Thủ lĩnh trẻ Hoàng Đức Minh: "Ước mơ đã không thành thì làm gì chẳng được"

26/05/2015 10:00 AM | Nhân vật

Giấc mơ không thành, tôi trở thành con người tự do. Thoải mái làm những thứ mình thích, thử hết cái này đến cái khác. Từ môi trường lại đến giới trẻ, minh bạch, LGBT, quyền con người, chủ nghĩa tự do...

Người ta vẫn thường gọi Hoàng Đức Minh là Minh “môi trường”, một phần là bởi Minh được mệnh danh là chàng trai của những sự kiện môi trường thế giới. Với những đóng góp trong lĩnh vực môi trường, Minh được chọn là đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Copenhagen cuối năm 2009.

Sinh năm 1990, Minh được biết đến như là thủ lĩnh trẻ tuổi nhất về môi trường của Việt Nam hiện nay, là người sáng lập tổ chức Hành động vì Tương lai (A4F), nổi tiếng với chiến dịch “Tử tế là”. Với chí hướng bảo vệ môi trường, A4F đã tham gia, khởi xướng rất nhiều chiến dịch như "Tôi ghét nylon", " 6.700 người vì 6.700 cây xanh ", hay "Save Sơn Đoòng".

Xuất hiện tại Diễn đàn Thế hệ Trẻ Forbes Under 30 Summit, Minh thực sự đã gây ấn tượng bởi những chia sẻ chân thật, thẳng thắn, không kiểu cách, màu mè, và rất nhiều lời khen đã được dành cho cái tên Hoàng Đức Minh…

Hoàng Đức Minh: Diễn đàn hôm đó có lẽ mọi người bị bất ngờ nên có ấn tượng sâu sắc, thực ra những điều ấy nhiều khi lại không mới mẻ lắm với những người làm trong lĩnh vực phát triển chẳng hạn.

Có một vấn đề khiến tôi suy nghĩ nhiều, đó là vai trò của những người nổi tiếng và báo chí. Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nổi tiếng của một ai đó. Nhiều khi cách đơn giản nhất để một người bị ghét là khen họ thật nhiều, khen đến mức người đọc phản cảm hay đố kị với họ.

Sự kỳ vọng của công chúng rất đáng sợ, họ trao trách nhiệm "trở thành tấm gương tốt" lên trên những nhân vật nổi tiếng, biến họ trở thành "con rối của công chúng". Nếu phải sống theo ý người khác như vậy, thà không nổi tiếng còn hơn.

Nói chung sống thật không dễ, chống lại các định kiến của xã hội và của chính bản thân mình là cả một quá trình nỗ lực.

Trong một tâm sự gần đây, Minh có nhắc đến dự định rất thú vị là cưỡi ngựa đi dọc đất nước Việt Nam để kêu gọi sự ủng hộ cho một dự án mới về cộng đồng?

Đúng vậy, chuyến đi là một phần của một kế hoạch mang tên "Wake It Up", một kế hoạch mà tôi tin là rất thú vị và hấp dẫn.

Wake It Up bao gồm một cuộc tìm kiếm những ý tưởng, những dự án, những con người có thể mang lại cảm hứng, động lực cho cộng đồng. Đó có thể là một dự án xã hội, một lớp học, một công trình nghiên cứu, một sản phẩm công nghệ, một dự án nghệ thuật ... Qua cuộc tìm kiếm này chúng tôi muốn người Việt kết nối với nhau nhiều hơn, cùng nhau góp sức biến những điều kỳ diệu thành sự thật.

Bên cạnh đó là một website tại địa chỉ "WakeItUp.net" được thiết kế như một công cụ, khiến cho bất cứ ai cũng có thể dễ dàng trình bày và chia sẻ dự án của họ, kêu gọi người tham gia cũng như nhận sự ủng hộ của cộng đồng.

Hành trình "Wake It Up" là một chuyến đi xuyên Việt bằng ngựa, một chuyến đi để thực hiện mong ước của tôi, cũng là một chuyến đi để lắng nghe những giấc mơ của người Việt.

"Ước mơ của bạn là gì?"

Tôi sẽ kể cho bạn nghe về hành trình của mình trên WakeItUp.net. Chuyến đi cũng nhằm mục đích gây quỹ cho sự phát triển của WakeItUp.net

Để thực hiện được kế hoạch của mình, Minh lấy động lực từ đâu vậy?

Động lực của tôi khá khó có thể gọi tên, nó chủ yếu bắt đầu từ 2 yếu tố: sự thất bại ở trong trường học, và sự thất bại của giấc mơ.

Tôi học rất kém, suốt 12 năm phổ thông học hành đì đẹt, toàn bị học lệch, năm được môn này, năm khá môn khác. Lúc nào cũng đứng ở top cuối của lớp, sự thực điều đó đã tạo nên một cảm giác áp lực, cảm giác thất bại to lớn cho tôi suốt những năm tháng trong trường học, và cả đại học sau này.

Trong khi việc học là những tháng ngày mệt mỏi, công việc tình nguyện từ năm lớp 6 lại khiến tôi cảm thấy giá trị của mình. Tôi thấy thoải mái với việc giúp đỡ người khác, làm điều có ích cho xã hội. Tôi cảm thấy thoải mái khi tham gia vào việc lên kế hoạch, thiết kế nội dung hay tổ chức một sự kiện.

Nhiều người lầm tưởng tôi có niềm đam mê với môi trường, một phần vì các báo cũng hay tung hô như vậy. Sự thực thì tôi chỉ là người yêu thiên nhiên như hàng tỷ người khác trên trái đất này. Tôi chưa thấy ai là không thích cây xanh, biển xanh, hít thở không khí trong lành cả.

Lý do khiến tôi trở thành một người hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là vì bố tôi. Các bài báo mà ông đề nghị tôi giúp ông sửa chữa nhằm tăng khả năng văn học của tôi đã khiến tôi có kiến thức về lĩnh vực này sâu sắc hơn bạn bè cùng lứa từ khá sớm. Thế nên khi quyết định lựa chọn một chủ để mà tôi theo đuổi, tôi đã chẳng đắn đo gì khi chọn ngay Biến đổi khí hậu.

Một yếu tố nữa hình thành nên con người tôi là bởi việc bị ám ảnh bởi cái chết. Ám ảnh về cái chết khiến tôi chỉ chăm chăm ước mơ sáng chế ra trường sinh bất tử. Đến khi thi trượt khoa Sinh, ước mơ không thành, tôi tự nhủ "Ước mơ đã không thành thì làm gì chẳng được".

Giống như tỷ phú Richard Branson đã từng nói rằng, “Kệ nó, Cứ làm thôi”. Phải chăng đối với Minh, chẳng cần phải có một ước mơ để có thể thành công?

Có một đam mê là điều tốt, bạn trả lời được câu hỏi "Why are you here?". Nhưng đam mê không phải là cách duy nhất để thành công - theo nghĩa là trở thành 1 con người hạnh phúc.

Liệu không yêu thích một thứ gì đó kinh khủng thì không thể hạnh phúc được? Đôi khi, có một ước mơ, nhất là khi có ước mơ quá sớm chỉ làm giới hạn con đường và lựa chọn của bạn. Giống như việc cứ đam mê tạo ra thuốc trường sinh bất lão đã khiến tôi mài mòn 8 năm phổ thông của mình nghiên cứu về sinh học để rồi bỏ lỡ biết bao điều thú vị và hay ho khác.

Giấc mơ không thành, tôi trở thành con người tự do. Thoải mái làm những thứ mình thích, thử hết cái này đến cái khác. Từ môi trường lại đến giới trẻ, minh bạch, LGBT, quyền con người, chủ nghĩa tự do... Từ MC sự kiện, thiết kế chiến dịch truyền thông, nhân vật trên show truyền hình cho đến bây giờ là quản lý khách sạn, thiết kế tour du lịch.

Với một số người, ước mơ là sự giới hạn.

Dư luận hiện nay thường hay đề cập đến việc “sống ảo” trên Facebook. Quan niệm của Minh về vấn đề này là như thế nào?

Dù là facebook hay ngoài đời, status hay lời nói, đều là do mình tạo ra cả. Có điều gì đảm bảo bài trả lời phỏng vấn này của tôi sẽ thật hơn status tôi đăng trên Facebook? Nói chung thì không nên đánh giá con người chỉ qua thể hiện bên ngoài.

Thứ nữa, việc dùng Facebook là xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của con người. Người ta thích thể hiện mình, đâm ra họ thích Facebook. Phụ huynh thấy con cái dùng Facebook mà không quan tâm đến mình, đơn giản là vì phụ huynh không hấp dẫn bằng Facebook. Vì vậy, muốn giới trẻ chú tâm vào cái gì, thì hãy làm cho cái đó trở nên thú vị.

Xét theo góc độ khoan dung, chúng ta nên chấp nhận rằng người khác dùng Facebook bao nhiêu thời gian là việc của họ, chẳng hại gì đến ta. Suốt ngày than thở giới trẻ bây giờ thế này, bây giờ thế kia có tác dụng gì?

Tôi nói vậy cũng phải để cổ xúy, nhưng việc người ta dùng Facebook là xu hướng tự nhiên, nếu anh là nhà lãnh đạo, là người tiên phong, vậy tốt nhất nên hiểu tâm lý con người, sử dụng các kiến thức tâm lý đó mà thay đổi người ta, thúc đẩy người ta làm theo cái hướng anh muốn.

Tự thân tôi cũng đã đóng cửa facebook khoảng vài tháng, hoặc chủ động ngừng sử dụng di động một thời gian khá dài để đánh giá mức độ lệ thuộc của bản thân vào công nghệ. Tôi nhận ra rằng dù tôi dùng chúng rất nhiều, tôi vẫn sống ổn nếu không có chúng. Thế nên là tôi tin khi chúng ta tìm thấy những điều ý nghĩa và hấp dẫn thực sự, chúng ta sẽ tự quên Facebook.

Nếu được gửi gắm một thông điệp dành cho các bạn trẻ Việt Nam, Minh sẽ nói điều gì?

Mỗi chúng ta đều có năng lực riêng, phù hợp với các công việc khác nhau, phương thức học tập khác nhau. Việc học kém trên trường chỉ phản ánh là bạn không phù hợp với hệ thống giáo dục hiện tại mà thôi.

Động lực lớn nhất của tôi trong những năm phổ thông là tôi dù học kém nhưng vẫn là một người tốt, bạn bè vẫn quý tôi. Thứ 2 là tôi dù kém thì vẫn hơn nghìn vạn bạn thậm chí còn không được đi học. Nói chung khi bạn thấy mình nhỏ bé và kém cỏi, hãy cứ so bản thân với con muỗi.

Có một vấn đề nữa là nhiều người khi nói về tôi hay sử dụng những từ như "được giới trẻ ngưỡng mộ", "bảng thành tích khủng",... Những từ đấy chỉ làm những con người trong thế hệ chúng ta trở nên xa cách với nhau.

Mỗi người trong xã hội chúng ta đều là những cá thể duy nhất, chúng ta có nhiều tiềm năng hơn là chúng ta tưởng tượng. Bạn có thể thích được xã hội tôn vinh, nhưng nhiều khi điều đó có hại hơn là có lợi. Nói về thành tích khủng thì vô cùng, như Lê Quang Liêm, khi tôi còn ngồi bắn bi trước cửa nhà thì cậu ấy đã thành kỳ thủ nổi tiếng thế giới rồi.

Nói chung tôi đang học cách không gắn một người với một vài tính từ nào đó. Chúng ta khác biệt, đa dạng, và thay đổi liên tục, và vì thế chúng ta cũng cần học cách tôn trọng sự đa dạng, khác biệt ở những người khác.

Cảm ơn Minh và chúc em thành công với những dự định của mình.

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM