Nhật Bản "méo mặt" vì giá nhiên liệu tăng, lạm phát đe dọa cả nền kinh tế

22/11/2021 13:59 PM | Xã hội

Số liệu lạm phát chính thức mà chính phủ Nhật Bản công bố trông có vẻ khiêm tốn so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên giá nhiều mặt hàng chủ chốt, trong đó có năng lượng, đã tăng vọt.

Trong lúc mùa đông đang dần đến trên đất Nhật Bản, người tiêu dùng và các công ty ở đây cũng bắt đầu cảm nhận được những hệ lụy từ xu hướng giá năng lượng leo thang. Atsushi Tsukui (29 tuổi) chỉ là một trong số rất nhiều người kinh doanh đang phải chịu nhiều áp lực.

Hai vợ chồng anh nối nghiệp kinh doanh 1 phòng tắm hơi công cộng (sento) của gia đình từ tháng 7 vừa qua. Giá dầu hỏa kerosense – loại nhiên liệu thường dùng trong các phòng tắm hơi ở Gunma, địa phương cách thủ đô Tokyo 90km – đã trở nên quá đắt đỏ, tăng vọt 24% chỉ trong hơn 1 tháng. Tsukui đang tính đến việc thay thế bằng củi.

Số liệu lạm phát chính thức mà chính phủ Nhật Bản công bố trông có vẻ khiêm tốn so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên giá nhiều mặt hàng chủ chốt, trong đó có năng lượng, đã tăng vọt. Tháng này giá xăng chạm mốc cao nhất 7 năm và chính phủ dự báo mùa đông này nguồn cung điện sẽ căng thẳng nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây. Giá dầu tăng khiến chi phí sản xuất điện tăng mạnh, trong khi La Nina khiến khu vực Bắc Á trải qua mùa đông lạnh hơn so với thông thường.

Những ngành tiêu tốn nhiều nhiên liệu như vận tải và luyện kim bị ảnh hưởng nặng nhất, nhưng toàn bộ nền kinh tế đang cảm nhận những tác động rõ rệt.

Kinh tế Nhật Bản hồi phục khá chậm chạp sau đại dịch, do đó phải gánh thêm 1 gánh nặng như giá nhiên liệu tăng vọt là điều tồi tệ. Theo nhận định của Harumi Taguchi, chuyên gia kinh tế của IHS Markit, mức độ phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu của Nhật Bản là khá cao so với các quốc gia phát triển khác.

Trong nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng, cuối tuần trước Thủ tướng Fumio Kishida thông báo sẽ hỗ trợ những ngành như đánh bắt cá và vận tải, cùng với trợ giá cho các nhà máy lọc dầu để người tiêu dùng không phải chịu cú sốc giá. Các doanh nghiệp nhỏ cũng được tiếp cận các khoản vay khẩn cấp.

Nhật Bản đang xem xét lựa chọn hợp tác với các nước như Mỹ để mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược. Hôm 18/11 Trung Quốc đã tuyên bố sẽ làm như vậy, và Mỹ đang vận động các nước gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc làm điều tương tự.

Quay trở lại lần gần nhất giá dầu tăng mạnh là năm 2008, chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản đã giảm mạnh đến nỗi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Mặc dù Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda khẳng định giá nhiên liệu tăng là điều tất yếu của 1 thế giới đang hồi phục hậu đại dịch, lạm phát đã khiến các chuyên gia kinh tế ở Mỹ và nhiều nước khác phải ngạc nhiên trong vài tuần gần đây.

Hiroaki Muto, chuyên gia kinh tế đang công tác tại Sumitomo Life Insurance, cho rằng tác động của lạm phát chỉ hạn chế trong các ngành như vận tải và nông, ngư nghiệp. Tuy nhiên, Tsukui vẫn đang phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu tối đa những tác động lên phòng tắm hơi nho nhỏ của mình.

Chẻ củi và đảm bảo lửa không bị tắt giữa chừng. Tích trữ thêm kerosense ngay khi giá hạ nhiệt. Đó là những biện pháp mà anh đang thực hiện. Tuy nhiên chắc chắn những tháng mùa đông sắp tới sẽ rất khó khăn. Giá vé vào cửa phải theo quy định của quận, vì thế Tsukui không thể tùy tiện tăng giá. Anh vẫn đang đợi các chính sách hỗ trợ của chính quyền nhưng không ngừng lo lắng về tương lai.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM