Nhảy việc công ty lớn về làm sếp công ty nhỏ lương 2 tỷ/năm, 6 tháng sau tôi bị sa thải: Khuyên bạn đừng 'đứng núi này trông núi nọ' nếu chưa biết sự thật này

07/04/2023 17:10 PM | Sống

Được mời đến công ty nhỏ hơn để làm việc mới mức lương gấp đôi công ty cũ, tôi đã tưởng đó là một “món hời” cho đến khi đột ngột bị sa thải.

Bài viết của tác giả Trần Quang Minh đăng trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)

Sự bất mãn luôn thường trực vì thích so sánh

Tôi đến Thâm Quyến (Trung Quốc) để làm việc sau khi tốt nghiệp đại học năm 2010. Tôi chọn làm việc ở một nhà máy ở quận Quang Minh trong bộ phần kế hoạch. Khi đó mức lương của tôi chỉ 3.000 NDT, không quá thấp nhưng vì được ở trong khu KTX nên vẫn sống thoải mái được.

Tôi không nản lòng vì nghĩ đây là cơ hội để tôi rèn luyện và hoàn thiện bản thân, sau một vài năm nữa có thể đạt được mục tiêu lương 500.000 NDT/năm, mua nhà mua xe ở Thâm Quyến. Nhưng đời không là mơ, sự cạnh tranh ở thành phố này rất khốc liệt, tôi tận mắt chứng kiến nhiều người không trụ nổi quá 3 tháng tại nhà máy vì không đạt yêu cầu công việc.

Sau 10 năm làm việc chăm chỉ, “vật lộn” trong nhà máy, cuối cùng tôi cũng được thăng chức lên quản lý phụ trách chuỗi cung ứng và sản xuất, mức lương lên được 30.000 NDT/tháng. Trên thực tế, tôi vẫn luôn cảm thấy lương của mình tương đối thấp, nếu tuyển người mới chắc chắn lương tháng ít nhất 50.000 NDT/năm.

0f58a6f1d1634dd59e2df0137b4e6943_noop.jpg

Ảnh minh hoạ

Dù tại nhà máy có đồng nghiệp hoà đồng, đã mua được nhà và xe tại Thâm Quyến nhưng nhiều người khuyên tôi nên sớm từ chức để tìm một vị trí xứng đáng với công sức bỏ ra hơn. Tôi chỉ giữ ý định “nhảy việc” trong lòng cho đến khi nhận được lời đề nghị của giám đốc họ Lý của một nhà máy nhỏ hơn 300 công nhân. 

“Ông Trần, ông nghĩ sao về việc làm phó giám đốc nhà máy của chúng tôi? Lương vị trí này chúng tôi đang trả 600.000 NDT/năm (~2 tỷ đồng), ông có thể cân nhắc”, ông Lý nói với tôi trong một buổi gặp gỡ.

Theo ông Lý mặc dù nhà máy của ông ấy còn nhỏ nhưng họ sẽ để tôi phát huy hết năng lực của mình. Điều này như chạm đúng tâm tư lâu nay của tôi nhưng vợ tôi lại tỏ ý không đồng tình. Cô ấy cho rằng nhiều công ty nhỏ có khâu vận hành không ổn định, nhiều vấn đề khó giải quyết. Vợ khuyên tôi nên biết hài lòng với thực tại thay vì cứ tự ti, so sánh bản thân với lương của người khác và tốt hơn hết là cẩn trọng với lời đề nghị này.

Lúc này tôi chỉ nghĩ mình nên mạo hiểm để có mức thu nhập gấp đôi hiện tại. Khi tôi đến thăm nhà máy của ông Lý, tôi cảm thấy nơi này rất lộn xộn và cần có những thay đổi mạnh mẽ, rất dễ để tôi lập công. Vậy nên tôi quyết định đồng ý với lời đề nghị của giám đốc Lý, xin nghỉ việc chỗ cũ dù được ông chủ thuyết phục ở lại để tăng lương.

Cú “nhảy việc” không như mơ

Ngày đầu tiên làm việc tại nhà máy mới, tôi được xếp riêng một văn phòng rộng, có thư ký và cả một tài xế đưa đón. Nhà máy nhỏ thực sự có nhiều vấn đề hơn, hệ thống vận hành không quá quy củ. Công ty này bắt đầu làm việc lúc 8h sáng nhưng tôi phát hiện ra nhiều người chỉ đến chấm công đúng giờ sau đó ra ngoài ăn sáng, ngồi thong dong cả buổi không làm việc. Hiện tượng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động nên tôi đã cho họp các quản lý để đưa ra quy định chấn chỉnh lại giờ làm việc của nhân viên.

e0d8952547d94a1b8118a27526349db8_noop.jpg

Ảnh minh hoạ

Nhân viên văn phòng công ty này cũng không có động lực làm việc, nhiều bộ phận có hiệu suất kém vì số lượng lớn người làm việc hơn 10 năm chỉ đi làm như “cưỡi ngựa xem hoa”. Bất kể họ làm tốt hay không vẫn nhận được mức lương cố định nên họ không bị áp lực phải phấn đấu. Trước tình hình này, tôi đã đề nghị với ông chủ Lý thay đổi quy định, tăng lương nhưng nhân viên phải đạt đủ KPI, nếu không sẽ bị trừ một phần lương hiệu suất.

Không ngờ nhân viên hết sức ủng hộ thay đổi này, họ dường như trở thành một con người khác, cố gắng mỗi ngày để đạt đủ KPI. Quy định này có lợi cho đôi bên, tiền lương của nhân viên cao hơn và năng suất cả nhà máy cũng được cải thiện. Ngoài ra tôi còn yêu cầu may 2 bộ đồng phục cho nhân viên, để toàn bộ nhà máy có diện mạo mới. Khách hàng đến thăm đều nhận xét nhà máy đã thay đổi hoàn toàn, môi trường và hoạt động đều tốt.

Tôi đã đem toàn bộ kinh nghiệm trước đây và sự nỗ lực để cống hiến cho công việc mới này, thay đổi cả quy trình mua bán nguyên vật liệu nhiều bất cập. Nhiều nhân viên nhận xét tôi là người rất dũng cảm và tạo ra những bước tiến lớn để nhà máy đi đúng hướng. 

3c7771fee0ed4c6bb7f9e82e2a78d688_noop.jpg

Ảnh minh hoạ

Nhưng điều tôi không ngờ nhất là việc thực hiện nhiều biện pháp cải tổ một lúc của tôi làm mất lòng nhiều lãnh đạo đã quen với bộ máy cũ. Tôi cũng chỉ tập trung toàn bộ cho công việc nên hoàn toàn không chủ động kết giao với các trưởng phòng với suy nghĩ chỉ cần ông chủ Lý thấy mình làm tốt là được.

Thế nhưng sau 6 tháng, giám đốc nhà máy lại nói rằng tôi vẫn chưa đáp ứng mong đợi của ông ấy nên thông báo sa thải tôi, bồi thường 1 tháng tiền công. Hoá ra ông chủ Lý tuyển tôi với mức lương cao để tôi đem những kinh nghiệm xương máu từ nhà máy cũ sang giúp họ vận hành bộ máy tốt hơn. Sau khi đã cảm thấy hoạt động nhà máy đã cải thiện liền muốn loại bỏ tôi, và giám đốc có thể thăng chức người mới có mức lương thấp hơn để vận hành hệ thống tôi đã thiết lập.

Tôi bị sa thải vào dịp cuối năm, thị trường không tốt lắm nên không nhà máy nào tuyển cấp độ quản lý có mức lương bằng công ty cũ. Tôi cũng không thể trở lại nơi cũ vì họ đã có giám đốc khác. Sự việc lần này khiến tôi cảm thấy mình đã quá dễ bị câu kéo bởi mức lương cao và cảm giác muốn chứng tỏ bản thân, “ghi danh, lập công” mà không cân nhắc các yếu tố khác. Tôi chỉ có lời khuyên dành cho những người đang có ý định “nhảy việc” từ doanh nghiệp lớn về doanh nghiệp nhỏ, hãy chuẩn bị cho những sự khác biệt bạn phải đối mặt, có sự cân nhắc và chuẩn bị kỹ càng thay vì bổng bột như tôi.

Theo Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM