Nhiều nhà máy xử lý rác bị ngân hàng siết nợ

09/11/2021 09:45 AM | Xã hội

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy rác nhưng chậm tiến độ, không đạt công suất hoạt động và không thể tiếp tục vận hành, nhiều công ty bị ngân hàng siết nợ.

VietinBank chi nhánh Phú Quốc mới đây đã thông báo về việc xử lý khoản nợ của Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu).

Ngân hàng cho biết, Công ty Toàn Cầu đã vay vốn VietinBank để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện rác tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với diện tích 104.853,6 m2, công suất dự kiến 200 tấn rác/ngày theo công nghệ của Công ty TNHH Thủy Lực Máy (HMC). Dự án đã xây dựng hoàn tất hạ tầng và lắp đặt máy móc thiết bị (MMTB), tuy nhiên do công suất hoạt động không đạt nên dự án không thể tiếp tục vận hành.

Tổng nợ của Công ty Toàn Cầu tại VietinBank Phú Quốc tính đến ngày 5/11/2021 là hơn 105,4 tỷ đồng.Trong đó, dư nợ gốc gần 85,6 tỷ, dư nợ lãi là gần 19,9 tỷ đồng. Giá bán/chuyển nhượng theo thỏa thuận.

Tài sản bao gồm dây chuyền máy móc thiết bị xử lý rác theo công nghệ khí hóa phát điện do  ông Nguyễn Gia Long của Công ty TNHH Thủy Lực Máy thiết kế và chế tạo. Ngoài ra, TSBĐ còn có các công trình xây dựng thuộc dự án như Khu nhà xưởng chính có diện tích 5.800 m2; Khu nhà đặt máy phát điện có diện tích 1.200 m2; Các công trình khác có diện tích 2.641 m2 (gồm: Khu hành chính 436 m2, bãi đậu xe 298 m2, hệ thống làm lạnh và lọc khí Syngas 674 m2, cống thoát nước 144 m2 và đường nội bộ 1.089 m2).

Trong khi đó, BIDV cũng tiếp tục rao bán khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang, là chủ đầu tư của nhiều dự án nhà máy xử lý rác lớn tại TP.Hà Nội. Giá bán khởi điểm được đưa ra lần này là 547 tỷ đồng, giảm 130 tỷ đồng so với 2 tháng trước. Giá bán chưa bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua Khoản Nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán Khoản Nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Được biết, giá trị khoản nợ (số liệu tạm tính đến thời điểm 21/03/2021) là 670,6 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 469,4 tỷ và dư nợ lãi là 201,2 tỷ.

Khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Thành Quang được đảm bảo bằng Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thôn Đìa, Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội có diện tích 60 m2. Ngoài ra còn có Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thôn Tiên Hùng xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội, diện tích 147 m2; Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thôn Thụy Hà. Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội diện tích 657 m2.

Tài sản thế chấp còn có tài sản gắn liền với đất hình thành từ vốn vay tại xã Việt Hùng. Đông Anh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BI 486858, Chủ sở hữu Công ty CP ĐT Thành Quang: Diện tích: 88.514 m2, đất thuê thời hạn 49 năm từ năm 2011.  Ngoài ra còn có các máy móc thiết bị của dự án nhà máy xử lý rác thải huyện Đông Anh là tài sản hình thành từ vốn vay.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang thành lập năm 2004, người đại diện theo pháp luật hiện tại là ông Nguyễn Thanh Quang. Công ty đặt trụ sở tại tòa nhà số 14, phố Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang (Công ty Thành Quang) chính là chủ đầu tư một số dự án nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó có dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh (Hà Nội) với công suất xử lý chất thải 500 tấn/ngày. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 768 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là gần 159 tỷ đồng (chiếm 20,69% tổng mức đầu tư), vốn huy động là hơn 609 tỷ đồng (chiếm 79,31%). Dự án được dự kiến đưa vào hoạt động tháng 4/2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Nhà đầu tư đã để xảy ra một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm dẫn đến chậm tiến độ.

Ngoài dự án Khu xử lý rác Đông Anh, Công ty Thành Quang còn thực hiện dự án Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình, tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn nhưng trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp. Với lượng rác thải rắn phát sinh hằng ngày lớn như vậy, nếu không có nhà máy xử lý hiện đại thì trong tương lai không xa sẽ không còn đất để chôn lấp, môi trường bị đe dọa.

Thu Thuỷ

Từ khóa:  xử lý rác
Cùng chuyên mục
XEM