Nhiều doanh nghiệp không dám bung ra sản xuất hàng Tết

11/11/2021 09:00 AM | Xã hội

Thời điểm này các năm trước, doanh nghiệp ở TP.HCM đã rầm rộ sản xuất hàng hóa tết. Năm nay, phần vì vừa tái sản xuất sau dịch, phần vì sức mua yếu và chi phí sản xuất tăng cao, nên đa số doanh nghiệp sản xuất dè chừng, ngại bung hàng đón tết.

Chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp cố ổn định giá

Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) chuyên mặt hàng thịt heo tươi sống và sản phẩm chế biến từ thịt, chiếm phần lớn thị phần ở TP.HCM. Hiện công ty này đang tăng tốc sản xuất để vừa chuẩn bị cho tết vừa bù vào nguồn hàng dự phòng đã cạn kiệt sau thời gian dịch kéo dài. VISSAN đầu tư hơn 754 tỷ đồng để chuẩn bị 2.800 tấn thịt heo (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%). Tuy nhiên, theo nhận định của công ty thì dịp tết Nhâm Dần sắp tới, sức mua của thị trường sẽ giảm từ 10%- 20% so với các năm trước.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc VISSAN cho biết:  Sau dịch, một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20-30%. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh. Tuy nhiên dịp tết này, doanh nghiệp vẫn cam kết bán giá bình ổn thị trường để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Theo ông Dũng, sức mua đang giảm, nhưng VISSAN dự trữ nguyên liệu tăng, lý do nguồn nguyên liệu dự trữ tăng là nếu tết có biến động thực phẩm thiếu yếu thiếu, như thiếu thịt thì VISSAN dùng nguồn này để ứng phó với thị trường. Trong trường hợp thị trường sức mua giảm tiếp thì VISSAN dự trữ để đưa vào chế biến thực phẩm cho quý 1 năm sau.

Chi phí sản xuất tăng, giá nguyên liệu tăng, nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố gắng ổn định giá bán. Công ty Sông Hương Foods chuyên sản xuất các thực phẩm dùng Tết, như: dưa món, dưa kiệu, cà pháo...cũng cam kết giữ giá. Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Sông Hương Foods cho  biết: Công ty không tăng giá sản phẩm trong dịp tết vì trong đợt dịch vừa rồi sản phẩm của công ty tiêu thụ tăng nhiều, doanh thu tăng nên giờ lấy từ đó bù vào chi phí sản xuất tăng sau dịch.

"Do phần cộng hưởng trong dịch bệnh, công ty tiêu thụ hàng tăng gấp đôi, gấp ba sản lượng nên tổng doanh thu tăng cao. Công ty cũng tin là người tiêu dùng sẽ quay lại dùng sản phẩm của mình nên dịp này mình vẫn giữ sản lượng sản xuất và không tăng giá sản phẩm. Tết này, người tiêu dùng mua củ kiệu, cà, dưa món vẫn như tết năm ngoái, các đối tác phân phối, bán lẻ của mình cũng không tăng" - Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn nói.

Khó dự báo sức mua nên sản xuất dè chừng

Còn Công ty Cổ phần TNHH Ba Huân, đơn vị sản xuất, kinh doanh thịt và trứng gia cầm, đến thời điểm này vẫn chưa dám bung ra sản xuất hết công suất. Qua khảo sát, sức mua của thị trường yếu, giảm khoảng 30% so với trước dịch bệnh nên cả tuần nay công ty triển khai các chương trình giảm giá sâu nhưng sức mua vẫn chậm. Trước đây, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 1,5 triệu trứng gia cầm thì hiện nay bán được chưa đến 1 triệu trứng.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TNHH Ba Huân cho biết, công ty tiếp tục thăm dò thị trưởng rồi mới chuẩn bị nguồn hàng tết: "Chi phí sản xuất tăng, cái gì cũng tăng thì sẽ tăng giá sản phẩm, nhưng tăng ở mức cho phép theo bình ổn thị trường trước tết, ngay tết, sau tết. Chúng tôi cam kết không thiếu thực phẩm ngành hàng của này dịp tết"

Theo dự báo của một số công ty nghiên cứu thị trường, sức mua trong tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm 10% - 20% so với tết năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu. Người dân cũng lo ngại dịch bệnh, hạn chế tập trung mua sắm nên thị trường khó nhộn nhịp như mọi năm.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tết cũng đang khó khăn sau dịch và chưa dự báo được thị trường nên sẽ không dự trữ hàng hóa nhiều như mọi năm.

Theo Bà Lý Kim Chi, doanh nghiệp chưa dự đoán được thị trường sẽ phát triển tốt hay không? Hay diễn biến như thế nào với tình hình dịch bệnh nên điều đó khiến họ cũng không yên tâm. Hằng năm, đến thời điểm này các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng gối đầu 1 tháng trước tết, 1 tháng sau tết …dự trữ tăng 20%, nhưng năm nay thì nguồn hàng dự trữ không tăng nhiều như các năm trước".

Tết là mùa làm ăn lớn nhất trong năm của các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, năm nay, sau dịch bệnh, các chi phí sản xuất tăng, sức mua yếu, thị trường khó dự báo... khiến doanh nghiệp khó khăn trong tính toán lượng hàng, giá bán lẻ... Doanh nghiệp tăng giá hàng hóa theo đúng mức tăng chi phí và nguyên liệu thì rất khó tiêu thụ, nhưng nếu giữ giá bán cũ thì doanh nghiệp không có lợi nhuận. Điều đó đang làm cho nhiều doanh nghiệp rất dè dặt trong việc tăng sản lượng hàng hóa, không dám bung ra sản xuất cho dịp tết như các năm trước./.

Lệ Hằng

Cùng chuyên mục
XEM