TGĐ CSC Việt Nam: Kim chỉ nam của tôi là chữ "nhẫn"

03/09/2015 08:45 AM | Nhân vật

Trong hành trình 20 năm của CSC, dấu ấn của ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC Việt Nam, khá đậm nét. Là nhân viên đầu tiên của PSV (Paragon Solutions Vietnam), tiền thân của CSC, ông đã khẳng định một cách thuyết phục rằng một lập trình viên có tiềm năng có thể đảm đương vị trí đầu tàu của một công ty công nghệ với 1.000 nhân viên và đã dẫn dắt công ty đến thành công.

"Quá khứ đã động viên tôi rằng không có gì là không thể vượt qua", lời chia sẻ của ông Ngô Hùng Phương khiến câu chuyện của chúng tôi ngược dòng thời gian trở về những năm tháng khó khăn nhất của đất nước. Đó là những ngày hầu hết người dân Việt Nam phải ăn cơm độn khoai, bo bo và làm việc thâu đêm suốt sáng.

Cậu bé Ngô Hùng Phương khi đó phải đảm đương việc bếp núc cho cả nhà ra đồng, vừa học bài vừa xắt rau cho heo và sợ... những đêm sáng trăng, vì có trăng đồng nghĩa với việc mình và cả nhà sẽ phải tranh thủ làm thêm việc ngoài đồng.

Tuy nhiên, ông nhắc lại những ngày đã qua với thái độ rất trân trọng. Bởi vì nếu không được trui rèn trong điều kiện khốn khó, có lẽ ông và những người cùng thế hệ sẽ không có khát khao cháy bỏng để phấn đấu và thành công.

Nhiều khao khát, nhiều đam mê nhưng trong suốt hành trình lập thân cho đến tận bây giờ, ông Ngô Hùng Phương vẫn quan tâm nhiều đến việc giữ cho mình một chữ "nhẫn" trọn vẹn và truyền chữ "nhẫn" ấy đến những người xung quanh.

Tính đến cuối năm tài chính 2014, doanh thu của CSC Việt Nam tăng 20% so với năm 2013. Trong bối cảnh các công ty phần mềm đều có dấu hiệu chững lại trong năm vừa qua, điều gì làm nên thành công ấy?

- Con người. Mọi quyết định trong kinh doanh đều xuất phát từ con người. Đó không chỉ là chìa khóa để vượt qua từng giai đoạn khó khăn mà CSC đã dùng nó trong suốt hành trình 20 năm qua. Với một công ty công nghệ thông tin (CNTT), 20 năm là hành trình tương đối dài và CSC là một trong những đơn vị tiên phong trong ngành ở Việt Nam.

Trong quãng thời gian đó, dù đã trải qua biết bao thay đổi nhưng CSC vẫn giữ được nhiệt huyết để quá trình làm việc của con người nơi đây là những ngày vui và ý nghĩa. Đó là điều chúng tôi rất tự hào.

Tất nhiên, trong quản trị doanh nghiệp phải hội đủ nhiều yếu tố, nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy chỉ cần làm tốt công tác nhân sự thì những yếu tố khác tự khắc sẽ đạt được. Đơn cử như chinh phục và giữ chân khách hàng. Rất nhiều đối tác đã chia sẻ với tôi rằng họ cảm nhận được "sức sống" trong việc hợp tác với CSC chứ không chỉ là kết quả công việc.

Họ luôn thấy được sự say mê và thái độ "có thể làm được" (can-do attitude), điều này khiến họ rất thoải mái trong việc kết nối, triển khai công việc. CSC Việt Nam chuyên phát triển phần mềm và ứng dụng cũng như các dịch vụ hạ tầng CNTT cho xuất khẩu.

Ở Việt Nam, Công ty tập trung vào lĩnh vực tư vấn và triển khai giải pháp SAP ERP. Kết nối được với khách hàng là một trong những lợi thế giúp chúng tôi triển khai các dịch vụ và giải pháp tốt hơn.

Hai mươi năm, CSC Việt Nam đã trải qua những giai đoạn khá khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi kinh tế thế giới suy thoái, cả Công ty lo lắng trước việc mua bán, sáp nhập... Trong những giai đoạn đó, thách thức nào là lớn nhất?

- Cũng vẫn là con người. Công ty khó khăn mà nội bộ còn lung lay thì đó chính là chất xúc tác để sự đổ vỡ đến nhanh hơn. Giữ được con người là giữ được cơ hội cho Công ty vượt khó. Tuy nhiên, đợi đến lúc khó khăn mới có những chính sách giữ người thì đã muộn. Khi đó cũng chẳng có điều kiện để đưa ra nhiều ưu đãi, chăm sóc cho nhân viên.

Giai đoạn khó khăn, CSC Việt Nam giữ người bằng cái tâm. Dù "sức khỏe" Công ty có thế nào chúng tôi vẫn cố gắng duy trì các chính sách chăm lo đời sống nhân viên. Đơn giản như các hoạt động thể thao, giải trí, từ thiện... mà thu hút được mọi người cùng tham gia là đã đủ gắn kết cả một tập thể.

Tôi quan niệm, không nên tách rời khái niệm công ty và nhân viên mà cần gom về một khối, nên rất quyết liệt trong việc chia sẻ các quyết sách của Công ty, tham khảo ý kiến mọi người. Khi số đông đã thống nhất mọi việc thì mọi người phải tuân thủ, kể cả những người có ý kiến trái chiều. Ở CSC Việt Nam, nhân viên liên hệ với lãnh đạo rất dễ dàng.

Chúng tôi duy trì đều đặn chương trình "Chat với sếp". Bận đến mấy tôi cũng phải sắp xếp tham gia để chia sẻ, lắng nghe nhân viên, nhất là những thành viên mới gia nhập CSC. Những buổi trò chuyện thân mật, vui vẻ này nhằm để nhân viên của CSC Việt Nam thấy rằng mình là một phần quan trọng của tổ chức, từ đó họ sẽ gắn kết với Công ty bền chặt hơn.

Kết quả mỹ mãn chứ, thưa ông?

- Phần lớn là thế nhưng cũng không tránh khỏi có những nhân viên ra đi. Ngày trước, tôi hay tự dằn vặt và đau khổ, tìm mọi cách giữ chân nhân viên khi nhận được đơn xin nghỉ việc, nhưng nay thì mọi việc đã đơn giản hơn nhiều.

Bây giờ, nhận được lá đơn ấy, tôi sẽ dành thời gian trò chuyện với người đưa đơn, tìm hiểu lý do. Nếu họ muốn tìm môi trường làm việc mới thì phân tích cho họ thấy nơi ấy tốt, chưa tốt ở những điểm nào.

Tôi còn viết cả thư giới thiệu cho nhân viên khi họ quyết định chọn con đường khác dù rằng nhu cầu nhân lực trong ngành phần mềm vẫn đang ở mức cao. Cứ nhìn mọi việc một cách nhẹ nhàng, sẽ tìm thấy cách giải quyết nhẹ nhàng. Nhiều nhân viên sau một thời gian ra đi đã trở về và gắn bó lâu dài với công ty.

Bản thân ông đã có phút nào "lung lay"? Với việc thiếu hụt nhân lực cấp cao trong các công ty phần mềm hiện nay, ông hẳn rất sáng giá trong mắt các đơn vị săn đầu người. Có lời mời nào khiến ông "khó nghĩ” chưa?

- Tôi là một trong 10 nhân viên đầu tiên của CSC Việt Nam (thời điểm đó là PSV). Đã lăn lóc với Công ty trong nhiều vai trò khác nhau, từ lập trình viên rồi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc từ 15 năm qua, nên CSC đã trở thành máu thịt của tôi.

Gắn bó đến mức tôi có thể cảm nhận được những điều đang khiến nhân viên của mình ray rứt hay ưu tư nên CSC có vị trí vô cùng đặc biệt trong cuộc sống của tôi. Rất khó tưởng tượng có ngày mình sẽ rời tập thể này.

Tuy nhiên, triết lý nhà Phật dạy tôi rằng mọi thứ là vô thường, không có điều gì tuyệt đối. Có thể đến lúc nào đó nhân duyên gắn kết tôi và CSC cũng cạn, nhưng điều chắc chắn sẽ là tình cảm sâu nặng của tôi dành cho CSC.

CSC Việt Nam là 1 trong 70 chi nhánh của CSC toàn cầu, phục vụ hơn 200 khách hàng thuộc 15 ngành công nghiệp trên khắp 6 lục địa. Để phát triển, CSC Việt Nam phải "cạnh tranh" về chất lượng, giá cả và nhiều yếu tố khác với các trung tâm phát triển của CSC trên khắp thế giới.

Đừng nghĩ công việc được rót về CSC Việt Nam một cách dễ dàng, ngược lại áp lực rất cao. Tuy nhiên, tôi đã cùng các cộng sự chọn lựa và quyết định xây dựng nên một môi trường làm việc hữu huynh đệ theo kiểu của người Á Đông nhưng vẫn chuyên nghiệp như Âu Mỹ.

Điều này tạo nên sự khác biệt lớn giữa CSC Việt Nam và các chi nhánh khác. CSC Việt Nam tất nhiên vẫn xem kết quả kinh doanh là quan trọng nhất và tất cả mọi người đều phải làm việc cật lực nhưng bên cạnh đó, chúng tôi có các yếu tố khác như các hoạt động gắn kết, từ thiện, chia sẻ...

Chỉ có công việc và cạnh tranh rất dễ làm mọi người mất cân bằng. Tôi chủ trương phải giữ sự cân bằng trong cuộc sống cho nhân viên vì đây là chìa khóa cho sự thành công lâu dài của Công ty.

Ấn Độ đang được đánh giá là quốc gia "xuất khẩu" nhiều CEO hiện nay. Xu hướng chọn CEO gốc Ấn đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết tại các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Microsoft, Adobe Systems...

- Với một quốc gia có dân số khổng lồ, chiến lược đầu tư cho CNTT và tỷ lệ sử dụng Anh ngữ phổ biến như Ấn Độ thì điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Đến nay, quy mô các công ty công nghệ ở xứ sở cà ri được đánh giá ngang hàng với các công ty lớn hàng đầu thế giới. Có nền tảng, có tầm, có môi trường để phát triển, hẳn nhiên các CEO Ấn Độ sẽ còn làm thế giới ngạc nhiên về khả năng của mình.

Tuy nhiên, không phải vì sự lớn mạnh của các công ty công nghệ Ấn Độ mà các quốc gia khác không có cơ hội. Trong cạnh tranh, có những khách hàng vẫn lựa chọn nhà cung cấp nhỏ hơn nhờ chất lượng cao và thái độ tích cực.

Hiện các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang cạnh tranh được với Ấn Độ nhờ nhiệt huyết và tính uyển chuyển, linh hoạt trong triển khai công việc. Người Ấn chuyên nghiệp nhưng nguyên tắc, khó thay đổi. "Ông lớn" cũng có những bất lợi riêng, nên cơ hội thuộc về tất cả mọi người.

Cách thức ông nắm bắt cơ hội?

- Tôi không chờ đợi cơ hội đến để nắm bắt mà thường đặt ra mục tiêu và cách thức để mọi người cùng thực hiện rồi cùng nhau kiên nhẫn đi theo con đường ấy. Những mục tiêu nhỏ sẽ phục vụ cho mục tiêu lớn hơn. Uyển chuyển, linh hoạt, khi cần thiết có thể bước lùi nhưng kiên quyết đi đến điểm mình muốn.

Trong mọi hành trình, kim chỉ nam của tôi là chữ "nhẫn". Kiên nhẫn và quyết liệt với con đường mình đã chọn. Nghe thì đơn giản nhưng làm được điều này không dễ vì công việc của mình gắn liền với tập thể, gia đình... Nuôi dưỡng được chữ "nhẫn" cho một tập thể có rất nhiều thách thức nhưng phải "nhẫn" mới có thể lắng nghe khách hàng, chăm sóc tốt cho khách hàng... chẳng hạn.

Duyên may, tôi vừa là dân học võ, luyện tập và huấn luyện Hiệp khí đạo 28 năm qua, vừa là một Phật tử thuần hành, ăn chay trường. Tinh thần thương yêu và hòa hợp của Hiệp khí đạo hòa quyện với tinh thần từ bi, hỷ xả từ pháp tu Lục độ Ba la mật đã giúp tôi rất nhiều trong việc giữ gìn chữ "nhẫn". Muốn nhân viên hay các con mình làm được điều tốt, tôi phải là tấm gương tốt cho họ.

Đã trải qua chặng đường dài 20 năm, thử thách ở giai đoạn hiện nay đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo của CSC Việt Nam hoạch định những chiến lược nào cho hoạt động kinh doanh của Công ty thời gian tới?

- Có rất nhiều thứ phải làm trong thời gian tới. Hiện CSC Việt Nam không chỉ có khách hàng chủ lực ở Mỹ, châu Âu và châu Á, chúng tôi đã và đang mở rộng sang các thị trường Trung Đông, Nhật và Úc... Nhu cầu nhân lực để chuẩn bị cho bước tiến mới đang rất thúc bách nhưng thị trường lao động vẫn chưa đáp ứng được.

Chúng tôi đang đầu tư cho nhân lực bằng phương pháp có vẻ "thủ công" là liên kết với các trường đại học để thực hiện các chương trình cho sinh viên mới ra trường, "nhân viên tiềm năng", tuyển dụng những "tờ giấy trắng" ấy về, giao cho đội ngũ kỹ sư nòng cốt của CSC huấn luyện.

Rất mừng là sau 20 năm, CSC Việt Nam đã có đội ngũ kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, đáp ứng được mọi nhu cầu đa dạng của khách hàng trên toàn thế giới nên việc huấn luyện cho thế hệ kế cận cũng đơn giản. Trong bức tranh nhân lực ngành phần mềm ở Việt Nam hiện nay, đây sẽ là giải pháp không chỉ cho CSC mà còn là lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp khác.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Theo Phương Quyên

Cùng chuyên mục
XEM