Nhật ký một gia đình có người bị ung thư trong những ngày phong tỏa ở Vũ Hán: Tê liệt, hoảng sợ tưởng không thể gượng dậy được

13/04/2020 09:08 AM | Sống

Zhang Xizhi - một cư dân Vũ Hán và là nhiếp ảnh gia - đã ghi lại cuộc sống của gia đình anh trong những ngày phong tỏa. Họ trải qua dịp Tết lạ lùng nhất cuộc đời và cảm thấy bị tê liệt khi phải giam mình trong nhà quá lâu.

Gia đình nhỏ của chúng tôi gồm có 3 người, đều sinh ra và lớn lên ở Vũ Hán. Mặc dù không nhiễm Covid-19, việc bị cầm chân trong nhà suốt 2 tháng trời khiến cảm xúc của cả nhà như bị ngồi trên tàu lượn siêu tốc, đảo lộn liên hồi.

Tôi biết tin Vũ Hán bị phong tỏa hoàn toàn vào sáng sớm ngày 23/1. Ban đầu tôi không cảm thấy quá bất ngờ do đã theo dõi tin tức về căn bệnh viêm phổi lạ bắt đầu từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, khi nhìn thấy video các tuyến tàu điện ngầm đóng cửa vào trưa hôm đó, tôi đã vô cùng kinh ngạc.

Những ngày đầu phong tỏa

Danh sách thực phẩm của gia đình tôi đã đột ngột mở rộng, không chỉ chuẩn bị cho Tết cổ truyền mà còn giúp sống sót qua thời gian phong tỏa. Bố không muốn tôi rời khỏi nhà nên khăng khăng đòi đi mua đồ. Chuyện tôi có thể làm chỉ là đảm bảo bố mang khẩu trang, găng tay và giữ khoảng cách với người khác.

Người bố ra ngoài mua một ít thực phẩm

Khi trở về nhà, bố nói toàn bộ khu dân cư đã hoàn toàn vắng lặng, nhóm cụ già thường tụ họp dưới sân cũng biến mất không dấu vết. Giá nhu yếu phẩm thì tăng lên tới 50%. Tại hiệu thuốc, các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn và thiết bị bảo hộ đều đã hết sạch.

Ngày thứ hai phong tỏa, chúng tôi quyết định lái xe một vòng thành phố (trước khi lệnh cấm phương tiện cá nhân có hiệu lực). Bố đã tình nguyện làm tài xế, vì vậy tôi có thể tập trung vào việc chụp ảnh, ghi lại Vũ Hán đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau 24 giờ. Mẹ nói rằng bố con tôi mất trí nên mới ra ngoài vào thời điểm đó.

Vũ Hán trong dịp Tết ngày 24/1/2020 (trái) và cách đây 4 năm

Khi đến trung tâm thành phố, chúng tôi nhận ra những con đường náo nhiệt ngày nào đã chết lặng chỉ sau một đêm, giống như Vũ Hán đột nhiên bất tỉnh. Những đám đông vốn tụ tập xung quanh các tọa độ nổi tiếng như tháp truyền hình Núi Rùa, Hoàng Hạc lâu hay đường Jiefang đều đã biệt tăm. 

Tôi muốn thông qua ống kính để ghi lại những sự thay đổi bất thường này. Mọi người đưa mắt nhìn về dãy rào chắn với tâm trạng bối rối và mất hết hi vọng. Trong khi đó, những người bán hàng rong, người vô gia cư vẫn cặm cụi bước trên vỉa hè dù mọi cửa tiệm đã đóng cửa. Họ đang làm gì vậy? Làm sao họ có thể sinh tồn giữa dịch bệnh kinh khủng này?...

Nhật ký một gia đình có người bị ung thư trong những ngày phong tỏa ở Vũ Hán: Tê liệt, hoảng sợ tưởng không thể gượng dậy được - Ảnh 1.
Nhật ký một gia đình có người bị ung thư trong những ngày phong tỏa ở Vũ Hán: Tê liệt, hoảng sợ tưởng không thể gượng dậy được - Ảnh 2.

Khắp nơi ở Vũ Hán đã im ắng nhưng những người vô gia cư, bán hàng rong vẫn không tìm được nơi trú ẩn an toàn.

Ngày Tết "không còn truyền thống"

Ngày 24/1, mùng 1 Tết, mẹ tôi vẫn dậy sớm như thường lệ. Chị họ của tôi - một tiếp viên hàng không - vừa nhắn trong group chat gia đình rằng mọi chuyến bay đều bị đình chỉ. Mẹ tôi đáp lại: "Vậy cũng không quá tệ. Con hãy tận dụng mà nghỉ ngơi một chút".

Bố tôi hút thuốc đã nhiều năm, bị viêm phế quản mãn tính và ho dai dẳng. Khi thành phố đột nhiên phong tỏa, mẹ tôi nhằn: "Nếu ông cứ liều lĩnh ra ngoài rồi ho như vậy, chắc chắn sẽ bị bắt ngay".

Dù mẹ cố làm cho bầu không khí bớt ngột ngạt, nhưng thực ra bà vô cùng lo lắng. Mẹ tôi gần 60 tuổi, suốt 5 năm chống chọi với bệnh ung thư phổi. Căn bệnh do chủng virus mới gây ra sẽ là một mối nguy hiểm chết người đối với cả bố lẫn mẹ. Bà cũng nói rằng việc thành phố phong tỏa là sự kiện lớn lao nhất mà mình từng chứng kiến trong cuộc đời.

Bữa cơm đoàn viên với họ hàng đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, cả nhà 3 người chúng tôi vẫn đóng cửa im lìm suốt ngày. Bố tôi nấu món Huangpi Sanxian đặc trưng của Vũ Hán, gồm cá viên, thịt viên và thịt xay nhuyễn. Chúng tôi cùng ăn tối và chúc nhau một năm Canh Tý bình an.

Món ăn truyền thống của Vũ Hán

Bố tôi cứ liên tục ho, và vì đã ra ngoài để mua đồ nên ông nghĩ mình nhiễm virus. Sau bữa ăn ngày mùng 1, bố liền về phòng, để lại mẹ một mình xem chương trình Gala Xuân ngoài phòng khách. Mẹ rất căng thẳng khi thành phố phong tỏa, nhưng chương trình tivi đã xoa dịu tinh thần một chút. "Mẹ thấy Gala năm nay vẫn có ý nghĩa lớn với người Vũ Hán, giúp chúng ta cảm thấy ít bị tổn thương hơn".

Trước đó, chúng tôi cũng không dự định đi khỏi Vũ Hán. Mẹ nói: "Rời đi không phải là một quyết định sáng suốt. Điều mà chúng ta có thể làm để bảo vệ bản thân và mọi người chính là khóa trái cửa và ở yên trong nhà".

Thời khắc tăm tối nhất

Từ ngày 25 đến 27/1, chúng tôi nhận được hàng loạt tin xấu về dịch bệnh bùng phát, diễn biến càng lúc càng nghiêm trọng. Khi em họ nói rằng bạn học của nó đã qua đời trong bệnh viện, mẹ tôi chỉ nhắn lại trong group chat: "Thật là kinh khủng". Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, bà tiếp tục phá vỡ sự im lặng với một tin nhắn khác: "Trong dòng họ nhà mình, tôi là người có sức khỏe yếu nhất vì bệnh ung thư. Nếu nhiễm virus, tôi chắc sẽ không qua khỏi", kèm theo 2 chiếc emoji mặt khóc.

Nhật ký một gia đình có người bị ung thư trong những ngày phong tỏa ở Vũ Hán: Tê liệt, hoảng sợ tưởng không thể gượng dậy được - Ảnh 3.

Mẹ của tác giả nhắn tin trong group chat gia đình

Mẹ tôi bị đau răng suốt cả tuần, vì vậy tôi cố gắng ra ngoài để mua thuốc. Khi về đến nhà, tôi thấy mẹ đang khóc trong phòng ngủ. Bà vừa biết tin có họ hàng nhiễm virus corona và đang gọi khắp nơi để tìm giường bệnh. Tôi thật đau lòng khi thấy mẹ bật khóc trong sự hoảng loạn và tuyệt vọng như vậy.

Do bố tôi là viên chức nên phải rời khỏi nhà, phụ giúp công tác kiểm soát dịch bệnh ở khu dân cư. Chúng tôi cũng nhờ bố mua hết các nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, mẹ tôi đã cạn dầu thuốc chữa ung thư và phong thấp, bà đành phải chia nhỏ hơn liều lượng mỗi ngày.

Tôi đã sống ở Vũ Hán 29 năm. Với tôi, thành phố này có tất cả bạn bè, bà con và những người thân quen. Rồi đột nhiên, tôi phải cắt đứt mọi liên lạc, có thể là mãi mãi không thể gặp lại nếu ai đó nhiễm bệnh rồi qua đời. Đường phố ngoài kia cũng vắng lặng đến rợn người, chỉ còn tiếng xe tải phun thuốc khử trùng. Đây có lẽ là thời khắc đen tối nhất của Vũ Hán.

Tê liệt

Ngày 2/2, Vũ Hán dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Đầu tiên, đường cao tốc được thông xe, sau đó tuyến đường chính yếu trong nội thành cũng được lưu thông trở lại, và rào chắn ở khu nhà chúng tôi gỡ bỏ dần dần. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài liên tục ở nhà như bị giam lỏng, chúng tôi đã đánh mất khái niệm thời gian rồi.

Nhật ký một gia đình có người bị ung thư trong những ngày phong tỏa ở Vũ Hán: Tê liệt, hoảng sợ tưởng không thể gượng dậy được - Ảnh 4.

Từ phòng ngủ của tác giả, có thể nhìn thấy những ô cửa sáng đèn le lói ở tòa chung cư đối diện.

Suốt nhiều ngày chỉ ăn với ngủ, tôi vẫn sụt mất 3 kg, mẹ nói là do quá lo lắng. Khi tôi hỏi tâm trạng của mẹ thế nào, bà nói rằng mình bị tê liệt. "Mẹ không biết chừng nào mọi thứ sẽ kết thúc. Cứ tù túng thế này sẽ khiến mẹ phát điên mất". Tuy nhiên, trong lần đầu tiên ra trước nhà vào trưa ngày 14/3, mẹ tôi lại hoảng loạn khi chứng kiến có người tiến về phía mình trong bộ đồ bảo hộ. Trong nhất thời, bà không thể chấp nhận cảnh tượng kỳ lạ đó.

Bạn bè bên ngoài Vũ Hán cũng hỏi thăm: "Có phải mọi chuyện đã dần tốt hơn rồi không?". Phải, mọi thứ khá hơn, nhưng không thể phủ nhận vẫn còn quá nhiều vấn đề tồn đọng.

Nhật ký một gia đình có người bị ung thư trong những ngày phong tỏa ở Vũ Hán: Tê liệt, hoảng sợ tưởng không thể gượng dậy được - Ảnh 5.

Vũ Hán nới lỏng lệnh phong tỏa từ nửa cuối tháng 3, chính thức dỡ bỏ vào ngày 8/4. Nhưng cuộc chiến để đẩy lùi ám ảnh tâm lý sẽ còn kéo dài.

Nhà thơ Feng Zhi từng viết năm 1948: "Sự chịu đựng của con người cũng giống như một cái cây đứng giữa mùa đông, oằn mình trong gió tuyết, không còn nơi nào trú ẩn. Lúc đó, những chiếc áo khoác lộng lẫy cũng phơi bày ra tội lỗi, chỉ những người sống sót mới dám đối diện trực tiếp với sự thật. Những lời nói của anh ta có thể sẽ chối tai như cơn ho giữa buổi đêm tịch mịch, nhưng chúng đủ sức lay động và thức tỉnh những ai lắng nghe, bởi vì chúng đại diện cho âm thanh của sự sống".

Ở Vũ Hán lúc này, âm thanh của sự sống nhắc nhở chúng tôi rằng, bất kỳ ai qua đời trong dịch bệnh đều có liên quan đến chúng tôi. Đại dịch sẽ qua đi, thành phố sẽ phục hồi, nhưng người chết thì không thể sống lại. Điều chúng ta cần làm không phải là lãng quên, mà hãy xây dựng một tượng đài kỉ niệm cho họ trong trái tim mình.

Nhật ký một gia đình có người bị ung thư trong những ngày phong tỏa ở Vũ Hán: Tê liệt, hoảng sợ tưởng không thể gượng dậy được - Ảnh 6.

Hoa mộc lan nở rộ ở Vũ Hán ngày 8/3/2020. Lúc đó, thời tiết vẫn lạnh lẽo nhưng dịch bệnh đã dần được đẩy lùi!

(Bài, ảnh: Zhang Xizhi | Sixth Tone)

Theo Jayden

Cùng chuyên mục
XEM