TS Võ Trí Thành: 'Phụ nữ Việt Nam không có điểm yếu vì quá nhiều điểm mạnh'

20/10/2014 11:04 AM | Nhân vật

"Phụ nữ Việt Nam có quá nhiều điểm mạnh, quá nhiều mục tiêu, quá nhiều đòi hỏi: Làm mẹ, làm chị, làm vợ, là một doanh nhân thành đạt, một chính khách thành công. Thách thức chính nằm ở điểm mạnh và tham vọng của phụ nữ Việt Nam”.

Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2014 với chủ đề “Doanh nhân nữ hướng tới tương lai” do Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam thuộc ban chấp hành Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, có sự tham gia của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Việt Nam.

Trong hội nghị, TS Võ Trí Thành đã có bài phát biểu về cơ hội thách thức với doanh nhân nữ Việt Nam. Đặc biệt, ông đưa ra những nhận định của cá nhân về tính cách của phụ nữ Việt Nam để cho thấy liệu nó có phù hợp và hội nhập với cách làm ăn mới của thế giới hay không. 

Theo đó, ông cho rằng, phụ nữ Việt Nam có 5 truyền thống vĩ đại:

Đầu tiên là quyết liệt và mạnh mẽ

Tiến sỹ cho biết hình ảnh quyết liệt và mạnh mẽ đã thể hiện bằng hai hình tượng lớn là Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đánh quân thù và Chị Út Tịch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh”. Với hai hình tượng đó, ông cho rằng: “Phụ nữ Việt Nam ngày nay, đặc biệt là các nữ doanh nhân đã đầy đủ hơn, có nhiều tiềm lực hơn thì không có lý gì lại không thể xông pha trên thương trường”.

Thứ hai: Rất tần tảo, bền bỉ

Hình ảnh này thể hiện rõ nét nhất trong thời kỳ kháng chiến với hình ảnh những người mẹ, người vợ phải chờ đợi trong mong manh người chồng, người con trai đi kháng chiến. 

Thứ ba: Rất tinh tế, sâu sắc

Phẩm chất này của phụ nữ Việt Nam có thể cảm nhận thấy hàng ngày, ngay trong các bữa ăn. Tiến sỹ Thành đùa rằng: “Chỉ có râu tôm với ruột bầu nhưng kéo được các ông chồng ở cả đời chứng tỏ phụ nữ Việt Nam vô cùng giỏi giang”. 

Thứ tư: Giỏi việc chợ, đảm việc nhà

"Thông thường mọi người thường nhận định nhiều nữ doanh nhân rất thành đạt và ví von rằng họ 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'. Nhưng với tôi hình ảnh người phụ nữ từ xa xưa gắn với chợ búa, chiếc quang gánh và việc mua bán luôn để lại ấn tượng sâu sắc”, TS Thành nói. Như vậy, “chất thương trường” của người phụ nữ Việt Nam cao hơn rất nhiều so với nam giới.

Thứ năm: Năng động sáng tạo, cách sống hiện đại

Với 5 tư chất kể trên, TS Võ Trí Thành đặt ra câu hỏi liệu phụ nữ Việt Nam có thể phù hợp, hội nhập với cách kinh doanh trong thời kỳ hiện đại hay không?

Theo ông, những tố nhất như vậy của phụ nữ Việt Nam nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng có cái ''vừa hay vừa dở”. Kinh doanh hiện nay có 5 yếu tố điển hình gồm: 

Thứ nhất: Tốc độ

Dòng vốn, công nghệ, dòng tiền và đặc biệt là công nghệ luôn thay đổi, thậm chí thay đổi từng ngày. Kinh doanh hiện nay người ta gọi bằng từ “moment” (khoảnh khắc). Điều này có nghĩa là muốn kinh doanh thành công cần phải chớp lấy từng khoảnh khắc, có thế mới có thể là người chiến thắng. Cơ hội luôn có, nhưng phần thắng sẽ dành cho những ai biết chớp lấy, nắm bắt nhanh và kịp thời nhất.

Thứ hai: Kinh doanh theo chuỗi

Thế giới hiện nay là kết nối (connecting). Mỗi cá nhân phải gắn kết, kết nối, chia sẻ với nhau theo chuỗi nếu không rất khó hình thành nên kinh doanh.

Thứ 3: Bất định

Theo TS Võ Trí Thành: “Thế giới này là thế giới của rủi ro và bất định. Mỗi chúng ta dù yêu hay ghét vẫn phải sống với nó. Sống với bất định thì chúng ta phải học cách chuyển cái bất định thành xác định, có thế mới có thể thành công”.

Thứ tư: Thế giới của màu xanh

Màu xanh được hiểu là kinh doanh tạo ra sự hài hoà giữa con người, thiên nhiên và vũ trụ.

Ông kết luận: Với những nét tính cách đặc trưng theo nhận định kể trên thì phụ nữ Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của thế giới hiện nay. Ông nói: “Phụ nữ chúng ta có đủ tiêu chuẩn: Quyết liệt mạnh mẽ, năng động vì thế có thể chớp thời cơ, nắm lấy những “khoảnh khắc” rất tốt. Chúng ta có tinh tế, sâu sắc vì thế sẽ kết nối rất hiệu quả. Chúng ta chỉ nhờ ‘râu tôm nấu với ruột bầu’ mà có thể giải quyết được tất cả các bất định, các vấn đề này sinh trong gia đình trong nhiều năm thì không thể có bất định nào trên thế giới mà phụ nữ Việt Nam không xử lý được".

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về thách thức của phụ nữ Việt Nam. Cuối cùng tôi rút ra kết luận thách thức lớn nhất của phụ nữ Việt Nam chính nằm ở điểm mạnh của họ. Phụ nữ Việt Nam có quá nhiều điểm mạnh, quá nhiều mục tiêu, quá nhiều đòi hỏi: Làm mẹ, làm chị, làm vợ, làm một doanh nhân thành đạt, một chính khách thành công. Thách thức chính nằm ở điểm mạnh và tham vọng của phụ nữ Việt Nam”. 

Với thách thức như vậy, ông cho rằng phụ nữ Việt Nam phải biết chia các điểm mạnh đó, gắn kết ra sao trong các mảng khác nhau như kinh doanh, gia đình, cuộc sống và bạn bè… “Phụ nữ cần phải tìm ra cách phát triển hay nhất. Có thể là con đường kinh doanh, làm vợ làm mẹ hay tình yêu, nhưng dù là con đường nào thì chúng ta vẫn cần phát huy những thế mạnh kể trên”.

Còn một điểm yếu trong nội tại kinh doanh của phụ nữ Việt Nam đó là “Chưa khoan dung với cánh đàn ông”. Tiến sỹ cho biết, nhìn sơ bộ sẽ thấy rằng, những doanh nghiệp ở Việt Nam có lãnh đạo là nam giới thì các vị trí quản lý cấp dưới đó có rất nhiều nữ giới. Tuy nhiên, ngược lại tại các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ thì dường như các cấp dưới cũng đa phần là nữ giới.

Vấn đề không nằm ở chỗ phụ nữ Việt Nam không có thế mạnh, mà ông kêu gọi phụ nữ Việt Nam hãy “nhìn cánh đàn ông độ lượng và bớt nghiêm khắc hơn”.

"Thế giới này cần có cả nam và nữ nếu không nó sẽ trở nên rất tẻ nhạt. Không có lý do gì chúng ta phải tách biệt giữa nam và nữ trong cuộc sống nói riêng và kinh doanh nói chung".

>> Đa số phụ nữ Việt Nam là người kiểm soát tài chính

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM