Saikaly chú thích về bức ảnh.
Một thi thể (khoanh đỏ) nằm lại trên núi trong lúc dòng người chật vật bước đi trên con đường tắc nghẽn.
Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, đã có 11 nhà leo núi tử vong chỉ trong 9 ngày bất chấp những lời cảnh báo về việc "tắc đường" khi chinh phục đỉnh Everest. Thời tiết xấu và quá nhiều người quyết định leo núi cùng lúc - trong đó có những người thiếu kinh nghiệm - là một vài yếu tố dẫn đến thảm kịch năm nay. Bất kì ai vượt Everest tháng 5 vừa qua đều phải xếp hàng dài chờ đợi, dẫn đến các nguy cơ kiệt sức, hết oxy, bỏng lạnh...
Những bức hình dòng người chen chân nhau trên đường lên núi đã khiến cho cả thế giới phải ám ảnh. Hóa ra con người trong suốt 60 năm qua vẫn còn quá nhỏ bé, yếu ớt trước thiên nhiên. Trong khi ngọn núi ấy đã chất chứa thêm những mối hiểm họa mới: băng tan, khí hậu khắc nghiệt hơn, người - rác thải - thi thể cũng hiện ra rõ lên hơn bao giờ hết... Đó như những cú đánh vào tinh thần can trường của kẻ muốn chinh phục.
Dù vậy, khát vọng chinh phục tự nhiên và chiến thắng bản thân của con người sẽ không thể nào bị dập tắt. Chỉ có điều, đừng quên rằng các bức hình nhói lòng ghi lại trên đỉnh Everest vẫn còn đó, như một lời nhắc nhở đến các nhà leo núi về uy lực khủng khiếp của tự nhiên. Và bất kì ai theo đuổi giấc mơ to lớn cũng cần phải suy nghĩ thật kĩ, hãy rèn luyện kĩ năng, sẵn sàng đánh đổi trước khi đặt chân lên ngọn núi tuyết kì vĩ này.