Nhiều nền kinh tế lớn thiệt hại tỷ đô vì thiếu du học sinh thời Covid-19

09/07/2020 16:53 PM | Xã hội

Các quốc gia có nguồn thu lớn từ dịch vụ giáo dục quốc tế như Mỹ, Anh, Úc hay Canada đang phải chịu nhiều thiệt hại đáng kể từ đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng không chỉ tới nền kinh tế mà còn làm xáo trộn cuộc sống, kế hoạch học tập và cơ hội việc làm của rất nhiều du học sinh.

Theo thống kê của Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế Studyportals, Mỹ và Anh đang là hai quốc gia dẫn đầu thế giới về nguồn thu từ dịch vụ giáo dục quốc tế. Ở vị trí số một, Mỹ đang bỏ xa Anh với giá trị thị trường lên đến 51 tỷ EUR, trong khi con số tương ứng ở Anh chỉ vượt ngưỡng 5 tỷ EUR.

Các thị trường xếp sau lần lượt là Úc, Nhật Bản và Canada. Châu Âu, nơi chịu thiệt hại nhiều thứ nhì thế giới bởi dịch bệnh, góp mặt tới bốn thành viên trong top 9 nước dẫn đầu về thị trường giáo dục quốc tế là Anh, Pháp, Đức và Hà Lan.

Là hai nước dẫn đầu thị trường, Mỹ và Anh lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Theo một kết quả khảo sát vào tháng 4 của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế (NAFSA), giáo dục bậc đại học tại Mỹ có khả năng thiệt hại gần 1 tỷ USD đến từ việc rút ngắn hoặc hủy bỏ các chương trình học. Thêm nữa, ước tính các trường học cũng phải chi khoảng 638 triệu USD hỗ trợ cho các du học sinh, học giả, giảng viên và nhân viên ở lại trường học theo hình thức trực tuyến.

Dữ liệu thu thập được cũng ước tính nguồn thu từ bậc giáo dục đại học ở Mỹ sẽ tổn thất khoảng 3 tỷ USD do lượng du học sinh quốc tế giảm vào mùa thu năm 2020.

 Nhiều nền kinh tế lớn thiệt hại tỷ đô vì thiếu du học sinh thời Covid-19  - Ảnh 1.

Tại Anh, một phân tích của tổ chức tư vấn kinh tế London Economics chỉ ra rằng các trường đại học tại quốc gia này sẽ bị thiệt hại khoảng 2,6 tỷ GBP vào năm học tới. Con số này được đo lường dựa trên cả hai đối tượng là sinh viên trong nước và du học sinh quốc tế.

Tờ The Conversation thì ước tính rằng nguồn thu từ dịch vụ giáo dục quốc tế của hệ thống các trường đại học tại Úc sẽ chịu tổn thất khoảng 18 tỷ AUD vào năm 2024.

Đứng trước những thách thức mới, nhiều trường học đã lên kế hoạch đối phó với dịch bệnh. Ông Mitch Daniels, hiệu trưởng trường Đại học Purdue ở bang Indiana (Mỹ), đã thông báo về những kế hoạch mở cửa khuôn viên trở lại. Cùng với việc cắt giảm một nửa sĩ số các lớp học, trường cũng sẽ bố trí một khu cách ly riêng với sức chứa 500 giường bệnh. Ngoài ra, nhà trường cũng đã lắp đặt thêm các tấm kính chắn trong lớp học để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa giảng viên và sinh viên.

Việc trang bị những cơ sở cần thiết, cộng với công tác xét nghiệm của hàng trăm nghìn giảng viên và sinh viên sẽ tiêu tốn của nhà trường khoảng 50 triệu USD, ấy là chưa kể sự thiếu hụt nghiêm trọng trong các khoản thu khi lượng sinh viên ngày càng sụt giảm.

Để bù đắp chi phí, nhà trường đã phát động chiến dịch gây quỹ cộng đồng vào ngày 28/5. Tính tới giữa tháng 6, chiến dịch đã quyên góp được số tiền lên tới hơn 130.000 USD.

Tại Anh, một khảo sát của tờ The Pie News cho thấy có tới 97% các trường đại học thông báo rằng họ sẽ bắt đầu công tác giảng dạy trực tuyến vào đầu học kỳ tới. Số còn lại sẽ lùi lịch học của học viên vào đầu năm 2021.

Triển vọng u ám: Khi du học không còn là ước mơ

Với ảnh hưởng từ Covid-19 từ tháng 3 năm nay, nhiều bang ở Mỹ đang phải đóng cửa trường học và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Cuộc sống của nhiều du học sinh tại đây đang gặp phải những thách thức mới.

Mai P. Trịnh, một sinh viên tốt nghiệp ngành học máy tại Việt Nam, đang gặp phải những khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm tại Mỹ. Cô đã lên kế hoạch làm việc tại Mỹ bằng cách tham gia chương trình Đào tạo thực hành tùy chọn (OPT), có tác dụng ủy quyền việc làm ngắn hạn cho sinh viên có visa F-1 trong lĩnh vực đào tạo của họ.

Biết rằng việc tìm kiếm việc làm tại Mỹ sẽ vấp phải vô vàn khó khăn, kể cả khi không có đại dịch, cô đã phải tham gia rất nhiều sự kiện kết nối việc làm, rải đơn xin việc, tham khảo ý kiến của nhiều cố vấn.

Tuy nhiên, cô và hàng triệu du học sinh quốc tế khác trên đất Mỹ đều gặp khó khăn rất lớn khi thị trường việc làm tại đây đang trải qua tình trạng vô cùng ảm đạm do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

 Nhiều nền kinh tế lớn thiệt hại tỷ đô vì thiếu du học sinh thời Covid-19  - Ảnh 2.

Dù khó khăn như vậy, cô cũng không nhận được sự cảm thông từ phía chính quyền. Theo quy định của một cơ quan thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS), thời hạn để tìm kiếm việc làm sau khi bắt đầu chương trình OPT là 90 ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu không thể đảm bảo việc làm ổn định vào cuối mùa hè, cô sẽ bị buộc phải rời Mỹ. Điều này đã khiến cô quyết định sẽ quay trở về Việt Nam ngay khi biên giới mở cửa trở lại.

Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến nhiều nước trên thế giới buộc phải chuyển sang phương pháp học trực tuyến. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định du học của nhiều sinh viên tại Việt Nam.

Anh Trần Mạnh Trung, sống tại Lâm Đồng, đã hoãn kế hoạch du học của hai con gái sinh đôi. Ban đầu, anh mong các con qua Úc học mỹ thuật và thiết kế. Tuy nhiên, khi biết nhiều người sang đó đang phải học online, anh đã bàn bạc lại với các con.

"Chúng tôi thống nhất nếu cố du học năm nay rồi vẫn phải ở Việt Nam học online, việc này không xứng đáng với số tiền bỏ ra, nhất là khi tôi phải lo chi phí cho hai con cùng lúc. Vì thế, dù bất đắc dĩ, tôi vẫn quyết định hoãn kế hoạch du học cho hai con", anh chia sẻ.

Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM