Nhân viên nháo nhào đòi bán tài sản, tỷ phú đứng sau sàn tiền số FTX từng sở hữu hàng chục tỷ đô giờ sắp 'không còn một đồng'

11/11/2022 16:23 PM | Kinh doanh

Theo Bloomberg, những người này đang rao bán các tài sản trong đó có cả nền tảng thanh toán bù trừ Embed và quyền đặt tên cho một đấu trường ở Miami.

Nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, các nhân viên của FTX.US - một “thành viên” trong đế chế tiền số thuộc sở hữu của Sam Bankman-Fried, đang nháo nhào bán tài sản. Dù “quang cảnh” ở nơi này đang khá hỗn loạn, vị tỷ phú trẻ vẫn chia sẻ hôm 10/11 rằng: “Người dùng của chúng tôi vẫn ổn!”

Cụ thể, các nhân viên của sàn giao dịch tiền số tại Mỹ đang thảo luận về việc bán bớt một số bộ phận của FTX, bao gồm một số tài sản mà Bankman-Fried sở hữu sau một đợt thâu tóm lớn trên toàn bộ lĩnh vực tiền số. Những người này - ở một số kế hoạch không có sự tham gia của Bankman-Fried, đang rao bán các tài sản trong đó có cả nền tảng thanh toán bù trừ Embed và quyền đặt tên cho một đấu trường ở Miami.

Đế chế của Bankman-Fried đã gặp vấn đề lớn khi cuộc khủng hoảng thanh khoán tại FTX.com - sàn giao dịch tiền số liên kết với FTX.US, đã xảy ra vào tuần này. Tỷ phú 30 tuổi giữ chức giám đốc điều hành của cả 2 công ty.

Dù đây là 2 thực thể riêng biệt, nhưng các nhà đầu tư vẫn cực kỳ lo ngại về ranh giới mờ nhạt giữa những lợi ích kinh doanh của Bankman-Fried. FTX.US mới đây thông báo các khách hàng nên đóng bất kỳ vị thế nào mà họ muốn và hoạt động giao dịch có thể bị tạm dừng trong vài ngày tới.

Trong một loạt các bài đăng mới trên Twitter, Bankman-Fried đã nói lời xin lỗi, đồng thời đề cập chi tiết đến những bước đi sai của ông và thất bại trong việc hiểu rõ một số rủi ro. Ông cũng cho biết, FTX.US “không bị ảnh hưởng về mặt tài chính” bởi các sự kiện trong vài ngày qua. Ông chia sẻ: “Thanh khoản của FTX.US vẫn đạt 100%. Mọi người vẫn hoàn toàn có thể rút tiền. Những cập nhật mới về tương lai của sàn sẽ sớm được công bố.”

FTX.com đang đối mặt với khoản thiếu hụt lên đến 8 tỷ USD. Do đó, Bankman-Fried đã nỗ lực gọi vốn để “giải cứu” và thông báo cần 4 tỷ USD để duy trì hoạt động. Song, thoả thuận đã đạt được với Binance bất ngờ đổ bể vào ngày 9/11. Hôm qua, Bankman-Fried cho biết Alameda Research - một nhà tạo lập thị trường do vị CEO này sở hữu, đang gặp khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Theo Bloomberg, việc bán bớt tài sản sẽ trở nên phức tạp vì nhiều nguồn tin cho rằng công ty này có thể sẽ phá sản. Các bên mua tiềm năng đôi khi không muốn giao dịch với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn đặc biệt, vì các chủ nợ có thể yêu cầu thẩm phán loại bỏ các thương vụ bán tài sản do việc này không mang lại lợi ích tốt nhất cho những người đang gặp vấn đề về tài chính.

Các cố vấn có kinh nghiệp cải tổ doanh nghiệp tiền số cho biết, dù FTX có thể sẽ trở thành trường hợp cần tái cơ cấu được cho là khá hấp dẫn, nhưng một số ngân hàng vẫn do dự khi tham gia. Nguyên nhân là bởi họ cần tìm hiểu rõ hơn về các thương vụ kinh doanh của công ty này.

Khối tài sản của Bankman-Fried đã chịu ảnh hưởng lớn. Sau thông báo của FTX.US về khả năng tạm ngừng giao dịch, Bloomberg Billionaires Index dự báo giá trị của sàn này sẽ sụt giảm xuống 1 USD, dù được định giá 8 tỷ USD trong vòng gọi vốn hồi tháng 1. Trong khi đó, Bankman-Fried sở hữu 70% công ty.

Ngoài ra, 7,6% cổ phần của Bankman-Fried trong Robinhood Markets Inc. cũng bị “xoá sổ”, sau khi Reuters đưa tin số cổ phần này được sở hữu thông qua Alameda và có thể đã được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Do đó, Bankman-Fried hiện không còn tài sản vật chất nào được Bloomberg Billionaires Index thống kê.

Đầu tuần này, tài sản của ông là 15,6 tỷ USD. Còn ở thời kỳ đỉnh cao, tài sản trong tay ông lên tới 26 tỷ USD và tuyên bố sẵn sàng vung tiền thay đổi thế giới. Bankman-Fried đã chi hàng triệu USD tài trợ cho đảng Dân chủ, hứa hẹn sau này sẽ đem toàn bộ tài sản để làm từ thiện.

Theo Chi Lan

Cùng chuyên mục
XEM