Nhìn chuyện nút thắt chính sách nông nghiệp để hiểu tại sao Chính phủ quyết liệt mở rộng hạn điền đến vậy

19/04/2017 12:24 PM | Kinh tế vĩ mô

Câu chuyện tích tụ ruộng đất của vua chuối Võ Quan Huy ở Long An được xem là điển hình về nhu cầu cởi trói trong sản xuất nông nghiệp.

Đầu tư quy mô lớn sẽ đem lại hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản phẩm đúng cho tất cả mọi ngành kinh tế và đặc biệt trong ngành nông nghiệp. Muốn đầu tư lớn thì điều kiện tiên quyết là phải tích tụ được đất đai. Ngay trong buổi làm việc đầu xuân năm nay tại Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định Việt Nam phải chuyển từ nền nông nghiệp cởi trói sang nền nông nghiệp kiến tạo.

Để giải bài toán nông nghiệp cần 2 vế gồm: Có sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp và mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp.

Hiện nay hạn điền đang trói buộc nền nông nghiệp ra sao? Theo điều 129, Luật đất đai 2013 có quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp như sau:

1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:

a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;

b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

3. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:

a) Đất rừng phòng hộ;

b) Đất rừng sản xuất.

4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.

5. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

6. Hạn mức giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng cho mỗi hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

7. Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân.

Cơ quan quản lý đất đai nơi đã giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hộ gia đình, cá nhân đó đăng ký hộ khẩu thường trú để tính hạn mức giao đất nông nghiệp.

8. Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều này.

[A Tùng] Nhìn chuyện nút thắt chính sách trói buộc nông nghiệp để hiểu tại sao Chính phủ quyết liệt mở rộng hạn điền đến vậy - Ảnh 1.

Vua chuối Võ Quan Huy.

Câu chuyện tích tụ ruộng đất của vua chuối Võ Quan Huy ở Long An được xem là điển hình về nhu cầu cởi trói trong sản xuất nông nghiệp. Ông còn được biết đến với tên ông Huy Chuối. Ông Huy Chuối được mệnh danh là người sử dụng nhiều đất nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện ông có 240 ha trồng cuối, cây ăn trái và nuôi bò ở Đức Huệ, Long An; 120 ha nuôi tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng; 80 ha chuối ở Tây Ninh; 80 ha cao su và bưởi da xanh ở Tân Uyên, Bình Dương; 350 ha trồng chè và chuối ở Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Ông Huy đã phải lách luật để có thể quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hơn 1.000 ha ở các địa phương. Mọi thành viên trong gia đình, họ hàng thân thiết đều được ông huy động đứng tên sở hữu đất sau đó ủy quyền lại cho ông sử dụng. Trong cuộc trò chuyện với VTV, ông Huy tự nhận mình là người "vừa ăn cướp vừa la làng", vừa vi phạm chính sách vừa kêu nài chính sách.

Quy trình trồng chuối ở vườn của ông Huy có nhiều ưu điểm mà chưa trang trại chuối nào ở Việt Nam có được: Hệ thống ròng rọc để vận chuyển chuối từ khu vực trồng về nhà xưởng, quy trình sản xuất khép kín từ dấm đến chăm sóc cho đến đưa vào bảo quản tại kho lạnh trong nhà xưởng.

Công ty của ông Huy cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đưa được chuối có thương hiệu Fohla sang thị trường khó tính Nhật Bản với mức 2-3 container chuối tươi mỗi tuần. Theo ông Huy chia sẻ, trước khi ký hợp đồng mua chuối, phía Nhật cử người đển kiểm tra độ an toàn, lấy mẫu sản phẩm, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản để kiểm tra đến 230 chỉ tiêu sinh lý- hóa sinh nhẳm đảm bảo trái chuối đạt tiêu chuẩn sạch- đẹp- ngon.

Theo ông Huy để sản xuất chuối hàng hóa hướng đến xuất khẩu thì quỹ đất tối thiểu phải có là từ 100ha trở lên. "Tôi có một kiến nghị những người làm chính sách hãy xuống làm nông dân thì biết khó như thế nào. Khi đó người ta sẽ cân được hàm lượng của nhà quản lý và hàm lượng của nhà sản xuất ở đâu, chỗ nào bao nhiêu,..", ông Huy trả lời phỏng vấn trong phóng sự do VTV thực hiện.

Ông Huy đang âm thầm xây dựng một khái niệm mới về nông thôn trù phú: Phải là nơi có những vùng chuyên canh đủ lớn để tạo ra công ăn việc làm cho con em của nông dân lớn lên và con cháu của họ sau này. Có thể đó là khái niệm của riêng ông nhưng trong vùng này, bà con đã không còn phải ly nông, ly hương, ở đó chỉ còn nụ cười và tương lai con em của họ.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM