Nhật Bản sẽ thay thế Trung Quốc thành đầu tàu nhập khẩu rác?

10/10/2017 08:54 AM | Xã hội

Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu tới 45 triệu tấn rác thải kim loại, giấy, nhựa… với tổng trị giá 18 tỷ USD.

Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều rác thải của thế giới để tái chế, từ chai nhựa đến máy tính hỏng để rồi tiêu thụ hoặc xuất khẩu lại sang các nước khác. Nhờ mảng kinh doanh này mà Trung Quốc đã tiết kiệm được hàng triệu tấn nguyên vật liệu cũng như thúc đẩy mảng tái chế trên toàn cầu. Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu tới 45 triệu tấn rác thải kim loại, giấy, nhựa… với tổng trị giá 18 tỷ USD.

Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố muốn dừng là quốc gia dẫn đầu trong mảng này vào tháng 7 vừa qua bằng quyết định tạm dừng nhập khẩu một số loại rác. Tuyên bố này khiến nhiều công ty tái chế trên thế giới phải cuống cuồng tìm thị trường mới thay vì tốn tiền chôn chúng xuống dưới đất.

Với mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, quyết định của Trung Quốc là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra hiện nay là quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc trở thành đầu tàu của mảng tái chế. Theo nhiều chuyên gia, Nhật Bản với công nghệ tái chế hiện đại nhiều khả năng có thể đảm đương được vai trò này.

Cũng tương tự như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản đã xuất khẩu rất nhiều rác sang Trung Quốc trong nhiều thập niên. Nguyên nhân rất đơn giản, mảng tài chế tiết kiệm chi phí và đem lại lợi nhuận cho các công ty Trung Quốc trong khi Nhật Bản có thể giảm bớt rác thải thay vì tốn tiền đem chôn. Ví dụ thép tái chế chỉ cần 40% nhiên liệu và năng lượng so với hoạt động sản xuất thép mới, khiến thành phẩm rẻ hơn.

Không riêng gì Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới cũng có ngành tái chế. Tại Mỹ, gần 40% nguồn cung Aluminium đến từ tái chế trong khi gần 50% kim loại đồng ở Trung Quốc đến từ các bãi rác thải. Năm 2015, khoảng 180 triệu tấn rác đã được giao dịch trên toàn thế giới với tổng trị giá 87 tỷ USD.

Trên thực tế, việc tái chế nguyên liệu từ những thiết bị điện tử được cho là rẻ hơn so với khai thác ở các mỏ quặng, đi kèm với đó là nhân công ít cùng không cần quá nhiều giấy phép để hoạt động ở Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh điểm, một số khu vực tái chế nổi tiếng của Trung Quốc có thể sản xuất được 20 tấn vàng/năm từ những thiết bị điện tử cũ, tương đương 10% tổng sản lượng khai thác vàng của Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên, tiệc vui chóng tàn và giờ đây nhiều doanh nghiệp nước ngoài, cả những công ty xuất khẩu rác lẫn những hãng nhập khẩu nguyên liệu tái chế từ Trung Quốc đang phải tìm hướng đi mới khi chính quyền Bắc Kinh hạn chế mảng kinh doanh này.

Tại Nhật, nhiều doanh nghiệp đang phát triển công nghệ tái chế sạch tiên tiến và đặt cơ sở trong nước lẫn nước ngoài nhằm thay thế mảng tái chế của Trung Quốc.

Ví dụ hãng Mitsubishi Materials đang đầu tư hơn 100 triệu USD nhằm tái chế các thiết bị điện tử cũng như ắc quy Lithium cho xe điện. Ban đầu, Mitsubishi chỉ nhắm tới thị trường Nhật Bản, sau đó mới tính đến chuyện mở nhà máy ở Hà Lan để phục vụ thị trường Châu Âu.

Mặc dù dự án này được cho là chưa thể hoàn thành trước năm 2021 nhưng Mitsubishi coi khoản đầu tư này là dài hạn. Nếu thành công, mảng tái chế của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh vô cùng lớn từ các nước khác với công nghệ sạch và chi phí rẻ hơn.

AB

Cùng chuyên mục
XEM