"Thứ trưởng mà đi xe ôm hay taxi thì không được đẹp"

11/11/2015 14:50 PM | Nhân vật

Trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay thì việc thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm trong đó có khoán xe công là cần thiết và phải thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Quốc hội.

Lần đầu tiên nội dung khoán xe công cho một số chức danh được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách, vừa được thông qua vào sáng ngày 11/11. Đặt trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cần tiết giảm những khoản chi không cần thiết và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, thì việc khoán xe công có ý nghĩa lớn để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực này.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc khoán xe công cho một số chức danh có thể được tính toán với những đối tượng có mức lương từ 1,25 - 1,3.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về nội dung khoán xe công cho một số chức danh được đưa ra trong Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 mà Quốc hội vừa thông qua?

Với những loại xe công mang tính phục vụ trong lực lượng công an, quân đội thì không thể thực hiện cơ chế khoán, vì phục vụ cộng đồng dân cư. Nên thực hiện khoán xe công cho lãnh đạo, là những người có hệ số lương từ 1,3 trở xuống, hoặc là 1,25 có thể sẽ được tính đến. Trong lộ trình thực hiện sắp tới sẽ từng bước tính toán giữa hệ số 1,25 và 1,3.

Con số này không nhiều, một tỉnh chỉ có 3 chức danh hoặc một bộ chỉ có một số đồng chí là thứ trưởng và tổng cục trưởng loại 1 thì mới được đi xe công. Tôi cho rằng việc làm nghiêm khoán xe công này để góp phần thực hành tiết kiệm, góp phần sử dụng ngân sách hợp lý.

Việc khoán sẽ công cũng đã nói từ lâu nhưng liệu Chính phủ có quyết liệt thực hiện được hay không?

Sẽ phải có sự kiểm soát, Chính phủ chắc chắn sẽ thực hiện vì Chính phủ đã có đề án rồi. Lần này có Nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ sẽ tích cực thực hiện thôi. Trước đây chúng ta bàn nhưng chưa thực hiện, song lần này với Nghị quyết Quốc hội thì chắc chắn sẽ thực hiện.

Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay Quốc hội và Chính phủ đều nhận thấy phải cơ cấu lại thu chi, đặc biệt trong chi thường xuyên. Chi thường xuyên vừa qua tăng nhanh, chủ yếu an sinh xã hội và chính sách xã hội. Như vừa rồi trong Nghị quyết cũng đã thông qua việc tăng mức lương cơ sở từ 1.150 nghìn đồng lên 1.210 nghìn đồng cho cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang.

Hoặc thực hiện chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo khi thay đổi chuẩn nghèo đa chiều, nâng mức hỗ trợ từ 700 nghìn đồng lên 900 nghìn đồng, chính sách cho người có công, để đảm bảo làm sao các đối tượng này có mức sống trung bình... Chi thường xuyên trong ngân sách đang chi nhiều để thực hiện những công tác này.

Đối với chi quản lý Nhà nước thì ta phải tăng cường tiết kiệm chi. Ngoài chuyện về lương còn có chuyện quan trọng, là muốn được tăng lương, bố trí lương thì bản thân từng cơ quan đơn vị phải bố trí lại các khoản chi khác. Những khoản chi không cần thiết như khánh tiết, hội nghị, lễ tân, công tác nước ngoài… phải hạn chế. Tất cả những vấn đề đó để dành cho các khoản chi hợp lý, trong đó có khoản chi lương.

Tuy nhiên vẫn có nhiều cán bộ lấy nhiều lý do như đảm bảo an toàn và không thực hiện. Theo ông có hợp lý không?

Cần phải hiểu câu chuyện tại sao phải có xe công? Xe công để phục vụ những chức danh khi làm việc có khối lượng công việc lớn cần phải sử dụng, đảm bảo an toàn. Số lượng đó không nhiều, nhưng khi đặt ra về chính sách thì phải thực hiện. Nói thứ trưởng mà đi xe ôm hay taxi đến thì trông cũng không được đẹp. Do đó, ta nên quy chuẩn tiêu chuẩn xe công, khoán là khoán để mọi người được tuân thủ.

Nghị quyết Quốc hội có thông qua việc sử dụng nguồn tiền thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển. Liệu rằng việc đưa 10.000 tỷ thoái vốn vào ngân sách trung ương có đảm bảo nguồn vốn này được sử dụng đúng mục đích?

Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ra khỏi doanh nghiệp, để nhà nước chỉ đầu tư lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, tôi cho đó là cần thiết. Nhà nước chỉ đầu tư những lĩnh vực nào mà ngoài nhà nước không đầu tư. Số tiền đó khi sử dụng đảm bảo nguyên tắc chỉ dành cho đầu tư phát triển, Nghị quyết ghi rõ chỉ sử dụng 40.000 tỷ này cho đầu tư phát triển.

Nghị quyết cũng nêu rõ, trường hợp ngân sách hụt thu sẽ cho phép sử dụng không quá 10 nghìn tỷ, nhưng cũng chỉ tập trung đầu tư phát triển, không được sử dụng cho việc khác. Nghị quyết đã nhấn mạnh như vậy nên sẽ phải thực hiện.

Để giảm áp lực cho ngân sách có đại biểu cho rằng cần tinh giản biên chế và trong ba năm tới nên “đóng băng” bộ máy biên chế. QUan điểm của ông về vấn đề này?

Đó là đề xuất, có quan điểm cho rằng bội chi nên giữ bằng mức tuyệt đối là 254 nghìn tỷ đồng và ổn định trong một số năm. Tức là GDP vẫn tăng và bội chi giữ ổn định, theo đó tỷ lệ sẽ giảm. Hoặc đề xuất chi thường xuyên giữ mặt bằng như 2015 – 2016, như vậy thu vẫn tăng lên nhưng chi thường xuyên giữ nguyên để có nguồn cho đầu tư phát triển. Các đại biểu cũng đề nghị giảm khoản chi liên quan đến lương và biên chế. Việc tinh giản bộ máy biên chế, chúng ta đã làm rồi, không tăng biên chế nữa, chỉ biên chế khi có người nghỉ hưu thì mới tăng.

Tới đây một số dịch vụ công sẽ chuyển sang tự tính giá dịch vụ theo thị trường, điều này cũng giúp ta giảm bộ máy viên chức. Bởi hiện tỷ lệ những người hưởng lương lớn nhất là giáo viên và y bác sĩ, nên sắp tới các dịch vụ công như giá dịch vụ y tế được chuyển sang cơ chế mới cũng sẽ là cách để giảm những người hưởng lương, giảm biên chế.

Vậy Quốc hội có ấn định giảm chi thường xuyên không, thưa ông?

Đó là lộ trình nhưng chính sách tài khóa phải đảm bảo yêu cầu, trong đó đáng chú ý là từ nay trở đi tất cả các khoản chi phải cân đối được nguồn. Nếu làm được thì đảm bảo cân đối thu chi. Chứ còn dừng chi thường xuyên thì khó, như đảm bảo an sinh xã hội, hoặc trả nợ, giảm nghèo đa chiều cũng đang tăng lên; hoặc hỗ trợ cho người có công cũng rất lớn, hơn 300 nghìn hộ, tất cả đều là chi thường xuyên tăng.

Tuy nhiên, trong chi tiêu ngân sách thời gian tới, vấn đề là phải đặt nguyên tắc chi theo yêu cầu thực tế phát sinh nhưng phải trên cơ sở có nguồn bố trí được.

Theo Sơn Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM