Nhiều công ty Trung Quốc ùn ùn chuyển sản xuất sang Việt Nam: “Họ nắm giữ thứ ‘độc nhất vô nhị’, nên đầu tư ngay bây giờ!”

23/05/2023 09:33 AM | Kinh doanh

Nhiều công ty Trung Quốc đang nối tay nhau đầu tư vào Việt Nam, từ các doanh nghiệp dệt may cho tới các “ông lớn” viễn thông và quang điện công nghệ cao.

Nhiều công ty Trung Quốc ùn ùn chuyển sản xuất sang Việt Nam: “Họ nắm giữ thứ ‘độc nhất vô nhị’, nên đầu tư ngay bây giờ!” - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc tìm đến Việt Nam xây dựng cơ sở sản xuất. Ảnh: DW

Loạt công ty Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam

Theo tờ YicaiGlobal, nhiều công ty Trung Quốc, từ các doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động cho tới các “ông lớn” viễn thông và quang điện công nghệ cao, đều đang ùn ùn xây dựng nhà máy ở Việt Nam để tránh rủi ro và vượt qua các rào cản thương mại.

“Một số công ty thậm chí đã có thể đáp ứng tất cả các đơn đặt hàng quốc tế từ nhà máy của họ ở Việt Nam” – Tờ báo Trung Quốc cho hay.

Gongjin Electronics, nhà cung cấp thiết bị đầu cuối băng thông rộng vốn có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), đã chi gần 400 triệu NDT (57,5 triệu USD) để hoàn thiện xây dựng 2 giai đoạn cho nhà máy tại Việt Nam.

Trước khi chuyển tới Việt Nam, Gongjin không có bất cứ nhà máy nào ở nước ngoài, một nửa số sản phẩm của họ được xuất khẩu sang Mỹ hoặc sang châu Âu vào thời điểm đó. Thế nhưng, chỉ 4 năm sau, cơ sở tại Việt Nam của Gongjin đã đảm nhiệm tất cả các đơn đặt hàng nước ngoài.

“Vì giai đoạn đầu tiên của nhà máy ở Việt Nam cho ra kết quả tốt nên chúng tôi đã xúc tiến giai đoạn thứ hai ngay sau đó” – Ông He Yimeng, thành viên Hội đồng quản trị của Gongjin Electronics cho hay.

Khi giai đoạn thứ ba đi vào hoạt động, nhà máy của Gongjin Electronics tại Việt Nam sẽ có giá trị sản lượng hàng năm là 10 tỷ NDT (1,4 tỷ USD).

Nhiều công ty Trung Quốc ùn ùn chuyển sản xuất sang Việt Nam: “Họ nắm giữ thứ ‘độc nhất vô nhị’, nên đầu tư ngay bây giờ!” - Ảnh 2.

Cơ sở của Gongjin Electronics tại Khu Công nghiệp An Dương. Ảnh: FB Khu Công nghiệp An Dương

Trong khi đó, DBG Technology, một nhà cung cấp dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, phía nam Huệ Châu, đang chuẩn bị biến chi nhánh của họ tại Việt Nam thành một “đại bản doanh” ở nước ngoài có khả năng sản xuất 40 triệu smartphone và các thiết bị điện tử khác mỗi năm trong vòng 3 năm, với giá trị xuất khẩu hàng năm là 4,5 tỷ USD.

Ông Tang Jianxing - Chủ tịch công ty này cho biết, DBG có kế hoạch tuyển dụng - đào tạo khoảng 15.000 lao động ở Việt Nam và thiết lập “ một chuỗi công nghiệp đa ngành hỗ trợ mua sắm địa phương ” tại tỉnh Thái Nguyên – khu vực đang có nhiều công ty Trung Quốc đặt trụ sở.

Theo YicaiGlobal, nhiều công ty Trung Quốc ở đầu và cuối chuỗi công nghiệp đang nối tay nhau đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, DBG đang hợp tác với nhà sản xuất phần cứng thông minh Huaqin Technology và nhà cung cấp Lingyi iTech của Apple để xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên.

Nhiều công ty Trung Quốc ùn ùn chuyển sản xuất sang Việt Nam: “Họ nắm giữ thứ ‘độc nhất vô nhị’, nên đầu tư ngay bây giờ!” - Ảnh 3.

Cơ sở của DBG Technology tại Thái Nguyên. Ảnh: Media Online

Mở rộng phát triển ở nước ngoài thông qua việc hợp tác với những doanh nghiệp tại thị trường khác là một lựa chọn an toàn hơn, cả từ góc độ đối tác và khách hàng” - Wang Zhigang, thành viên Hội đồng quản trị của Huaqin, cho hay. Công ty này vốn là đối tác quen thuộc của những “gã khổng lồ” smartphone như Samsung, OPPO và Xiaomi.

“Huaqin (trụ sở chính tại Thượng Hải) mạnh về thiết kế và phát triển kinh doanh, trong khi DBG giỏi về sản xuất thông minh ”, ông Wang nói, “Việc hợp tác tại Việt Nam không chỉ cho phép hai bên chia sẻ rủi ro mà còn giúp doanh nghiệp gắn kết hơn”.

Hiện tại, Huaqin chủ yếu huy động các nhà máy tại Việt Nam và Indonesia để thực hiện các đơn đặt hàng ở Bắc Mỹ, trong khi nhà máy của họ ở Ấn Độ sẽ cung ứng cho thị trường địa phương, và nhà máy ở Trung Quốc phục vụ một số thị trường khác.

“Về lâu dài, chúng tôi hy vọng 2 cơ sở sản xuất của chúng tôi ở Trung Quốc sẽ chiếm 80% tổng công suất, phần còn lại sẽ do các nhà máy ở nước ngoài đóng góp” – Ông Wang cho biết thêm.

Vì sao Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp Trung Quốc?

Theo ghi nhận của hãng tin Sputnik (Nga), khu vực phía Bắc Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn do có vị trí gần Trung Quốc hơn và giá thuê đất khu công nghiệp ở đây cạnh tranh hơn so với miền nam.

Tháng 3 năm nay, Vietnam Investment Consulting (VNIC) đã phối hợp cùng YueQiBao tổ chức Hội thảo giao lưu khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam cho Doanh nghiệp điện tử Trung Quốc 2023.

Nhiều công ty Trung Quốc ùn ùn chuyển sản xuất sang Việt Nam: “Họ nắm giữ thứ ‘độc nhất vô nhị’, nên đầu tư ngay bây giờ!” - Ảnh 4.

Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng được nguồn cung lao động trình độ cao. Ảnh: Sputnik

Tại Hội thảo này, ông Trần Đức Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Andes E&C cho biết, sở dĩ Việt Nam được các doanh nghiệp Trung Quốc xem là địa điểm hấp dẫn để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất vì Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng được nguồn cung lao động trình độ cao, giá nhân công cạnh tranh với có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, có nhiều tuyến giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kể cả dây chuyền sản xuất.

Trong khi đó, theo ông Paul Tonkes, Phó giám đốc Phòng Kinh doanh & Marketing của Core5 Vietnam, giá thuê đất khu công nghiệp cạnh tranh hơn cũng là một yếu tố giúp các khu công nghiệp phía Bắc thuận lợi đón xu hướng chuyển dịch sản xuất.

Nhiều công ty Trung Quốc ùn ùn chuyển sản xuất sang Việt Nam: “Họ nắm giữ thứ ‘độc nhất vô nhị’, nên đầu tư ngay bây giờ!” - Ảnh 5.

Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, có nhiều tuyến giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Ảnh: MSN

Trước đó, trang tin Sohu (Trung Quốc) có bài viết nêu 10 lý do nên đầu tư vào Việt Nam “ngay bây giờ” . Trong đó, tờ này đề cập rằng Việt Nam nắm giữ vị trí địa lý “độc nhất vô nhị”, có thể đóng vai trò là bệ phóng và cơ sở cho khu vực tập trung đông dân nhất hành tinh. Cấu trúc địa lý đa dạng với núi, cao nguyên và ven biển của Việt Nam cũng rất phù hợp với các vùng kinh tế tổng hợp.

Đặc biệt, Sohu nhấn mạnh tới chính sách mở cửa của Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài và môi trường kinh doanh được cải thiện liên tục.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam có tư duy hết sức tân tiến. Việt Nam luôn thay đổi các quy định về đầu tư trong từng thời kỳ và tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với một số ngành, miễn tiền thuê và sử dụng đất để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm ăn ở đất nước này ” – Sohu nhận định.

Bên cạnh đó, tờ này đánh giá rất cao khả năng thích ứng linh hoạt của Việt Nam khi đã xây dựng quan hệ kinh tế và thương mại với khoảng 224 đối tác từ các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Chính sách 'đa phương hóa, đa dạng hóa' trong quan hệ quốc tế giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu cũng như khu vực, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với các nước trên thế giới. Quan trọng hơn, Việt Nam không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm gần đây để ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư FDI ” - truyền thông Trung Quốc khẳng định.

Theo Vy Lam

Cùng chuyên mục
XEM