Triều đại của Satya Nadella, vị CEO 'thay da đổi thịt' Microsoft

20/01/2016 08:36 AM | Nhân vật

Vẫn còn rất nhiều việc Microsoft phải làm nhưng ta hãy cùng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Satya Nadella, vị CEO đang làm cho những điều kỳ diệu xảy ra ở Microsoft.

Khi Satya Nadella bắt đầu nắm giữ vị trí CEO của Microsoft vào tháng 2 năm 2014, công ty này đang ở vào một thời kỳ khá ảm đạm. Microsoft Windows 8 là một thảm họa. Các nhân viên thường xuyên đấu đá nhau và đồng thời, người dùng và các lập trình viên mất dần niềm tin.

Nhưng thời thế đã thay đổi.

Tại thời điểm này, năm 2016, Microsoft đã tìm lại được vóc dáng của mình xưa kia với tư cách là người khổng lồ cung cấp phần mềm và dịch vụ cho mọi người, trên bất kỳ thiết bị nào – và một lần nữa các nhà đầu tư kỹ tính nhất lại tin rằng sự lột xác này là thật.

Vẫn còn rất nhiều việc Microsoft phải làm nhưng ta hãy cùng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Satya Nadella, vị CEO đang làm cho những điều kỳ diệu xảy ra ở Microsoft.

Satya Narayana Nadella sinh ra ở Hyderabad, Ấn Độ, vào năm 1967. Bố ông là một nhân viên nhà nước và mẹ ông là một giảng viên dạy ngôn ngữ cổ Sanskrit.

Nadella nhận bằng cử nhân kỹ sư điện từ Học viện Công nghệ Manipal vào năm 1988. Nhưng họ không có một chương trình khoa học máy tính thực thụ, vì thế ông sang Mỹ và học ở Đại học Wisconsin–Milwaukee rồi tốt nghiệp năm 1990.

Sau đó, Nadella bắt đầu làm việc cho Sun Microsystems, công ty huyền thoại về máy chủ ở Silicon Valley trước khi gia nhập Microsoft vào năm 1992. Lúc này, Bill Gates vẫn còn là CEO và Windows mới bắt đầu công cuộc chinh phục thế giới của mình.

Nadella là một trong số 30 người Ấn Độ làm việc cho Microsoft vào lúc đó. Các dự án ban đầu của ông gồm sản phẩm TV tương tác và hệ điều hành Windows NT của Microsoft.

Trong những năm đầu ở Microsoft, Nadella khiến các đồng nghiệp và quản lý hết sức ấn tượng khi mỗi cuối tuần lại đi từ khuôn viên của Microsoft ở Redmond, Washington đến tận Trường kinh doanh Booth của Đại học Chicago để hoàn thành chương trình MBA vào năm 1997.

Vào năm 1999, Nadella lần đầu tiên nắm giữ một vị trí điều hành cấp cao, trở thành phó chủ tịch của Microsoft bCentral, một dự án gồm nhiều web service về website hosting và email cho các doanh nghiệp nhỏ.

Vào năm 2000, Microsoft bổ nhiệm CEO thứ hai trong lịch sử của mình: Steve Ballmer.

Vào năm 2001, Nadella trở thành phó chủ tịch Microsoft Business Solutions, một công ty được thành lập nhờ một loạt các vụ mua lại, gồm cả Great Plains, công ty sản xuất phần mềm kế toán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự nghiệp của Nadella tiếp tục đà thăng tiến: Đến năm 2007, ông trở thành Phó chủ tịch Microsoft Online Services, nghĩa là nắm quyền điều hành bộ máy tìm kiếm Bing, cũng như các phiên bản trực tuyến ban đầu của Microsoft Office và Xbox Live.

Vào tháng 2 năm 2011, Nadella được đưa lên làm chủ tịch bộ phận Server and Tools. Bộ phận này chịu trách nhiệm về các sản phẩm mang lại dòng tiền chính cho trung tâm dữ liệu của công ty, chẳng hạn như Windows Server và SQL Server, ngoài ra còn có cả canh bạc táo bạo nhất của Ballmer, nền tảng Microsoft Azure trên mây.

Khi Nadella mới tiếp nhận, bộ phận này có doanh thu 16,6 tỷ USD. Đến năm 2013, con số này đã tăng lên 20,3 tỷ USD.

Đến thời điểm này, Microsoft bắt đầu gặp rắc rối. Windows 8 là một thảm họa, iPhone và Android bỏ xa Windows Phone và Bing không là gì trước sự thống trị của Google. Và Ballmer trở thành tội đồ cho mọi chỉ trích.

Vào tháng 8 năm 2013, Ballmer tuyên bố ông sẽ rút lui, khởi đầu cho một cuộc tìm kiếm CEO mới. Hai nhân vật chính trong cuộc săn tìm này là Ballmer và Bill Gates.

Vào tháng 2 năm 2014, sau rất nhiều tin đồn và dự đoán, Nadella trở thành CEO của Microsoft với sự ủng hộ của Ballmer và Gates. Để thuyết phục Nadella nắm vị trí này, ban lãnh đạo Microsoft đồng ý trả cho ông mức lương năm đầu tiên là 84 triệu USD.

Khi bắt đầu ở cương vị mới, Nadella gửi cho toàn bộ nhân viên một email, trong đó nói: “Tôi 46 tuổi. Đã kết hôn 22 năm và có 3 đứa con. Và cũng như bất kỳ ai khác, những gì tôi làm và nghĩ được hình thành bởi gia đình và trải nghiệm thu nhặt được trong cuộc sống. Những người quen biết tôi nói rằng cũng nói rằng tôi rất tò mò và ham học hỏi.

Tôi mua nhiều sách nhưng không đọc hết. Tôi đăng ký nhiều khóa học online nhưng không hoàn thành. Về cơ bản tôi tin rằng nếu bạn không học thêm những điều mới, bạn sẽ không thể làm được những việc lớn và có ích. Vì thế, gia đình, tính tò mò và sự ham học hỏi là những gì tạo nên con người tôi ngày hôm nay”.

Nadella ngay lập tức chinh phục được các nhân viên ở Microsoft nhờ thực hiện các thay đổi lớn một cách nhanh chóng trong nỗ lực đưa công ty tìm lại chính mình và giành lại các khách hàng, trong đó gồm cả những điều không tưởng như đưa hệ điều hành đối thủ Linux vào điện toán đám mây Microsoft Azure, và cho Microsoft Office chạy trên ipad của Apple.

Ngoài ra, ông còn quyết định chi 2,5 tỷ USD mua Mojang, công ty đứng sau trò chơi đình đám Minecraft, giới thiệu các ứng dụng hàng đầu trên iOS và Android (như Microsoft Outlook), bỏ qua Windows 9 để đi thẳng lên Windows 10, giới thiệu chiếc laptop đầu tiên của công ty là Microsoft Surface Book, và đặc biệt là đưa lên bệ phóng Microsoft HoloLens – kính thực tế ảo với những tiềm năng đầy hứa hẹn.

Triết lý của Nadella là tìm kiếm đối tác và đảm bảo rằng các dịch vụ và phần mềm của Microsoft luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào khách hàng cần – kể cả khi họ không dùng Windows. Đó là lý do tại sao nhân vật lớn đầu tiên được ông tuyển dụng là Peggy Johnson – một cực nhân viên cấp cao của Qualcomm, giờ đây là phó chủ tịch phát triển kinh doanh, chịu trách nhiệm tìm kiếm đối tác ở các công ty bên ngoài.

Vào năm 2015, khi phát biểu tại một sự kiện Nadella đã sử dụng một chiếc iPhone để nói về những ứng dụng Microsoft mà ông ưa thích nhất.

Nadella rất bận rộn, và các nhà đầu tư rất vui mừng về việc đó: Từ năm 2014 đến 2015, ngay trong năm đầu tiên Nadella ở vị trí CEO, cổ phiếu Microsoft tăng 14%. Và sau đó lại tăng 21% vào năm 2015.

Bước vào năm 2016, Nadella có rất nhiều thử thách trước mắt. Microsoft vẫn vật lộn ở thị trường smartphone. Lượng máy tính cá nhân bán ra không nhiều khiến tham vọng của Windows 10 bị thu hẹp đáng kể. Và Xbox One vẫn đang tỏ ra yếu thế trước PlayStation4 của Sony.

Nhưng đây là lần đầu tiên trong suốt một khoảng thời gian dài, mọi thứ đang có vẻ sáng sủa hơn với Microsoft.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM