Nhiều ‘ông lớn’ ngành xăng dầu, khí đốt 'ăn nên làm ra', vượt kế hoạch doanh thu

28/12/2022 13:48 PM | Kinh doanh

Không chỉ ‘ông lớn’ trong ngành khí, các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu Việt Nam cũng ghi nhận mức doanh thu tăng cao kỷ lục, về đích sớm chỉ tiêu doanh thu khi giá năng lượng năm 2022 đã có nhiều thời điểm tăng đột biến.

Nhiều ‘ông lớn’ ngành xăng dầu, khí đốt ăn nên làm ra, vượt kế hoạch doanh thu - Ảnh 1.

"Ông lớn" trong ngành năng lương Việt Nam là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) lần đầu tiên ghi nhận doanh thu hợp nhất vượt mốc 100.000 tỉ đồng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Một trong số các "ông lớn" quốc doanh ngành xăng dầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) lần đầu tiên ghi nhận doanh thu hợp nhất vượt mốc 100.000 tỉ đồng. Lãnh đạo PV Oil cho biết doanh nghiệp này đã tranh thủ tốt cơ hội thị trường và có sự tăng trưởng đột biến về sản lượng kinh doanh kể từ trước đến nay, đạt 4 triệu m³ xăng dầu các loại, hoàn thành 127% kế hoạch năm và tăng trưởng 27% so với thực hiện năm 2021.

Theo đó, doanh nghiệp này có doanh thu hợp nhất vượt 100.000 tỉ đồng, hoàn thành 223% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 763 tỉ đồng, hoàn thành 153% kế hoạch năm.

Trong khi đó, hiện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chưa công bố các thông số về doanh thu và lợi nhuận 2022, song thành viên của tập đoàn này là Petrolimex Sài Gòn đã công bố "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" 2022. Trong đó, sản lượng xăng dầu nhập xuất qua kho vượt mức kỷ lục, đạt hơn 6 triệu m³/tấn.

Ngoài ra, lãnh đạo Petrolimex Sài Gòn cũng cho hay sản lượng qua các kênh đều tăng trưởng cao và vượt kế hoạch, kênh xuất bán trực tiếp đạt gần 1,5 triệu m³/tấn, kênh bán lẻ đạt hơn 517.000 m³, đạt 123% kế hoạch và tăng 162% so với cùng kỳ. Các số liệu về doanh thu và lợi nhuận hiện chưa được Petrolimex Sài Gòn tiết lộ.

Năm 2022 cũng là năm kỷ lục của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) khi cả doanh thu lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp này đều "đạt đỉnh". Ông Hoàng Văn Quang - tổng giám đốc PV Gas - cho biết doanh nghiệp này đã về đích trước 2 - 6 tháng các chỉ tiêu tài chính trong năm 2022. 

Cụ thể, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt trên 100.000 tỉ đồng, bằng 125% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 16.600 tỉ đồng, bằng 189% kế hoạch, tăng 49% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt trên 13.300 tỉ đồng, bằng 189% kế hoạch, tăng 51% so với năm 2021.

Theo ông Quang, với mức doanh thu lớn, doanh nghiệp này cũng nộp ngân sách nhà nước trên 7.200 tỉ đồng, bằng 177% kế hoạch.

Trong khi đó, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cũng cho biết doanh nghiệp này đã vượt kế hoạch đến 5 tháng về chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách khi tổng doanh thu đạt 44.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 26.900 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 14.750 tỉ đồng và nộp ngân sách 21.360 tỉ đồng.

Ngay cả với doanh nghiệp phụ trợ trong ngành này là Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí về đích trước 3 tháng các chỉ tiêu, trong đó doanh thu ước đạt 9.150 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.094 tỉ đồng, lần lượt vượt 41% và 128% kế hoạch năm. So với năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp này tăng 23% và lợi nhuận sau thuế tăng 31%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành khí đốt cho biết trong năm 2022, do giá năng lượng tăng cao, trong đó khí đốt đã có những thời điểm tăng kỷ lục khiến cho các doanh nghiệp trong ngành này đạt lợi nhuận cao. Theo vị này, không chỉ các doanh nghiệp năng lượng lớn trên thế giới, các công ty cung cấp khí tại Việt Nam cũng đạt được mức lợi nhuận kỷ lục.

Ngoài ra, vị này cho biết mặc dù các doanh nghiệp năng lượng có mức doanh thu tăng kỷ lục nhưng mức lợi nhuận cũng khó tương ứng bởi thời gian qua giá năng lượng tăng, chi phí giá vốn của doanh nghiệp cũng đội lên cao so với các năm trước.

Năm 2023: "Ông lớn" xăng dầu sẽ có thêm thị phần?

Trong báo cáo phân tích ngành dầu khí của VNDirect, đơn vị này dự báo giá dầu trung bình năm 2023 đạt 90 USD/thùng, trong khi nhu cầu dầu thô toàn cầu giảm tốc.

Đối với doanh nghiệp phân phối xăng dầu, VNDirect dự báo các doanh nghiệp sẽ có năm 2023 tích cực hơn, tiềm năng phục hồi mạnh của các doanh nghiệp phân phối lớn (từ mức nền thấp năm 2022) nhờ giá dầu thế giới dự kiến ổn định, tăng tỉ trọng nguồn cung nội địa, chi phí định mức được điều chỉnh sát với thị trường và đặc biệt nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép 5,5% giai đoạn 2022 - 2030...

Đáng chú ý, VNDirect cũng cho rằng các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex, PV Oil có thể có thêm thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng bị loại khỏi thị trường sau năm 2022 đầy khó khăn.

Theo Ngọc Hiển

Cùng chuyên mục
XEM