Những bài học đầu đời về quản lý tài chính cá nhân

11/10/2022 15:12 PM | Sống

Bài học đầu tiên về quản lý tài chính của những người trẻ.

"Đồng tiền đi liền khúc ruột" nhưng quản lý tài chính cá nhân lại có vẻ là 1 khái niệm mơ hồ đối với hầu hết mọi người, đặc biệt là những người trẻ - cho đến khi họ trải qua 1 vài (hoặc rất nhiều) khoảng thời gian không còn xu dính túi dẫn tới những rắc rối liên quan đến tiền bạc. Song, đó chưa phải là tất cả động lực và lý do để chúng ta thực sự bắt tay vào việc nghiêm túc với hành trình quản lý chi tiêu của mình.

Những bài học về tài chính thường đến vào lúc không ngờ tới nhất

Ngay cả khi thời gian tiếp cận và tìm hiểu về vấn đề quản lý tài chính cá nhân là như nhau, mỗi người cũng sẽ tự "giác ngộ" và bắt đầu hành trình này ở những thời điểm khác nhau - vì những mục đích khác nhau.

Chị Trần Huyền (sinh năm 1990, hiện đang làm Chuyên viên tư vấn bảo hiểm và tài chính cho công ty TNHH Manulife Việt Nam, Hà Nội) chia sẻ:

Mua nhà là bài học đầu đời về quản lý tài chính cá nhân - Ảnh 1.

Chị Trần Huyền.

"Hồi còn độc thân, đã đi làm, chị thường tiêu hết tiền lương trước khi hết tháng. Chị dùng để mua sắm quần áo, trang sức, đồ công nghệ,... Tới cuối tháng có khi phải đi vay bạn bè để chờ tới tháng lương tiếp theo. Chị ở cùng bố mẹ nên không mất tiền ăn ở, bản thân cũng chưa thấy trách nhiệm phải đưa cho bố mẹ. Sau này nhận ra việc vay tiền người khác để ăn tiêu, sẽ khiến nhiều người không tôn trọng mình.

Một thời gian sau, chị đi du học Nhật, bố mẹ phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng cho chị đi du học. Khi này trách nhiệm trả nợ đè lên vai nên chị bắt đầu biết tiết kiệm để gửi về cho bố mẹ trả nợ. Lúc này chỉ nghĩ là tiết kiệm thôi chứ chưa có kế hoạch quản lý tài chính cụ thể.

Sau này về nước thì lập gia đình. Thấy rõ được trách nhiệm của bản thân với con cái nên làm nhiều hơn để có nhiều khoản thu nhập và tiết kiệm chi tiêu. Trước khi tiêu dùng gì cũng cân nhắc giá trị sử dụng của nó mới quyết định mua. Phải thừa nhận, thời điểm này mới chính là lúc chị thực sự hiểu hết giá trị và bắt đầu hành trình quản lý tài chính cá nhân."

Mua nhà là bài học đầu đời về quản lý tài chính cá nhân - Ảnh 2.

Trong cuộc sống, sẽ có nhiều tình huống khiến chúng ta nhận ra giá trị của việc quản lý tài chính cá nhân. Nhưng để bắt tay vào hành động ngay thời điểm đó thì chưa chắc.

Trong khi đó, Linh Lê (sinh năm 1992, quận Tân Phú, TP. HCM) thừa nhận, có không ít quãng thời gian phải đối diện với tình trạng vay chỗ này nợ chỗ kia, cuộc sống chỉ xoay vòng giữa việc đi làm kiếm tiền và trả nợ, có chăm chỉ đến mấy cũng không dư ra đồng nào. Nhưng mọi lời khuyên về việc quản lý tài chính cá nhân lúc bấy giờ hầu hết đều không có tác dụng với cô.

"Thời điểm đó, hai vợ chồng mình mới kết hôn, cũng chưa tính toán gì nhiều ngoài ý định chuyển ra ở riêng thay vì ở cùng với bố mẹ mình. Thế nhưng thời điểm đó mình nợ nhiều lắm, cứ lắt nhắt mỗi chỗ 1 ít vì phải duy trì dòng tiền để kinh doanh spa và các sản phẩm liên quan tới trang trí nhà cửa. Cứ nghĩ lúc đó bị tiền "vùi dập" như thế thì mình sẽ tỉnh ngộ, nhưng không đâu. Mình chỉ thực sự học được bài học khi 2 vợ chồng tính đến bài toán mua nhà thôi."

Đồng quan điểm, dù chưa lập gia đình nhưng vẫn luôn ước ao sở hữu nhà riêng cho mình, Thu Ngân (sinh năm 1996, Tuyên Quang) có ý định và bắt đầu lập kế hoạch mua nhà từ rất sớm.

"Với mình thì việc mua được nhà thực sự là bài học đầu đời về đầu tư và quản lý tài chính cá nhân. Mình cũng ý thức được rằng khi đó thì việc đầu tiên là phải đặt mục tiêu cho bản thân, bằng bất kì giá nào cũng mua được nhà. Tiếp tới mới là nghiên cứu, tìm hiểu thêm thông tin qua những người đáng tin. Rồi sau đó đương nhiên là tiết kiệm, phân bổ tiền, cân đối chi tiêu và quan trọng hơn nữa chính là tập cho bản thân làm quen với việc sẽ có 1 món nợ lớn trong suốt 1 thời gian dài."

Bắt đầu học cách chi tiêu

Với chị Huyền, chị áp dụng quy tắc ruộng bậc thang để phân bổ các khoản tiền, giúp quản lý dễ dàng hơn.

"Về phần quản lý chi tiêu thì quy tắc của chị là:

- Tiền điện, phí chung cư, tiền nhà, tiền học phí của con chuyển khoản thanh toán luôn khi nhận lương.

- Tiền ăn, tiền mua sắm đồ dùng gia đình, tiền xăng xe, tiền cafe khi gặp khách hàng, tiền tiêu vặt,... áng chừng được con số cụ thể sẽ rút ra tiền mặt rồi để trong nhà, không để lẫn chung trong tài khoản ngân hàng.

Hai khoản trên chiếm 60% thu nhập.

- Tiền đóng bảo hiểm thì đóng theo năm nhưng chị vẫn chia mỗi tháng cần bỏ ra bao nhiêu thì trích ra chuyển vào tài khoản tiết kiệm của ngân hàng. Như vậy tới kì đóng sẽ không bị dồn gấp, đồng thời tạo thói quen tiết kiệm có kỉ luật: 20%

- 20% thu nhập còn lại chị sẽ phân chia bỏ vào các tài khoản đầu tư như quỹ mở, chứng khoán,... Trước đó thì chị đã dành phần tiết kiệm để bỏ vào quỹ khẩn cấp tương đương 6 tháng chi phí thiết yếu của gia đình. Chị để quỹ này vào tài khoản tiết kiệm của ngân hàng để rút ra bất cứ lúc nào khi cần gấp bởi không quan trọng sinh lời."

Những "bài học đầu đời" về quản lý tài chính cá nhân: Đâu là lúc nhận ra tiết kiệm thực sự rất quan trọng? - Ảnh 3.

Quản lý tốt tài chính cá nhân cũng sẽ giúp bạn kiểm soát tốt các vấn đề trong cuộc sống. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, chị Linh Lê cho biết, tập thói quen chi tiêu vào những thứ thực sự cần thiết sẽ làm cuộc sống hợp lý hơn rất nhiều.

"Lúc trước mình rất hay mua lung tung, thấy giảm giá thì sẽ mua. Nhưng thời gian gần đây, mình đổi sang mua những đồ chất lượng hơn và chỉ mua vừa đủ. Những thứ không quá cần thiết thì mình chỉ dành 1 khoản tiền nhỏ cho nó thôi.

Kể từ lúc tính toán và thiết lập lại các khoản chi, bỗng dưng mình lại thấy cơm nhà vẫn ngon dù chỉ có vài món đơn giản, được nấu từ những nguyên liệu khá rẻ tiền. Hay là việc nếu mua sắm được món đồ mỹ phẩm xịn sò hay vài chiếc túi hàng hiệu, giá chục triệu thì hẳn sẽ rất tốt, nhưng nếu kinh tế không cho phép thì 1 chiếc túi hơn 100 ngàn cũng có thể rất trend và lại dùng được nhiều dịp.

Số tiền tiết kiệm còn lại được chuyển vào khoản tiết kiệm, và như vậy, ước mơ mua nhà lại gần hơn 1 chút rồi." - chị Linh Lê chia sẻ.

* Bài viết ghi lại theo lời chia sẻ của nhân vật

Theo Lam Anh

Cùng chuyên mục
XEM