Nhiều doanh nghiệp Mỹ "rút quân" khỏi Trung Quốc về "gần nhà": Trung Quốc bỗng dưng mất ngôi "công xưởng thế giới"?

15/01/2023 19:46 PM | Kinh doanh

Thông thường phải mất một tháng để chuyển một container đầy từ Trung Quốc sang Mỹ — thời gian tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong thời gian gián đoạn tồi tệ nhất.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ "rút quân" khỏi Trung Quốc về "gần nhà": Trung Quốc bỗng dưng mất ngôi "công xưởng thế giới"? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng chọn nhà cung cấp ở Mexico. Ảnh: NYT

Doanh nghiệp Mỹ đổ về "gần nhà"

Trong bối cảnh cần đánh giá lại những rủi ro khi dựa vào các sản phẩm Made in China, một số doanh nghiệp Mỹ đang chuyển hoạt động sang một quốc gia "gần nhà" hơn: Mexico.

Nổi bật là đế chế bán lẻ toàn cầu Walmart, theo The New York Times (NYT-Mỹ).

Đầu năm ngoái, Walmart cần nguồn cung cấp đồng phục công ty trị giá 1 triệu USD — đơn hàng hơn 50.000 chiếc — nhưng thay vì mua từ các nhà cung cấp thông thường ở Trung Quốc, họ đã chọn Preslow, một doanh nghiệp thời trang gia đình ở Mexico.

Đó là tháng 2/2022 và có vẻ như bối cảnh thương mại toàn cầu sắp thay đổi. Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn ngành vận tải biển.

Chi phí vận chuyển hàng hóa qua Thái Bình Dương tăng vọt, các cảng bị tắc nghẽn là những ví dụ rõ ràng về những rủi ro có thể xảy ra khi chỉ dựa vào một quốc gia xa xôi duy nhất để vận chuyển các lô hàng quan trọng.

Đối với các công ty đa quốc gia, niềm tin vào nền kinh tế sản xuất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã bị thử thách nặng nề, đặc biệt khi sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Isaac Presburger, Giám đốc bán hàng của Preslow, cho biết, đơn đặt hàng Walmart có thể được coi là dấu hiệu cho thấy vai trò không ngừng thay đổi của Mexico trong nền kinh tế.

"Walmart gặp vấn đề lớn về nguồn cung ", Pressberg nói. "Nên họ nói, 'Được rồi, Mexico, hãy giúp tôi'" .

Nhiều doanh nghiệp Mỹ "rút quân" khỏi Trung Quốc về "gần nhà": Trung Quốc bỗng dưng mất ngôi "công xưởng thế giới"? - Ảnh 2.

Walmart chuyển về "gần nhà". Ảnh: NYT

Công ty Mỹ chuyển hoạt động sang Mexico có thể liên quan đến nguyên nhân địa lý.

Thông thường phải mất một tháng để chuyển một container đầy từ Trung Quốc sang Mỹ — thời gian tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong thời gian gián đoạn tồi tệ nhất.

Nhưng các nhà máy Mexico và các nhà bán lẻ Mỹ chỉ mất 2 tuần giao dịch.

Raine Mahdi, người sáng lập Zipfox, một công ty có trụ sở tại San Diego chuyên giới thiệu các nhà máy ở Mexico cho những doanh nghiệp cần tìm giải pháp thay thế từ châu Á, cho biết:

"Tất cả các doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc đều hiểu rằng không có cách nào đi vòng qua Thái Bình Dương – không có công nghệ hiện thực hóa điều đó. Các khách hàng chỉ có thể giục: Có thể gửi hàng nhanh hơn được không? ".

Theo thống kê của Mỹ, trong 10 tháng đầu năm 2022, Mexico đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 382 tỷ USD sang Mỹ, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Kể từ năm 2019, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Mexico đã tăng hơn 25%.

Theo một phân tích của Viện Toàn cầu McKinsey, vào năm 2021, các nhà đầu tư Mỹ đã đổ nhiều tiền vào Mexico - mua lại các công ty và tài trợ cho các dự án - hơn là ở Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn chắc chân

Các chuyên gia thương mại cho biết, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ vẫn là trung tâm sản xuất trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang Mexico thể hiện sự tái phân bổ cận biên năng lực sản xuất của thế giới trong bối cảnh nhận ra các mối nguy hiểm từ địa chính trị đến biến đổi khí hậu.

Michael Burns, đối tác quản lý tại Murray Hill Group, một công ty đầu tư tập trung vào chuỗi cung ứng, cho biết: "Đó không phải là phi toàn cầu hóa. Đây là giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa tập trung vào mạng lưới khu vực ".

Ba mươi năm trước, ông trùm kinh doanh Ross Perot, từng cảnh báo Mexico là mối đe dọa lấy đi việc làm của người Mỹ.

Tuy nhiên, Shannon K. O’Neil, một chuyên gia về Mỹ Latinh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (New York), cho biết:

"Thực tế là Mexico có thể giải quyết một số thách thức mà chúng tôi gặp phải. Thương mại gần gũi hơn với Canada hoặc Mexico có nhiều khả năng tạo ra và bảo vệ việc làm của người Mỹ hơn ".

Nhiều doanh nghiệp Mỹ "rút quân" khỏi Trung Quốc về "gần nhà": Trung Quốc bỗng dưng mất ngôi "công xưởng thế giới"? - Ảnh 3.

Justiniano cũng tìm kiếm giải pháp thay thế ở Mexico. Ảnh: NYT

Do Mỹ, Mexico và Canada đều hoạt động trong cùng một khu vực thương mại rộng lớn nên chuỗi cung ứng của họ đan xen lẫ nhau.

Cả ba nước đều cung cấp linh kiện, nguyên liệu thô cho thành phẩm của nhau. Ví dụ, ô tô được lắp ráp ở Mexico sử dụng rất nhiều bộ phận từ các nhà máy ở Mỹ.

Một phát ngôn viên của Walmart cho biết, công ty quan tâm đến Mexico nhằm giúp chuỗi cung ứng của họ ít bị tổn thương hơn trước các vấn đề ở bất kỳ khu vực nào.

Dù vậy hiện tại, Mexico không có khả năng thay thế Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp chính nhiều mặt hàng .

Vào một buổi sáng gần đây, tại một nhà máy cách thủ đô Mexico City khoảng 80 km về phía Bắc, 200 người thợ may đang còng lưng bên những chiếc máy khâu.

Các nhà thiết kế địa phương ngồi trước màn hình máy tính, nghĩ những ý tưởng mới.

Tuy nhiên, đống vải tổng hợp trên các kệ hàng hầu như đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Anh Presburger cho biết: "Tất cả các vật liệu cơ bản vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc vì không có nhà cung cấp nào ở đây. Các loại vải tôi dùng căn bản không mua được ở Mexico ".

Ở phía bên kia biên giới Mexico, tại Dallas, vợ chồng Jose và Veronica Justiniano cũng phụ thuộc vào các mặt hàng quan trọng từ châu Á và họ đang mong muốn tìm được nhà cung cấp ở Tây bán cầu.

Hai người điều hành một doanh nghiệp nhỏ tên là Veronica’s Embroidery. Họ cung cấp đồng phục nhân viên cho các nhà hàng, công ty xây dựng và dịch vụ nhà ở.

Vào năm 2018, cặp đôi đã mua chiếc máy thêu đầu tiên. Năm sau, họ có được khách hàng quan trọng nhất, Gloria's Latin Cuisine, một chuỗi 22 nhà hàng ăn uống cao cấp ở Dallas, Houston, San Antonio và Austin.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ "rút quân" khỏi Trung Quốc về "gần nhà": Trung Quốc bỗng dưng mất ngôi "công xưởng thế giới"? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nhiều nguyên liệu chỉ có thể mua ở Trung Quốc. Ảnh: NYT

Justignano đã mua đồng phục của một công ty nhập khẩu đồng phục từ châu Á. Sau đó sử dụng máy của mình để thêu logo.

Các nhà phân phối của họ duy trì một lượng hàng lớn trong nhà kho ở Texas và thường giao hàng trong vòng một ngày.

Nhưng khi đại dịch bùng phát mạnh vào năm 2020, thời gian giao hàng từ vài ngày trở thành vài tháng. Xưởng của Justignano cũng giao hàng trễ, đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với công việc kinh doanh của họ.

Justignano loay hoay tìm nhà cung cấp khác.

"Lối thoát duy nhất là Mexico ," anh nói.

Cuối cùng, họ giao phó phần lớn công việc kinh doanh của mình cho Lazzar Uniforms, một doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình ở Guadalajara.

Ramon Becerra, 39 tuổi, giám đốc thương mại của Lazzar, rất muốn thâm nhập vào thị trường khổng lồ ở phía bắc.

"Chúng tôi biết nước Mỹ là tương lai của chúng tôi ", Becerra nói.

Đội ngũ của Becerra đã thảo luận về các chi tiết mà Justignano muốn: một loại vải nhẹ, thoáng khí để giảm bớt sức nóng của nhà bếp. Hai bên trao đổi dễ dàng qua điện thoại và video, bất kể chênh lệch múi giờ.

Họ bắt đầu với những đơn đặt hàng nhỏ chỉ vài chục bộ đồng phục đầu bếp.

Đến tháng 9/2021, Veronica’s Embroidery đã tìm được nguồn cung ứng 1.000 áo sơ mi vải lanh cho một đơn đặt hàng với mức giá gần bằng giá mà nhà phân phối châu Á trước đây.

Vào một buổi sáng gần đây, Becerra đã tiếp Justignano tại nhà máy ở Guadalajara.

Hai người đã thảo luận về một mối quan hệ hợp tác tiềm năng mới, trong đó Lazzar sẽ xây dựng một nhà kho ở Texas trong khi Justigniano sẽ xử lý việc phân phối tại Mỹ.

"Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho nước Mỹ ", Justigniano nói. "Chúng tôi cần suy tính lại nơi sản xuất sản phẩm cho chúng tôi ".

Mexico còn gặp trở ngại

Có lẽ trở ngại lớn nhất để Mexico nhận ra tiềm năng của mình như một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc là chính Mexico.

Ngay cả Presburger, một người ủng hộ các đặc tính công nghiệp của Mexico, cũng thừa nhận rằng Mexico sẽ gặp khó khăn trong việc tích lũy năng lực sản xuất như Trung Quốc do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ "rút quân" khỏi Trung Quốc về "gần nhà": Trung Quốc bỗng dưng mất ngôi "công xưởng thế giới"? - Ảnh 5.

Mexico đang tận dụng mâu thuẫn Trung-Mỹ để tìm kiếm cơ hội. Ảnh: NYT

Anh nhớ lại chuyến sang Trung Quốc tìm vải đầu tiên cách đây hơn chục năm.

Có một nhà máy sợi khổng lồ được trang bị hệ thống nhuộm chuyên nghiệp và quy mô sản xuất khiến anh ngạc nhiên.

"Quy mô của các nhà máy ở đó là không thể tin được. Tôi không nghĩ sẽ làm được như thế. Điều đó không hề dễ dàng ".

Tại nhà máy của mình, anh giới thiệu một sản phẩm phổ biến, một chiếc áo khoác bomber màu đen được tô điểm bằng những hoa văn đầy màu sắc.

Khóa kéo cũng như hình đầu lâu trên khóa kéo được sản xuất tại Mexico. Nhưng các thành phần còn lại— vải, chỉ, lớp lót— đến từ bên kia Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sự thay đổi là hữu hình.

Gần nhà máy Preslow, có một nhà máy khổng lồ sản xuất tới sáu triệu khuy cúc mỗi ngày với 1.500 nhân công.

Đó là Botones Loren, doanh thu đã tăng gần 2/3 trong năm qua.

Giám đốc điều hành Sony Chalouah cho biết khách hàng của họ - các thương hiệu quốc tế như Armani và Men’s Warehouse - đang chuyển đơn đặt hàng ra khỏi Trung Quốc.

Ông nói: “ Họ nghĩ rằng Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc nên không muốn bị phụ thuộc vào Trung Quốc ".

Tuy nhiên, một số người trong ngành may mặc cho rằng sức hấp dẫn của Mexico sẽ giảm dần khi chuỗi cung ứng toàn cầu trở lại bình thường.

Giá vận chuyển đã giảm đáng kể trong năm qua. Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế.

Bernardo Samper, một doanh nghiệp có trụ sở ở New York chuyên tìm nguồn cung ứng, cho biết các nhà sản xuất hàng may mặc Trung Quốc đang ráo riết thu hút hoạt động kinh doanh bằng cách giảm giá sâu.

Ông nói: "Cuối cùng, mọi thứ đều bị điều khiển bởi giá cả".

Tuy nhiên, tại Mexico, các doanh nghiệp đang lợi dụng tranh chấp diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt mức thuế cao đối với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục chính sách đó và bổ sung các biện pháp nhằm cố gắng ngăn chặn khả năng Trung Quốc tiếp cận công nghệ cốt lõi.

Lectra, một công ty Pháp sản xuất máy cắt vải cho ngành may mặc, đã chứng kiến doanh số bán hàng ở Mexico và Trung Mỹ tăng gần 1/3 trong năm qua.

Carlos Sarmiento, Giám đốc thương mại khu vực của công ty cho biết: "Xu hướng gần bờ này về cơ bản được thúc đẩy bởi những gì đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc .

Không phải là Trung Quốc sẽ biến mất khỏi thị trường Mỹ ”, ông nói thêm. "Mọi người hiện sẵn sàng nghĩ về Mexico và Trung Mỹ như một giải pháp thay thế, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc ".


Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM