Nhân viên y tế "dứt áo" bệnh viện công

01/08/2022 17:17 PM | Xã hội

Việc nhiều, thu nhập thấp đã khiến gần 9.400 viên chức y tế "dứt áo" ra đi tìm cơ hội mới để phát triển bản thân, ổn định cuộc sống

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới có 6 y - bác sĩ nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới có 6 y - bác sĩ nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Chị Hoàng Trần Sao Mai (SN 1994) là bác sĩ Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Dù vậy, thu nhập của chị chỉ 4,6 triệu đồng/tháng. Cách đây không lâu, chị nộp đơn xin nghỉ việc khiến nhiều người tiếc nuối.

Bác sĩ trẻ nản lòng

Bác sĩ Mai cho biết bản thân may mắn được về công tác trong những bệnh viện khu vực hàng đầu của tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, do áp lực công việc cộng với mức đãi ngộ quá thấp đã khiến chị "dứt áo" ra đi. "Xin nghỉ việc là quyết định mạo hiểm, tôi đã đắn đo và cân nhắc lắm. Nhưng do làm ở bệnh viện công với khối lượng việc lớn, lương thấp, nhà xa, phải ở trọ, chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ trang trải…" - chị Mai trải lòng và cho biết sẽ học thêm một chuyên ngành khác, sau đó xin vào làm tại một hệ thống bệnh viện tư.

Tương tự là trường hợp của bác sĩ trẻ Hoàng Quang Huy, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Anh xin nghỉ việc sau 2 năm công tác ở đây. Bác sĩ Huy cho biết bệnh viện tuyến huyện còn nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng công việc; cơ hội phát triển, học tập chưa cao và cuối cùng là mức thu nhập thấp. "Tôi vào TP HCM học thêm về chuyên ngành nhãn khoa, sau đó xin vào bệnh viện tư làm việc - nơi có trang thiết bị hiện đại, có thể nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm và quan trọng là điều kiện đãi ngộ tốt" - bác sĩ Huy tâm sự.

Quyết định từ bỏ công việc từng gắn bó gần 5 năm, chị N.T.H.L - bác sĩ đa khoa tại trung tâm y tế một quận của TP Đà Nẵng - cho biết sắp tới sẽ theo học một lớp y khoa thẩm mỹ tại TP HCM.

Cách đây hơn 2 năm, chị L. chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ việc nhưng tâm tư đó bắt đầu nhen nhóm suốt thời gian dịch Covid-19 vì việc nhiều mà thu nhập chưa tới 10 triệu đồng/tháng. "Tình trạng thiếu thuốc diễn ra thường xuyên khiến chúng tôi phải kê đơn vừa mức. Người bệnh không được nhận thuốc tốt nên phản ứng, mắng nhiếc y - bác sĩ. Nhiều hỗ trợ của ngành không đến tay lực lượng trực tiếp thăm khám bệnh nhân khiến chúng tôi nản lòng" - chị L. nói.

9.397 người tìm hướng đi mơi

Các trường hợp bác sĩ kể trên là 3 trong số hàng ngàn viên chức y tế đã rời bỏ bệnh viện công trong hơn 1 năm qua. Theo Thứ trưởng phụ trách Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, giai đoạn năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Các tỉnh, thành phố có số viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc nhiều như: TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang…

Tại TP Hà Nội, trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, toàn ngành y tế thủ đô có 857 người xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Tại TP HCM cao hơn, khi chỉ tính riêng năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và riêng quý I/2022 đã có gần 400 người.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết từ năm 2021 đến nay, tỉnh có 328 viên chức y tế nghỉ việc. Ngành y tế địa phương này đang thiếu khoảng 600 biên chế trong bối cảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, quy mô 1.500 giường, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Từ đầu năm đến nay, An Giang có đến 145 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế xin thôi việc. Nơi có bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nhất tỉnh là Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang với 35 người. Ông Nguyễn Văn Ngọc Răng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang, cho biết trong lúc dịch Covid-19 bùng phát thì các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế luôn cố gắng phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, sau đại dịch, nguồn thu của bệnh viện khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập nên có nhiều người xin nghỉ.

Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác không chỉ xảy ra ở các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới mà cả tuyến trung ương. Thống kê cho thấy từ năm 2021 đến nay có 420 viên chức y tế công tác tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Điển hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới trực thuộc Bộ Y tế đóng tại tỉnh Quảng Bình trong 6 tháng đầu năm 2022 chứng kiến "cuộc ra đi" của 6 y - bác sĩ và sắp tới nhiều người cũng rục rịch nghỉ.

Lương bác sĩ chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết những người nghỉ việc hầu hết đã có bằng sau đại học, tay nghề cao, tập trung ở các bệnh viện lớn như: Đức Giang, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông... Việc các nhân viên y tế nghỉ việc có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do tác động bởi 2 năm vất vả gồng mình chống dịch Covid-19 nhưng thu nhập giảm sút vì nhiều cơ sở y tế giảm nguồn thu. Ông Hưng cho biết lương bình quân đối với một bác sĩ ở y tế cơ sở chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Để tăng thu nhập đối với viên chức y tế xã, phường rất khó vì công tác khám chữa bệnh chưa được triển khai nhiều.

Còn theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền, phần lớn bác sĩ xin nghỉ việc để chuyển nơi công tác - từ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Trong khi đó, nhiều nhân viên y tế và điều dưỡng do thu nhập thấp nên đã nghỉ làm ngành y, chuyển hẳn sang làm việc khác. "Tình huống này sở chỉ có thể động viên, chia sẻ, còn lại là do cá nhân quyết định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong cơ quan cấp cao hơn có những chính sách đặc thù để hỗ trợ đội ngũ ngành y tế. Vì thực tế, bác sĩ mới ra trường rất khó có thu nhập tốt để cống hiến tại các bệnh viện công" - ông Hiền chia sẻ.

Không có thời gian nâng tay nghề

Ngoài vấn đề tiền lương, nhiều nhân viên y tế cho rằng lý do khác dẫn tới quyết định nghỉ việc là không có thời gian để nâng cao tay nghề. Anh Văn Nam - nhân viên y tế tại huyện Bình Chánh, TP HCM - cho biết anh chịu trách nhiệm một lúc 5-6 đầu việc nên phải làm hết sức mới đáp ứng được. Anh dự định học chuyên tu lên bác sĩ nhưng không có thời gian. Hơn nữa, muốn tiếp tục học lên, anh phải học chuyển đổi từ y sĩ sang cử nhân điều dưỡng hoặc thi lại đại học theo quy định mới của Bộ Y tế. Sau nhiều đắn đo, anh quyết định chia tay nghề y.

Theo P.V

Cùng chuyên mục
XEM