Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ

31/12/2020 16:00 PM | Xã hội

Thiên nga đen COVID-19 - một sự kiện chưa từng có tiền lệ, khó đoán và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.

1. COVID-19 - Thảm hoạ của nền kinh tế toàn cầu

Thiên nga đen COVID-19 - một sự kiện chưa từng có tiền lệ, khó đoán và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đại dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề gấp bốn lần so với những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây ra.

Mức ảnh hưởng được đánh giá là "chưa từng có tiền lệ" với sự phát triển kinh tế trong quý II/2020 tại hầu hết mọi quốc gia. Trong đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ - nền kinh tế đứng đầu thế giới giảm hơn 9%. Lần đầu tiên hàng chục nền kinh tế đồng loạt rơi vào suy thoái, thậm chí là suy thoái ở mức 2 con số. Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Singapore,… Danh sách này vẫn đang tiếp tục được nối dài.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất được dự báo đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, dù đây chính là ổ dịch khơi nguồn cho làn sóng thất nghiệp và phá sản trên toàn cầu.

7.000 tỷ USD là mức thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu nếu GDP toàn cầu giảm 4,5% trong năm nay. Dù chưa phải là tính toán cuối cùng, song con số này cũng phần nào tái hiện một thảm hoạ kinh tế toàn cầu trong năm 2020.

2. Những gói cứu trợ lớn chưa từng có

Các quốc gia đồng loạt tung ra hàng loạt các gói kích thích kinh tế mới cùng nhiều biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp để giải cứu nền kinh tế lao đao vì dịch COVID-19.

Hồi tháng 3, Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích 2,3 nghìn tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ký ban hành gói cứu trợ thứ 2 trị giá 900 tỷ USD.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tuyên bố tăng quy mô chương trình kích cầu lên tổng cộng 2,24 nghìn tỷ USD. Lãnh đạo 27 nước thành viên EU đạt được thỏa thuận về gói phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ Euro, tương đương 2.190 tỷ USD nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội trong đại dịch.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chia sẻ với các phóng viên về gói hỗ trợ kinh tế mới (Nguồn: Reuters)

Gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hơn 700 tỷ USD cũng vừa được chính phủ Nhật Bản công bố giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Tuy nhiên, việc tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế mà không tính hết những tác dụng phụ, lại đang đẩy nhiều nước vào tình thế khó khăn mới: mức nợ kỷ lục. Theo số liệu mới nhất từ Viện Tài chính Quốc tế (IFF), COVID-19 đã đẩy nợ toàn cầu lên mức kỷ lục 272 nghìn tỷ USD trong quý III/2020.

3. Một năm "rung lắc" mạnh của thị trường dầu và vàng

Sự suy yếu của đồng bạc xanh và các chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu khiến các nhà đầu tư đổ xô vào vàng. Việc coi vàng là nơi trú ẩn an toàn khiến giá của kim loại quý này hồi tháng 8 đã vượt mốc 2.000 USD/ounce.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 2.

Giá vàng hồi tháng 8 đã vượt mốc 2.000 USD/ounce (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, thị trường này đã bị giáng một đòn nặng nề bởi đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ. Sau khoảng thời gian mua vàng đều đặn, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới – SPDR Gold Trust đã bán ra 17 tấn vàng chỉ sau một tuần. Bất chấp những "rung lắc" của thị trường vàng, một số chuyên gia vẫn nhận định, giá vàng vẫn có khả năng quay lại mức 2.000 USD/ounce trong quý I/2021.

Trái ngược với vàng, năm 2020 được coi là năm đen tối nhất đối với thị trường dầu khi có thời điểm vàng đen lao dốc xuống mức - 40 USD/thùng. Các lệnh phong toả và hạn chế nghiêm ngặt khiến nhu cầu đi lại trên toàn cầu "bốc hơi", kéo theo sự sụp đổ của giá vàng. Người bán thậm chí phải trả tiền để người mua lấy dầu trong bối cảnh lượng dầu sản xuất "quá sức" chịu đựng của thị trường, dẫn đến tình cảnh vừa thiếu người mua vừa thiếu kho chứa.

4. 2020 - Năm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các giao dịch trực tuyến

Theo nhận định của các chuyên gia, các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Mỹ đang tận dụng đà tăng của thị trường chứng khoán hiệu quả hơn so với giới đầu tư chuyên nghiệp. Theo Reuters, các nền tảng giao dịch trực tuyến đã ghi nhận lượng nhà đầu tư cá nhân sử dụng tăng kỷ lục kể từ khi Covid-19 tàn phá thị trường hồi tháng 3.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 3.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Mỹ đang tận dụng đà tăng của thị trường chứng khoán hiệu quả (Nguồn: Reuters)

Việc lãi suất tiến về mức cận 0 đã thúc đẩy một lượng lớn các nhà đầu tư "bị mắc kẹt ở nhà" thử sức trên Phố Wall. Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường chọn những cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch, như Amazon, nhà sản xuất xe điện Tesla và Nio, cùng các hãng dược phẩm hứa hẹn trong quá trình phát triển vaccine Covid-19.

Không chỉ ở Mỹ, mà ngay tại Hàn Quốc, các nhà đầu tư cá nhân cũng cầm đầu làn sóng tăng giá vượt trội của thị trường chứng khoán. Theo dữ liệu từ Korea Exchange, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 9, các nhà đầu tư giao dịch trong ngày chiếm tới 87,5% tổng giá trị giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, làn sóng nhà đầu tư đổ xô vào các cổ phiếu giá trị cao, tăng trưởng nhanh đang làm dấy lên những lo ngại về bong bóng dotcom như hồi năm 2000.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 4.

Robinhood - ứng dụng giao dịch trực tuyến thu hút các nhà đầu tư trẻ tuổi (Nguồn: Reuters)

Robinhood - ứng dụng giao dịch trực tuyến thu hút các nhà đầu tư trẻ tuổi "tay mơ" cũng được coi là "hiện tượng" trong năm 2020. Tuy nhiên, cơn sốt này lại để lại những hậu quả khá lớn khi các nhà đầu tư trẻ không hiểu vì sao tiền "không cánh mà bay".

5. Năm thách thức của ngành công nghiệp bán lẻ

Ngành bán lẻ toàn cầu trong năm 2020 không chỉ chịu sức ép từ dịch COVID-19. Xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi khiến một loạt các ông lớn của ngành công nghiệp bán lẻ như công ty mẹ của Topshop, Neiman Marcus hay JC Penney,… phải đệ đơn phá sản.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 5.

Gần 100.000 cửa hàng được dự báo sẽ phải đóng cửa trong vòng 5 năm tới do dịch COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Hơn 2 triệu việc làm bị mất hồi tháng 4 do các lệnh phong toả. Gần 100.000 cửa hàng được dự báo sẽ phải đóng cửa trong vòng 5 năm tới, hơn gấp 3 con số trong khủng hoảng tài chính trước đây.

Sự trỗi dậy của Amazon và mua sắm online cũng ăn mòn lợi nhuận các hãng bán lẻ. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong Ngày thứ Sáu đen năm nay, khi mà "đặc sản" chen lấn của những năm trước đã không xảy ra. Người ta sẽ chỉ nhớ đến Black Friday năm nay gắn liền với những chiếc khẩu trang, nước rửa tay, miếng chắn giọt bắn; cùng doanh thu khổng lồ mà những ông lớn trực tuyến như Walmart hay Target tiết lộ.

6. Xu hướng làm việc từ xa

Xu hướng làm việc tại nhà, làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh một loạt các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google hay Twitter đi tiên phong trong làn sóng chuyển đổi môi trường làm việc, thậm chí là vĩnh viễn.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 6.

Zoom hưởng lợi từ COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Dĩ nhiên, những nền tảng gọi video trực tuyến, điển hình như Zoom, sẽ là những cái tên được hưởng lợi. Hồi đầu tháng 9, giá cổ phiếu của Zoom thậm chí đã tăng hơn 22% sau khi công ty này công bố mức doanh thu vượt kỳ vọng, còn lượng người dùng tăng gấp 4 lần. Thế nhưng, sự tăng trưởng phi mã chỉ trong thời gian ngắn khiến Zoom đứng trước nhiều tranh cãi về vấn đề bảo mật.

Sự lên ngôi của xu hướng làm việc từ xa khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu thời kỳ suy thoái của hạ tầng văn phòng truyền thống có đang thực sự diễn ra. Mặc dù, theo một số chuyên gia, làm việc từ xa có thể không phải giải pháp an toàn và tối ưu nhất cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm hay vận chuyển, song những cơ hội và lợi ích khổng lồ mà xu hướng mới này tạo ra là khó có thể phủ nhận.

7. Cổ phiếu công nghệ thắng đậm

Cổ phiếu công nghệ là một kênh đầu tư đắt giá trong năm nay, khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy các xu hướng làm việc từ xa và mua sắm online. FANG là nhóm cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng mạnh ở Mỹ, gồm cổ phiếu của Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 7.

Netflix hưởng lợi lớn từ đại dịch (Nguồn: Reuters)

Trong năm 2020, các cổ phiếu ngành công nghệ Mỹ đã tăng hơn 40%, gấp gần 3 lần chỉ số S&P 500. Đà tăng được chú ý nhất phải kể đến hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk. Tính đến nay, cổ phiếu của tập đoàn này đã tăng hơn 490%.

Tuy nhiên, màn leo dốc phi mã của các fintech không thể tránh khỏi sự dò xét từ phía các cơ quan quản lý. 2020 đánh dấu một năm các đại gia công nghệ phải chịu sức ép lớn từ phía giới chức do lo sợ rằng, quy mô hoạt động "phình to" của những tập đoàn này sẽ phá vỡ hệ thống tài chính.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 8.

Ant Group - "nạn nhân" điển hình cho làn sóng kiểm soát mạnh mẽ từ giới chức Trung Quốc đại lục (Nguồn: Reuters)

Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chính thức công bố hai dự thảo luật là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) nhắm vào những "gã khổng lồ" công nghệ như Google, Amazon và Facebook. Ant Group - tập đoàn công nghệ được tỷ phú Jack Ma chống lưng cũng là "nạn nhân" điển hình cho làn sóng kiểm soát mạnh mẽ từ giới chức Trung Quốc đại lục.

8. Cuộc đua vaccine COVID-19 - Cơ hội cho các hãng dược toàn cầu

Cuộc chạy đua phát triển vaccine COVID-19 đang trong giai đoạn nước rút khi một loạt các hãng dược trên toàn cầu tuyên bố vaccine của họ cho hiệu quả rất cao, thậm chí lên tới 95%.

Tuyên bố trên tạo đà cho một loạt các cổ phiếu dược bứt tốc leo dốc. Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của công ty dược BionTech đã tăng gần 300% giá trị, đẩy mức vốn hóa của họ lên gần 30 tỷ USD. Cổ phiếu của Moderna cũng ghi nhận mức tăng gần 700% giá trị trong năm nay, với khoảng một nửa vốn hóa của công ty được ước tính gắn liền với vaccine.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 9.

Cuộc chạy đua cạnh tranh này giúp giá vaccine được dự báo sẽ hạ nhiệt (Nguồn: Reuters)

Theo kênh CNN (Mỹ), các nhà phân tích Phố Wall dự báo hãng dược phẩm Pfizer và Moderna sẽ thu về 32 tỷ USD từ vaccine COVID-19 chỉ trong năm tới. Tuy nhiên, cuộc chạy đua cạnh tranh này giúp giá vaccine được dự báo sẽ hạ nhiệt. Người dùng nghiễm nhiên được hưởng lợi.

9. Thoả thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu tại một số quốc gia, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 10.

RCEP được xem là dấu ấn nhiệm kỳ trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 (Nguồn: Reuters)

Đây được coi là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có giữa các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị liên quan. Một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu.

RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khuôn khổ thương mại tự do khổng lồ, giúp thúc đẩy tăng trưởng của các nước thành viên sau đại dịch COVID-19. Đây được xem là 1 dấu ấn nhiệm kỳ trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.

10. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với nhiều con số kỷ lục

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 được đánh giá là cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden.

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế quốc tế năm 2020: COVID-19 và những điều chưa có tiền lệ - Ảnh 11.

Ông Joe Biden ăn mừng chiến thắng tại quê nhà (Nguồn: Reuters)

Theo tổ chức chuyên theo dõi chi tiêu tranh cử và vận động chính sách tại Mỹ CRP, cuộc đua vào Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện năm nay sẽ tốn gần 14 tỷ USD - vượt xa kỷ lục hồi năm 2016.

Công ty theo dõi quảng cáo Advertising Analytics cho biết, chỉ tính riêng chiến dịch quảng cáo trên truyền hình của hai ứng cử viên năm nay đã tiêu tốn 1,8 tỷ USD , trong khi tổng chi phí cho chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 chỉ vỏn vẹn 2,4 tỷ USD.

Những diễn biến khó đoán của cuộc bầu cử năm nay đã tác động lớn tới thị trường chứng khoán toàn cầu khi các ngân hàng chuẩn bị cho khối lượng giao dịch tăng đột biến còn giới đầu tư thì cố gắng chốt lời trước thềm bầu cử. Chứng khoán Phố Wall theo đó đã chứng kiến đợt bán tháo hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Ba.

Huệ Anh

Cùng chuyên mục
XEM