NHNN lý giải chậm giải ngân gói 100.000 tỷ: DN chưa dám vay vì không biết mình có phải 'DN nông nghiệp công nghệ cao' hay không

04/08/2017 13:14 PM | Kinh tế vĩ mô

Chính sách đi nhanh nhưng những quy định, luật lệ hỗ trợ thì chưa đi nhanh bằng.

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch chính là một chủ trương rất lớn của Chính phủ nhiệm kỳ này. Điều đó được liên tục khẳng định trong các Đại hội của Đảng, đặc biệt là Đại hội 11, 12, khi mà Chính phủ đã nhắc đến chính sách tích tụ đất đai – chìa khóa để nông nghiệp bớt manh mún và có thể ứng dụng được công nghệ cao vào.

Đặc biệt, Chính phủ đã cho ra đời một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, sau nhiều tháng thì tổng dư nợ vay theo chương trình này tại các Ngân hàng thương mại mới chỉ vào khoảng 32.000 tỷ đồng.

Điều này đã làm nhiều người phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả cũng như những vướng mắc hành chính liên quan đến gói tín dụng này. Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có câu trả lời chính thức cho vấn đề này.

Gói 100.000 tỷ: Tiền nhiều nhưng doanh nghiệp, ngân hàng vẫn 'loay hoay không biết làm thế nào'

Theo bà Hồng thì trước tiên, tinh thần quyết làm theo chủ trương của Chính phủ về nông nghiệp công nghệ cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là rất cao.

Bà Hổng cho biết ngay sau Nghị quyết 30 của Chính phủ thì NHNN cũng đã ban hành Quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển công nghệ cao. Liền sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị nguồn vốn để chuẩn bị cho vay theo chương trình này.

NHNN lý giải chậm giải ngân gói 100.000 tỷ: DN chưa dám vay vì không biết mình có phải DN nông nghiệp công nghệ cao hay không - Ảnh 1.

Buổi họp báo Chính phủ tháng 7

Thế nhưng dường như sự chuẩn bị này vẫn là chưa đủ. Cho đến lúc này, các Ngân hàng thương mại phản ánh thực trạng nhiều khách hàng dù muốn vay nhưng vẫn chưa nộp hồ sơ vay vốn. Lý do là vì họ cần thời gian để nghiên cứu những tiêu chí của gói vay rất mới này, ví dụ như đối chiếu xem liệu chính mình có thuộc vào nhóm doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay không?

Còn đối với những công ty, tập đoàn lớn đã và đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì đều là những 'gã khổng lồ' và vẫn chưa phát sinh nhu cầu vay tiền. Còn về phía chính những người cầm tiền cho vay, do đây là chương trình rất mới, Ngân hàng vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện những văn bản hướng dẫn.

Chính sách đi nhanh nhưng quy định, luật lệ hỗ trợ thì không đi nhanh bằng

Chính sách đi nhanh nhưng những quy định, luật lệ hỗ trợ thì chưa đi nhanh bằng chính là nguyên nhân làm chính sách về gói tín dụng 100.000 tỷ vẫn chưa đạt hiệu quả cao nhất.

Qua lời Phó Thống Đốc Nguyễn Thị Hồng và cả Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, những khó khăn khi triển khai gói 100.000 tỷ dần dần hiện ra.

 Trước hết, đó là “số lượng các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì vẫn rất hạn chế”, theo lời bà Hồng.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không biết mình có thuộc vào nhóm ‘doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao’ hay không? Muốn đối chiếu thì phải nhìn tiêu chí và phải đi hỏi. Thế nhưng, câu hỏi lại là tiêu chí nào và đi hỏi ai? Hậu quả cuối cùng là cung cầu tín dụng đã không gặp được nhau và chỉ ngành nông nghiệp đang chờ ngày được đổi mới chịu thiệt.

Khó khăn thứ hai, theo vị Phó Thống đốc là “người dân và doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất nông nghiệp, từ đó chưa thể làm được thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo vốn vay tại ngân hàng”

Về điểm này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ngay tại buổi họp báo đã nhắc đến cách xử lý của Hả Nam, Thái Bình. Hai tỉnh này đã thí điểm việc đại diện Nhà nước đứng lên thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại chính đất mà Nhà nước đã thuê của dân.

Chính phủ thấy đấy là cách làm tốt và sẽ xem xét để nhân rộng. Hiện, Chính phủ đang yêu cầu các Bộ, ngành báo cáo các ý kiến, sau đó tập hợp lại để có chủ trương lớn giải quyết triệt để vấn đề này.

NHNN lý giải chậm giải ngân gói 100.000 tỷ: DN chưa dám vay vì không biết mình có phải DN nông nghiệp công nghệ cao hay không - Ảnh 2.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Cùng với đó, những thay đổi trong các quy định hiện tại cũng hứa hẹn sẽ xảy ra, theo lời ông Dũng.

“Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp xây dựng các tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất với Chính phủ sửa các Thông tư liên quan đến tài sản đầu tư trên đất thuê, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Có thể thấy, Chính phủ đang rất nỗ lực để đưa gói 100.000 tỷ ‘vào đời sống’ càng nhanh càng tốt.

Điều tiếp theo mà Ngân hàng Nhà nước lo ngại được bà Hồng nêu ra là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao chưa ổn định. Điều này làm cho chính doanh nghiệp vẫn còn ít đầu tư sản xuất những hàng hóa này, cũng như các ngân hàng cũng có phần ‘ngại’ cho vay.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã ‘trấn an’ khi khẳng định trong thời gian qua, “Bộ Nông nghiệp đã rất tích cực tìm kiếm thị trường để doanh nghiệp đưa được sản phẩm nông nghiệp ra nước ngoài”

“Ngay cả chuyến Thủ tướng đi thăm Hoa Kỳ vừa qua thì cũng đã có sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được đồng ý xuất khẩu sang Mỹ. Hàng hóa của ta cũng được xuất sang Châu Âu như Đức, Hà Lan. Đây là tín hiệu thị trường rất tốt” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cuối cùng, nhìn từ nghiệp vụ ngân hàng thì với bất kỳ khoản vay có rủi ro cao nào thì đều cần những biện pháp phòng ngừa rủi ro tương ứng, ví dụ như tài sản đảm bảo hoặc sổ tiết kiệm, tài khoản lương để đảm bảo chẳng hạn.

Đối với cho vay nông nghiệp công nghệ cao, rủi ro là rất lớn. Tuy nhiên, theo bà Hồng thì “những công cụ phòng ngừa, cũng như chưa những chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp vẫn chưa được triển khai rộng rãi”. Chính điều này một lần nữa khiến ngân hàng ngại mang tiền cho vay, vì hậu quả của việc cho vay có thể tác động lên chính tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM