Nhờ công nghệ, tầng lớp trung lưu ở quốc gia châu Phi này có thể làm nông nghiệp mà không phải "chân lấm tay bùn"

28/09/2017 19:39 PM | Công nghệ

Hàng thế kỷ qua, rất nhiều nhà quản lý Nigeria muốn thúc đẩy nền kinh tế nước này phát triển theo một hướng khác, ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn. Và nông nghiệp là một hướng đi phù hợp nhất.

Nhưng sau nhiều năm họ vẫn chưa thể hiện thực hóa ý tưởng này và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ.

Hơn 80% nông dân tại Nigeria là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, sở hữu một lượng đất nông nghiệp khiêm tốn để trồng trọt nuôi gia đình và bán nông sản kiếm sống. Nhưng trong khi chính phủ thất bại, nhờ công nghệ một số nhà đầu tư thuộc tầng lớp trung lưu của Nigeria đã tìm ra cách để vừa thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà vừa kiếm lợi nhuận cho bản thân.

Thay vì mua đất và canh tác, những startup như FarmCrowdy và ThriveAgric khuyến khích những người thuộc tầng lớp trung lưu Nigeria đầu tư từ 200 đến 750 USD cho nông dân trong một mùa vụ và thu về vốn, lợi nhuận.

Với các nhà đầu tư, toàn bộ quá trình này diễn ra trực tuyến. Sau khi đăng ký, họ được cập nhật tình hình qua email và video chi tiết quá trình canh tác trong suốt mùa vụ của nông trại và thời điểm thu hoạch dự kiến. Vào cuối mùa vụ, các nhà đầu tư nhận về vốn cộng với lợi nhuận qua tài khoản ngân hàng. Chẳng cần bất kỳ tương tác vật lý nào giữa nhà đầu tư và nông dân mặc dù họ có thể đi thăm khu đất canh tác mà mình đầu tư nếu muốn.

Với nguồn vốn từ các nhà đầu tư, FarmCrowdy cung cấp hỗ trợ cho mạng lưới 3.500 nông dân, giúp họ mua vật tư và hỗ trợ kỹ thuật để canh tác, chăm sóc và thu hoạch nông sản. Và để đảm bảo nông sản được tiêu thụ nhanh chóng, FarmCrowdy cũng hợp tác với những thương nhân ngay từ đầu mùa thu hoạch và đảm bảo cung ứng đủ so với nhu cầu. FramCrowdy cũng giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để thuê thêm nhiều lao động hơn và canh tác vùng đất rộng lớn hơn.

ThriveAgric cũng vận hành với một mô hình tương tự nhưng có một chút thay đổi. Thay vì cấp vốn cho nông dân canh tác trên đất mà họ có, startup này thuê đất từ cộng đồng sau đó thuê nông dân canh tác dựa trên nhu cầu.

ThriveAgric cũng đảm bảo các đơn hàng để nông sản được tiêu thụ mau chóng ngay sau khi thu hoạch. Kể từ khi ra mắt cách đây 5 tháng tới nay, ThriveAgric đã ký hợp đồng với gần 300 nông dân chủ yếu tại các trang trại ở miền bắc Nigeria.

Với Onyeka Akumah, CEO của FarmCrowdy, mục tiêu của công ty này khá đơn giản. "Có rất nhiều người Nigeria quan tâm tới nống nghiệp nhưng có quá ít hướng dẫn về việc tham gia vào nền kinh tế này. Chúng tôi muốn giáo dục họ về quy trình này theo cách mà họ có thể tham gia".

Akumah tập trung vào việc chuyển các khoản vốn từ tầng lớp trung lưu Nigeria quan tâm tới nông nghiệp tới những người nông dân canh tác quy mô nhỏ mà ông cho rằng đang bị bỏ rơi.

Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2016 tới nay, Akumah chia sẻ rằng FarmCrowdy đã thu hút được hơn 1.000 khoản đầu tư cho các nông trại với tỷ lệ quay trở lại đầu tư lên tới 76%. Thời gian tìm kiếm nông trại cần vốn cho các nhà đầu tư cũng được rút ngắn từ sáu tuần xuống 10 phút. Và theo Uka Eke, đồng sáng lập của FarmCrowdy, từ đầu năm tới nay tỷ lệ nhà đầu tư đã tăng tới 400%.

Để đảm bảo vốn cho các nhà đầu tư, cả ThriveAgric và FarmCrowdy đều bảo vệ các nông trại trong suốt mùa vụ.

Ngoài việc cung cấp cho nông dân khả năng tiếp cận với vốn và đảm bảo việc tiêu thụ nông sản, cả hai startup này còn tập trung vào cải thiện chuỗi giá trị của nông nghiệp bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân thông qua các thiết bị di động và cử các chuyên gia tới thăm nông trại định kỳ. Các chuyên gia sẽ giáo dục nông dân những phương thức canh tác hiện đại giúp tăng năng suất của nông trại và nâng cao chất lượng nông sản.

Nếu hình thức gây vốn cộng đồng cho nông trại trở nên phổ biến có lẽ chính phủ Nigeria sẽ có những động thái để thúc đẩy nó phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, để được công nhận, các startup này cần phải vượt ra ngoài phạm vi mạng internet. "Internet hiệu quả với một cộng đồng nhỏ", Nubi Kayode, một nhà đầu tư góp vốn cho nông dân qua cả hai startup kể trên, chia sẻ. "Để thu hút thêm các nhà đầu tư tại địa phương, các startup này nên có thêm những văn phòng đại diện".

Theo Quartz

Theo Chíp

Cùng chuyên mục
XEM