Nhờ tâm lý sính đồ ngoại của người Việt, Việt Nam đang trở thành "mỏ vàng" của chuyển phát nhanh quốc tế

10/10/2017 14:04 PM | Kinh doanh

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế đã và đang hỗ trợ rất nhiều cho người sử dụng. Bạn có thể ngồi trước máy tính và mua một món hàng từ bên kia biên giới.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều người Việt ngày càng chuộng đồ ngoại và họ sẵn sàng chi mức giá cao để mua những món đồ họ thích, kể cả món đồ ấy đang nằm cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ngày càng xuất khẩu hàng hóa qua các nước. Vậy nên, chuyển phát nhanh quốc tế đang là mảnh đất màu mỡ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm nay của cả nước đạt gần 270,91 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 19,3% còn kim ngạch nhập khẩu tăng 22,5%. Giao thương xuyên biên giới tiếp tục sôi động trở thành một liều thuốc trợ lực hiệu quả cho các đơn vị logistics.

Vậy các công ty chuyển phát quốc tế đã vào Việt Nam và có chiến lược như thế nào?

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện chính sách mở cửa hoàn toàn thì rất nhiều các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tham gia khai thác thị trường Việt Nam, trong đó có các công ty chuyển phát nhanh quốc tế nổi tiếng.

Các thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế uy tín lớn nhất thế giới là DHL của Đức, TNT của Hà Lan, FedEx và UPS của Mỹ đã lần lượt tham gia vào thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam và họ đánh giá đây là “mảnh đất tốt” đem lại nhiều lợi nhuận.

Lúc đầu, họ hợp tác với các doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam. Với tiềm lực tài chính và thương hiệu mạnh quốc tế, họ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường.

Sau khi đã có đủ ưu thế, họ dần chiếm lĩnh thị phần và đang tính hướng tách khỏi mô hình liên doanh, hoạt động độc lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, đầu tiên là TNT đã tham gia thị trường Việt Nam bằng cách liên doanh với công ty chuyển phát Viettrans; tiếp đó là DHL liên doanh với VNPT và nắm giữ phần lớn số cổ phần là 51%. Sau khi các tập đoàn này thuận lợi tiến vào thị trường Việt thì 2 tập đoàn lớn của Mỹ là Fedex và UPS cũng tập trung vào Việt Nam. UPS cũng tách ra thành lập Công ty UPS Việt Nam.

Các doanh nghiệp này đầu tư khoản tài chính khá lớn vào Việt Nam và con số đó tăng dần hàng năm vì họ tin rằng, thị trường Việt Nam sẽ đem lại cho họ nhiều lợi nhuận cũng như giúp mở rộng thị trường chuyển phát nhanh.

Không chỉ tập trung mảng vận chuyển quốc tế, các thương hiệu logistics thế giới đang đánh mạnh vào thị trường nội địa.

Cách đây ít ngày, UPS tuyên bố tăng cường dịch vụ tại 10 tỉnh thành trên khắp miền Trung và miền Nam Việt Nam để tận dụng thêm cơ hội và giữ vững vị thế. Cụ thể, thời gian nhận hàng trễ nhất trong ngày (cut-off time) cũng sẽ được kéo dài thêm đến 3 tiếng. Đồng thời, thời gian vận chuyển cho hàng hóa xuất nhập khẩu đến/từ khu vực Châu Á từ hai ngày xuống một ngày, và cho hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu từ ba ngày xuống còn hai ngày.

Theo lãnh đạo của UPS, các doanh nghiệp cung ứng hiện đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ nhu cầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ với số lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn, và giá thành thấp hơn. Với việc kéo dài thời gian nhận hàng trong ngày, rút ngắn thời gian vận chuyển đối với các lô hàng xuất khẩu, khách hàng của công ty có thể gia tăng thời gian sản xuất, giúp xử lý nhiều đơn hàng hơn, mà vẫn đảm bảo quá trình giao hàng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Trước đó, trong năm nay, UPS đã triển khai tăng cường dịch vụ tại 9 tỉnh miền Bắc. Không chỉ thế, công ty này còn tranh thủ dự phần vào hoạt động chuyển phát nội địa tận nhà. Việt Nam là một trong 28 quốc gia được UPS triển khai dịch vụ giao hàng nhanh dành cho gói nhỏ vào sáng sớm đợt mới, sau khi dịch vụ này đã có mặt ở 25 quốc gia.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM