Nhân vô thập toàn: Lắm tài như Steve Jobs cũng khó tránh khỏi nhiều tật xấu nguy hiểm, các nhà lãnh đạo chớ học theo khi điều hành công ty

28/10/2021 21:07 PM | Kinh doanh

Tôi đã bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm, nghiên cứu về các đặc điểm lãnh đạo của Steve. Và tôi nghĩ rằng nó sẽ mang đến cho những người điều hành và các doanh nhân đang sùng bái Steve Jobs một góc nhìn hoàn toàn khác.

Bạn nghĩ tôi thật ngớ ngẩn? Không, tôi biết mình đang làm gì. Tôi đã bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm, nghiên cứu về các đặc điểm lãnh đạo của Steve. Và tôi nghĩ rằng nó sẽ mang đến cho những người điều hành và các doanh nhân đang sùng bái Steve Jobs một góc nhìn hoàn toàn khác.

Dù đang viết bài báo này bằng chiếc MacBook Pro, một sản phẩm rất thành công đến từ "đế chế" Steve, tôi vẫn kiên trì với suy nghĩ của mình: Với tư cách là một nhà lãnh đạo, ông ấy thật sự đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn gửi đến các doanh nhân đang mặc áo in hình Jobs rằng: "Steve không phải là một tấm gương ‘sáng’ trong phong cách quản lý. Điều mà bạn có thể học từ ông ấy là cách nuôi dưỡng niềm đam mê và phấn đấu để đạt được nó." (Walter Isaacson)

Steve Jobs là một thiên tài trong lĩnh vực sáng tạo, ông là người đã góp phần thay đổi cách mà chúng ta nói chuyện, sống và làm việc. Steve theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, đến nỗi không một ai có thể sao chép chất lượng của các thiết bị do Apple sản xuất dưới thời của ông, ngay cả sau gần một thập kỷ khi ông đã qua đời.

Bên cạnh đó, Steve Jobs là một nhà lãnh đạo chuyên chế, một người cha thất bại, một người chồng tồi tệ và là một kẻ "đạo đức giả", ông đã tạo ra và bán các sản phẩm của mình cho những người khác nhưng lại không cho con cái sử dụng chúng. Ông cũng là một người đàn ông cô độc và bị mọi người xung quanh ghét bỏ. Bạn thích ông ấy? Tôi biết. Nhưng hãy thử hỏi những người từng làm việc với ông, bị sa thải, bạn sẽ biết câu trả lời.

Vậy đâu là những sai lầm trong việc lãnh đạo mà Steve Jobs mắc phải?

1. Ông là một kẻ "đạo đức giả"

Steve rất tự hào khi iPad và iPhone trở thành những sản phẩm mà người người, nhà nhà trên khắp thế giới đều săn đón. Thế nhưng các thiết bị này lại hoàn toàn không được phép xuất hiện tại nhà của ông. Trong khi đó, iPad được lấy cảm hứng từ Axitron của Modbook và rất nhiều các dòng máy tính bảng khác trên thị trường, ông đã sao chép một Hệ điều hành tương tự như iOS và nói đó là sứ mệnh. Steve xây dựng công ty của mình bằng cách sử dụng các công cụ mã nguồn mở, và trớ trêu thay, ông đã khiến hệ sinh thái của Apple trở nên khép kín.

2. Steve gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh

Jobs là một người nhìn xa trông rộng, nhưng giao tiếp kém. Đã rất nhiều lần, ông nói rằng: "Tôi thường tự hỏi, tại sao các bạn không hiểu được tôi" trong khi chính bản thân ông lại không thể truyền đạt rõ ràng những gì mà mình mong muốn. Steve thường ngắt lời mọi người trong các buổi họp và không kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của họ. Đối với ông, thuyết trình rất đơn giản, nhưng giao tiếp lại là một rào cản khó mà vượt qua.

3. Ông tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp độc hại

Văn hóa doanh nghiệp của Apple dưới thời Steve Jobs là sự không tin tưởng. Tất cả nhân viên đều sẽ làm việc trong các văn phòng bí mật và bị giám sát nghiêm ngặt. Những người có thành tích không đạt sẽ bị sa thải ngay lập tức và nỗi sợ hãi trở thành nguồn động lực chính cho hiệu suất của công ty. Thậm chí mọi người còn không dám đi chung thang máy với ông.

4. Steve luôn muốn người khác phải chú ý đến mình

Bạn có thể nghĩ đến một cái tên nào khác gắn liền với Apple ngoài Steve Jobs? Chắc hẳn là không. Người đồng sáng lập Steve Wozniak đã phát minh ra chiếc máy tính Apple đầu tiên, nhưng rất hiếm khi ông được Steve Jobs nhắc đến. Trong một cuộc phỏng vấn, Jonathan Ive, giám đốc thiết kế của Apple cho biết: "Tôi rất quan tâm đến nguồn gốc của một ý tưởng nào đó. Thậm chí tôi còn giữ cả những cuốn sổ ghi đầy những ý tưởng cho mỗi một thiết kế của mình." Và Jobs thì không như vậy.

5. Ông kiêu ngạo và khó chịu khi phải nhận những phản hồi

Khi nhận được những phàn nàn vì iPhone 4 gặp vấn đề về tín hiệu, ông tỏ ra rất khó chịu và gọi người dùng là những kẻ ngốc. Mặc dù, vấn đề đã được khắc phục sau khi hàng triệu đơn đặt hàng bị hủy bỏ, nhưng Steve vẫn không hề tỏ ra hối hận về hành vi của mình. Cách mà ông ấy hành xử là "Tôi luôn đúng" và "Hãy làm theo những gì tôi nói."

6. Lòng tham dẫn đến những việc làm vô đạo đức

Nhân viên tại các nhà máy Foxconn, nơi sản xuất iPhone ở Trung Quốc bị đối xử rất tồi tệ (lương thấp, điều kiện sống vô cùng thiếu thốn…). Đỉnh điểm là tại Vũ Hán, từng có 150 công nhân dọa sẽ tự tử tập thể nếu không có câu trả lời thích đáng. Vậy khi đó Jobs, một người am hiểu về mọi khía cạnh của kinh doanh đang ở đâu và làm gì?

7. Steve không tin vào sức mạnh tập thể và sự hợp tác

Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo đang cố gắng để bứt phá bằng cách tận dụng sức mạnh của tập thể thì Steve lại không tin vào điều đó. Báo AIM Online có viết "Apple khuyến khích nhân viên của mình làm chủ sự phát triển của năng lực chuyên môn, liên tục học hỏi các kỹ năng cần thiết để đảm nhận các dự án mới." Và không có gì đáng ngạc nhiên khi một thập kỷ trôi qua, sau khi ông qua đời, Apple không có bất kỳ một dấu ấn mang tính đột phá nào.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những sai sót đó, Steve Jobs vẫn tạo ra một công ty mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các cổ đông và đem đến những sản phẩm mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được.

Tóm lại, Steve Jobs là một người có tầm nhìn xa trông rộng với nhiều quan điểm thú vị. Giá trị mà ông tạo ra cho người tiêu dùng đã xóa mờ mọi sai sót và khiến hàng triệu người trên thế giới phải khâm phục. Và một lời khuyên dành cho bạn là hãy cân nhắc thật kỹ trước khi học theo tư duy lãnh đạo của Jobs.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM