NHNN “thưởng Tết Dương lịch” riêng cho vài ngân hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu

29/12/2017 09:56 AM | Kinh doanh

Doanh nghiệp xuất khẩu có thể vay được nguồn vốn giá rẻ thêm 1 năm nữa trong khi các ngân hàng có hoạt động cho vay ngoại tệ tỷ trọng lớn đang "mở cờ trong bụng".

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức sửa đổi thông tư số 25/2015 về quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Theo đó, thông tư 18/2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, vừa ra đời cho phép hoạt động cho vay ngoại tệ của các ngân hàng với doanh nghiệp xuất khẩu thêm 1 năm nữa, đến cuối năm 2018.

Như vậy đây là lần thứ 2 quy định về cho vay ngoại tệ được gia hạn. Giờ này năm ngoái, thông tư 24 đã sửa đổi một lần bằng thông tư 31/2016, với nội dung rằng hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ trong hệ thống NH sẽ chuyển sang mua - bán thương mại đơn thuần sau ngày 31/12/2017.

Nhưng xét về lịch sử quy định cho vay ngoại tệ thì đây là lần thứ 6 NHNN gia hạn quy định cho phép cho vay bằng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng kể từ khi Thông tư đầu tiên quy định về cho vay bằng ngoại tệ là Thông tư 37/2012/TT-NHNN được ban hành vào ngày 28/12/2012.

Món quà riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu

Theo lý giải của NHNN, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội và họa động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, trong đó có đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu, vì vậy thông tư được sửa đổi để góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020. Định hướng chung và lâu dài vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng khá ổn định, phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm, tùy kỳ hạn. Trong khi đó lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6,8 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn.

Với sự chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, doanh nghiệp được vay ngoại tệ sẽ được hưởng lợi lớn hơn. Bởi lẽ họ có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp rồi bán lấy tiền đồng để mua các nguyên liệu trong nước, máy móc thiết bị, sau đó, doanh nghiệp lại xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ để trả nợ ngân hàng.

Không chỉ được lợi về chênh lệch lãi suất mà với chính sách tỷ giá linh hoạt, ổn định như hiện nay, cùng với kho dự trữ ngoại hối khổng lồ hơn 51,5 tỷ đồng để NHNN điều hành can thiệp thị trường khi cần thiết để chống đỡ bất cứ cú sốc nào từ bên ngoài, thì các doanh nghiệp lại càng được lợi hơn nữa.

Nhờ có được nguồn vốn giá rẻ với lãi suất thấp hơn đáng kể, doanh nghiệp xuất khẩu có thể giảm chi phí giá thành sản phẩm, qua đó tăng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu. Và thực tế trong năm 2017, dòng vốn này có quy mô khá lớn, ước tính khoảng hơn 500 nghìn tỷ đồng, đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kích thích xuất khẩu, và góp phần quan trọng trong con số xuất siêu hơn 2,72 tỷ USD của nền kinh tế tính đến thời điểm giữa tháng 12

Quà cho cả ngân hàng

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng ngoại tệ tính đến tháng 11/2017 đã tăng mạnh, ước tăng 12,3% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 5,8%. Tỷ trọng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 11/2017 đã chiếm khoảng 8,2% tổng tín dụng, tương đương khoảng hơn 500 nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia đánh giá, việc cho vay bằng ngoại tệ tăng trở lại phần nào phản ánh quan điểm nới lỏng hơn từ phía Chính phủ trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đã được tái cấu trúc tốt hơn nhiều và tỷ giá cũng đang được duy trì ổn định. Diễn biến này cũng phản ánh nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và thực tế cho thấy hiện các doanh nghiệp cũng chưa áp dụng nhiều các hợp đồng kỳ hạn hoặc tương lai.

Và việc gia hạn cho vay ngoại tệ là thông tin tốt đối với các ngân hàng đang có tỷ trọng cho vay bằng USD tương đối lớn, hơn nhiều ngân hàng khác trong hệ thống, như Vietcombank hay Eximbank. Đây đồng thời cũng là tin tốt với các ngân hàng có tỷ lệ huy động trên cho vay USD lớn trong hệ thống như BIDV, VietinBank, Sacombank hay là VIB. Nhờ việc cho vay ngoại tệ tiếp tục được gia hạn, các ngân hàng - vốn đang huy động USD lãi suất 0% nhưng cho vay rẻ nhất là 2,8%/năm, cao nhất là 6%/năm - sẽ càng có thêm cơ hội kiếm lợi nhuận từ nguồn tiền này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng NHNN nên kiên định hơn với chính sách cho vay ngoại tệ nói riêng và các chính sách khác nói chung, để tránh sự mong chờ, tâm lý ỷ lại vào những sự gia hạn, hay sửa đổi về chính sách, để có thể chủ động hơn với mọi biến động, và như thế mới có thể hội nhập được với thị trường quốc tế.

Riêng với chính sách cho vay ngoại tệ, ngay cả khi NHNN dừng lại lúc này cũng sẽ không gây khó khăn cho thị trường, bởi với mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục hơn 50 tỷ USD, cùng với việc điều hành thị trường phù hợp theo cung cầu USD hàng ngày đã khiến cho các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong việc cung ứng USD cho thị trường, còn các doanh nghiệp cũng không khó khăn gì trong việc tiếp cận nguồn ngoại tệ từ các ngân hàng, đặc biệt những nhà băng có chính sách bán USD khá cởi mở (trong quy định) như Vietcombank, BIDV, Maritime Bank, Eximbank…

Theo Ngọc Toàn

Cùng chuyên mục
XEM