Nhiều người vô tư ăn hồng thỏa thích mà không hề hay biết nguy cơ tắc ruột, ngộ độc khôn lường

09/09/2022 10:25 AM | Sống

Quả hồng có nhiều chất bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một số lưu ý khi ăn loại quả này vì những tác dụng phụ nguy hiểm của nó cho sức khỏe con người.

Một số dưỡng chất có được khi ăn hồng 

Quả hồng được dùng rộng rãi để ăn tươi cũng như phơi khô, là thực phẩm quen thuộc vì vừa ngon miệng, vừa chứa nhiều dinh dưỡng. Trong 100g thịt quả có chứa 0,16mg caroten, 16mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin PP, B1, B2 và các hợp chất hữu cơ… Quả hồng cũng chứa 12 - 16% đường, chủ yếu là đường glucose và fructose, lượng acid thấp 0,1%.

Quả hồng thậm chí còn có thể dùng làm thuốc. Phần ruột màu vàng của trái hồng có chứa nhiều beta-caroten, là chất quan trọng giúp củng cố thị lực, ngăn ngừa lão hóa và ngăn ngừa sự hình thành ung thư phổi. Các loại vitamin C (giúp cơ thể chống đỡ với các loại virút), vitamin PP (chống đỡ sự mệt mỏi, trầm cảm, cũng như cải thiện sức khỏe làn da và tóc), magiê (cần thiết cho tim hoạt động tốt), sắt (giúp da hồng hào và duy trì thành phần đúng của máu), kali (củng cố thành mạch máu) và iod cũng có rất nhiều trong quả hồng.

Đặc biệt, đối với người bị bệnh tim mạch, quả hồng còn rất bổ ích. Chỉ cần 3 - 4 quả hồng mỗi ngày có thể giúp làm ổn định huyết áp, hỗ trợ quá trình điều trị thêm hiệu quả.

Ngoài ra, quả hồng còn được sử dụng khi bị các bệnh về dạ dày, rối loạn đường ruột, diệt khuẩn, chế ngự cơn đói rất tốt nên giúp giảm cân.

Nhiều người vô tư ăn hồng thỏa thích mà không hề hay biết nguy cơ tắc ruột, ngộ độc khôn lường - Ảnh 1.

… nhưng cũng có nguy cơ gây hại

Khi ăn hồng xanh hoặc độ chín chưa tới, người ăn thường thấy có vị chát. Đó là khi chất tannin và chất pectin có rất nhiều trong loại hoa quả này. Đây là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột.

Do đó, nếu sử dụng nhiều vào lúc đói, chúng sẽ kết hợp với hàm lượng chất xơ trong quả hồng (100g hồng có 2,5g chất xơ) và kết tụ dưới tác dụng của acid dạ dày. Hậu quả gây ra đầy bụng, khó tiêu, thậm chí còn có cảm giác buồn nôn, nôn mửa… Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột.

Nhiều người vô tư ăn hồng thỏa thích mà không hề hay biết nguy cơ tắc ruột, ngộ độc khôn lường - Ảnh 2.

Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến nghị, chỉ nên ăn hồng vào lúc no và chỉ nên ăn trái chín - không ăn trái xanh. Đối với người hay táo bón, hệ tiêu hóa không tốt; trẻ nhỏ ăn vội, nhai không kỹ hoặc người đã có tổn thương ruột, có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng, đặc biệt là dạ dày thì không nên ăn loại trái này. Điều này cũng tương tự với những người cao tuổi răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm.

Đồng thời, ăn hồng cũng có thể dẫn tới nguy cơ ngộ độc nếu dùng chung với những thực phẩm "kị nhau". Một số thực phẩm được "điểm danh" bao gồm:

- Không ăn hồng sau khi ăn trứng vì có thể gây ngộ độc thực phẩm và viêm ruột cấp tính, có thể gây ra nôn mửa. Nếu lỡ ăn phải, cần nhanh chóng thúc nôn bằng cách uống dung dịch nước muối ấm, hoặc sử dụng nước ép gừng tươi trộn với nước ấm. Sau đó, phải dùng thuốc nhuận tràng để loại bỏ các chất độc hại còn sót trong cơ thể.

- Không ăn hồng khi ăn canh cua vì canh cua có nhiều đạm. Khi gặp chất tannin và các thành phần khác trong quả hồng có thể kết tủa với nhau thành chất rắn, tích tụ trong ruột rồi lên men và thối rữa, có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Nặng hơn nữa, những chất đó còn có thể kết thành sỏi rất nguy hiểm đối với sức khỏe.

- Không ăn hồng cùng thịt ngỗng vì loại thịt này cũng chứa nhiều protein, có thể gặp tác hại tương tự như canh cua.

Nhiều người vô tư ăn hồng thỏa thích mà không hề hay biết nguy cơ tắc ruột, ngộ độc khôn lường - Ảnh 3.

- Không ăn hồng cùng khoai lang vì loại thực phẩm này chứa nhiều tinh bột, có thể sản sinh ra một lượng lớn axit dạ dày, sau khi gặp các thành phần từ quả hồng trong dạ dày sẽ kết tủa, hình thành sỏi không hòa tan. Chúng vừa khó tiêu hóa, lại không dễ đào thải ra ngoài, dễ bị tạo thành sỏi trong dạ dày.

- Không ăn hồng khi bị tiểu đường, tiêu hóa kém vì quả hồng có tới 10,8% carbohydrate, hơn nữa hầu hết là disaccharides và monosacarit đơn giản, do đó sau khi ăn rất dễ bị hấp thụ, khiến đường huyết tăng lên. Điều này vô cùng có hại với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người kém kiểm soát đường huyết.

- Không ăn hồng khi uống rượu vì hồng tính hàn, còn rượu tính nóng có độc. Các loại rượu khi vào dạ dày sẽ kích thích bài tiết đường ruột, tanin trong quả hồng đi vào dạ dày sẽ tạo thành một chất sền sệt, dính nhầy, dễ tạo thành cục máu đông, vừa khó tiêu hóa vừa không thải ra ngoài, lâu dần sẽ gây tắc ruột.

Ngoài ra, nếu bạn bị dị ứng với hồng, nên tránh tuyệt đối loại quả này, không chỉ là việc ăn trái cây mà còn không nên ăn tất cả các thực phẩm, món ăn được chế biến từ hồng để tránh những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

(Tổng hợp)

Theo Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM