Những Á quân gây tiếc nuối nhất Olympia: Lấn át cả sự thành công và nổi tiếng so với Quán quân, nhưng đỉnh nhất là thánh mặn năm thứ 10
Trong 20 năm phát sóng Đường lên đỉnh Olympia, không ít lần những Á quân lại nhận được sự quan tâm lấn át cả Nhà vô địch.
Đường lên đỉnh Olympia đã đi qua được 20 năm phát sóng và tìm ra được 20 cái tên xứng đáng nhất bước lên bục vinh quang, nhận lấy giải thưởng 35.000 USD. Không thể phủ nhận một điều, để bước chân vào trận chung kết năm thì ai cũng là những học sinh xuất sắc, có lượng kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Nhưng như thế chưa đủ để tạo nên một Quán quân mà ngoài ra họ có thể còn phải cần nhờ đến sự may mắn.
Đó là điều còn thiếu mà nhiều người về nhì chưa có được trong trận chung kết, và sau 20 năm phát sóng, nhiều lần khán giả vẫn nhớ đến và thầm tiếc nuối cho những Á quân chỉ cách vỏn vẹn người chiến thắng với số điểm rất sít sao. Nhưng đến nay, họ đều có sự nghiệp vững vàng và chứng tỏ được rằng thua trong trận chung kết không có nghĩa là thua những trận đấu khác ngoài đời.
Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (Á quân mùa 5): Nhận bằng tiến sĩ Y học
Trong suốt hành trình 20 năm của mình, có lẽ một trong những trận chung kết Olympia khó quên nhất là ở mùa thừ 5, phát sóng năm 2004. Năm này, người bước lên ngôi vô địch là anh Đỗ Lâm Hoàng, cựu học sinh THPT Gò Vấp, TP.HCM. Người ta vẫn nhớ đến người so kè trực tiếp điểm số với cái tên trên là thí sinh Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (THPT Chuyên Quốc học Huế - Thừa Thiên Huế) khi cả hai đuổi bám nhau không ngừng. Không những vậy, sự kịch tính còn đẩy lên cao khi 2 người còn lại của cuộc đua cũng có khoảng cách chỉ từ 10 đến 20 điểm so với 2 người dẫn đầu.
Ở câu hỏi gần cuối của phần Về đích, Lâm Hoàng đã trả lời khá tự tin, tuy dài dòng nhưng vẫn được MC Minh Vũ chấp nhận. Nhưng Ban cố vấn của chương trình cho rằng câu trả lời chưa đúng và chỉ sau đó, anh bị lấy lại 20 điểm mới được cộng. Lúc này, cả trường quay nín thở vì Thái Bảo chỉ kém đối thủ đúng 10 điểm.
Phương án cho sự cố lần này là Ban tổ chức quyết định thay thế câu hỏi khác để Lâm Hoàng trả lời và nếu có đáp án đúng, nam sinh từ TP.HCM sẽ được hoàn lại 20 điểm vừa mất. Bỏ qua trạng thái tâm lý vì mất bình tĩnh trước nhận xét của Ban cố vấn, anh đã hoàn thành tốt và qua đó lên ngôi vô địch.
Khán giả năm đó đã vô cùng bức xúc vì nếu có sự thống nhất ý kiến từ trước về đáp án thi tất nhiên, người giành vòng nguyệt quế phải là Nguyễn Nguyễn Thái Bảo. Cho đến nay, với những fan ruột của chương trình thì câu chuyện này vẫn được nhớ đến và người ta hay gọi chàng trai xứ Huế với danh xưng "Người về nhì vĩ đại."
Sau khi kết thúc cuộc thi và hoàn thành chương trình phổ thông, Thái Bảo được tuyển thẳng vào Đại học Y dược Huế, sau đó anh tốt nghiệp loại giỏi ngành Bác sĩ Đa khoa và là người chiến thắng trong cuộc thi Rung chuông vàng toàn quốc lần thứ 3. Anh vừa nhận được tấm bằng Tiến sĩ Y học năm 2019 sau thời gian học tập tại Nhật Bản. Hiện anh là giảng viên bộ môn Ngoại - ĐH Y dược Huế.
Đỗ Đức Hiếu (Á quân mùa 10): thi 29 điểm đại học, rẽ hướng sang làm kỹ sư phần mềm
Olympia năm thứ 10 chứng kiến sự lên ngôi của Phan Minh Đức, cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây cũng được xem là năm có trận chung kết đáng xem nhất lịch sử chương trình. Trước câu hỏi cuối cùng trong phần thi Về đích của thí sinh Giang Thanh Tùng, Quán quân cùng người xếp sau đó là Đỗ Đức Hiếu (THPT Lê Lợi, Thanh Hóa) chỉ hơn kém nhau đúng 15 điểm.
Sau khi Thanh Tùng trả lời sai, Minh Đức ngay lập tức nhấn chuông để giành quyền đưa ra đáp án. Với câu hỏi tiếng Anh, câu trả lời đúng của chương trình là "plumber", dù hiểu được nghĩa và đưa ra đáp án, nhưng vì phát âm, nên sau khi hết giờ, MC Tùng Chi đã yêu cầu thí sinh này đánh vần lại các chữ cái. Và cuối cùng, đáp án mà nam sinh trường Ams đưa ra được chấp nhận.
Cộng vào quỹ điểm thêm 30 điểm ngàn vàng, Minh Đức chắc chắn lên ngôi vô địch trong những giây cuối của cuộc thi nhưng kết quả này không làm thỏa mãn khán giả. Nhiều người cho rằng cách phát âm của Nhà tân vô địch là sai vì âm /b/ trong từ plumber là âm câm. Cố vấn tiếng Anh thì lại khẳng định câu trả lời không có vấn đề vì "hầu hết người châu Á đều dễ bị nhầm lẫn như vậy, còn phần đánh vần trong câu hỏi không yêu cầu".
Đặt trường hợp nếu câu trả lời không được MC Tùng Chi chấp nhận, cả 2 thí sinh sẽ đồng điểm 250 và phải phân định chiến thắng bằng câu hỏi phụ. Không ít người cảm thấy tiếc nuối vì kết quả trên được xem là khá thiệt thòi cho chàng trai xứ Thanh.
Sau khi kết thúc hành trình với Olympia, Đức Hiếu thi vào Đại học Ngoại thương và xuất sắc đạt 2 điểm 10 ở môn Toán thuộc 2 khối A và B, trong đó khối A anh có điểm số cao chót vót là 29. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại, anh vào TP.HCM sinh sống và bén duyên với mảng công nghệ thông tin. Từ đó, anh dành 3 năm tự tìm hiểu và học hỏi, giờ đây anh trở thành một lập trình viên cứng nghề của FPT Solfware. Anh hiện làm việc với tư cách là một kỹ sư phần mềm kiêm kiến trúc sư giải pháp trong tập đoàn công nghệ nổi tiếng nói trên.
Thân Ngọc Tĩnh (Á quân mùa 12): Xin học bổng ĐH Swinburne, làm việc tại Singapore
Chàng trai Thân Ngọc Tĩnh (cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM) từng được dự đoán là ứng cử viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch năm thứ 12. Điều đó hoàn toàn có cơ sở khi anh đã thể hiện được sự xuất sắc ngay ở vòng Khởi động với 90 điểm, tạo ra khoảng cách với các đối thủ. Nhưng màn phá chướng ngại của Đặng Thái Hoàng trong phần thi sau đó đã tạo ra bước ngoặt mới của cục diện trận đấu.
Tiếp đó, ở phần thi Tăng tốc, 1 câu hỏi IQ với nội dung "cần bao nhiêu mặt trời để cân thăng bằng" đã mang về lần lượt 40 điểm và 30 điểm cho Lê Phương, Thái Hoàng khi đưa ra đáp án trùng với chương trình là 6. Tuy nhiên khi kết thúc chương trình, nhiều khán giả đã tính toán lại và cho rằng đáp án đúng phải là 17/3. Nếu với kết quả này, hẳn nhiên Thái Hoàng sẽ mất đi 30 điểm đang có, qua đó tổng điểm của anh cũng sẽ thấp hơn Thân Ngọc Tĩnh 10 điểm.
Tuy vậy, giữa làn sóng dữ dội của dư luận, Ban tổ chức vẫn quyết định không thay đổi kết quả và giải thưởng 35.000 USD vẫn thuộc về nam sinh đất Quảng Ninh. Một giả thiết khác được đặt ra, nếu trong cục diện trận đấu, trường hợp đáp án là 6 không được công nhận, có lẽ Thái Hoàng sẽ lựa chọn gói Về đích khác và chưa chắc vòng nguyệt quế hoàn toàn thuộc về Ngọc Tĩnh.
Tuy vậy, đến nay nhiều khán giả hâm mộ vẫn nhắc đến chàng trai có cái tên độc đáo như là một Á quân gây tiếc nuối nhiều nhất. Sau này, anh chàng cũng xuất sắc có được học bổng từ Đại học Swinbunre và theo học ngành Tài chính. Ở nước Úc, Ngọc Tĩnh có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những cựu quán quân bước ra từ chương trình. Được biết, anh từng làm việc cho một công ty về lĩnh vực tài chính tại Singapore.
Nguyễn Hoàng Bách (Á quân mùa 14)
Mùa Olympia thứ 14 xác định ngôi vô địch thuộc về Nguyễn Trọng Nhân, học sinh THPT Chuyên Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang với 260 điểm. Người về nhì chỉ kém anh đúng 20 điểm là Nguyễn Hoàng Bách, học sinh trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM. Không thể phủ nhận sự xuất sắc của chàng trai miền Tây thế nhưng khán giả vẫn không khỏi tiếc cho Hoàng Bách vì trượt cơ hội giành học bổng 35.000 USD.
Phần thi Về đích của anh chàng trường Năng khiếu cũng hay được người hâm mộ nhớ lại vì từng gây tranh cãi về đáp án. Theo đó, với câu hỏi: Vì sao dung dịch nước muối có tính sát trùng? nam sinh 9x trả lời: "Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết".
Sau khi tham khảo ý kiến từ Ban cố vấn, Hoàng Bách không được chấp nhận câu trả lời. Giải thích của chương trình đưa ra như sau: "Dung dịch muối có nồng độ muối lớn hơn nồng độ muối trong tế bào của vi khuẩn. Cho nên, do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào và làm cho nồng độ muối trong tế bào tăng lên, đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn làm cho quá trình nước ngược trở lại tế bào từ vi khuẩn được đẩy ra ngoài".
Sau cuộc thi, nhiều ý kiến từ khán giả cho đến các thầy cô phổ thông cho rằng đáp án mà Hoàng Bách đưa ra là có thể chấp nhận. Sau đó, hàng loạt những tranh cãi vẫn xảy ra về việc ai đúng ai sai. Nhưng cuối cùng kết quả vẫn được giữ nguyên so với lúc ban đầu. Trong trường hợp đoạt được 20 điểm từ câu hỏi trên, nam sinh Sài thành có thể sẽ có cơ hội san bằng tỉ số với Trọng Nhân và nuôi thêm hy vọng đội vòng nguyệt quế.
Nguyễn Hải Đăng (Á quân mùa 19)
Nhớ lại hành trình tìm ra Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm ngoái, ngoài màn bứt phá của Trần Thế Trung (THPT Chuyên Phan Bội Châu), chắc hẳn người khiến khán giả nhớ nhất phải là Nguyễn Hải Đăng (THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa). Cậu bạn 10x này được xem là một trong những Á quân vụt mất cơ hội vô địch đáng tiếc nhất lịch sử.
Thể hiện xuất sắc cùng phong thái thi đấu điềm tĩnh, nam sinh này là người hạ màn phần thi Vượt chướng ngại vật khi tìm ra đáp án sớm. Từ đây, càng thi đấu càng thăng hoa, Hải Đăng liên tục đưa ra những đáp án chính xác và tiếp tục dẫn đầu đoàn leo núi trước khi buớc vào phần thi cuối cùng với 220 điểm.
Những tưởng chiến thắng đã trong tầm tay, nhưng vì những sai lầm không đáng có, cậu bạn từ phố biển đã không hoàn thành tốt phần Về đích của mình, qua đó đánh mất quyền tự quyết. Trước câu hỏi cuối cùng của Thế Trung, cả hai đang bằng điểm nhau là 215, chỉ cần nam sinh Nghệ An trả lời đúng thì chắc chắn không còn cơ hội nào cho Hải Đăng và chàng trai đất Nghệ đã làm được. Người dân Nha Trang đành gác lại giấc mơ lần đầu tiên rinh vòng nguyệt quế về. Tuy thế, cậu bạn chỉ vừa mới hoàn thành chương trình phổ thông và còn nhiều thời gian cũng như những cơ hội khác để chứng minh bản thân.
Ảnh: Sưu tầm