Sundar Pichai thành 'ông vua không ngai' tại Google như thế nào?

27/10/2014 14:20 PM | Nhân vật

Tin tức gây sốc trong làng công nghệ tuần qua là việc Tổng Giám đốc Google, Larry Page, lui lại phía sau để chuẩn bị cho “bức tranh lớn hơn”, nhường trách nhiệm cho cánh tay phải Sundar Pichai.

Pichai từ nay phụ trách các sản phẩm cốt lõi của Google bao gồm tìm kiếm, bản đồ, nghiên cứu, Google+, Android, Chrome, cơ sở hạ tầng, quảng cáo và thương mại, Google Apps. Trước đây, ông chịu trách nhiệm bộ phận Android và Chrome.

Đây không phải lần thăng chức lớn đầu tiên của Pichai. Thực tế, đầu năm nay, diễn đàn hỏi đáp Quora xuất hiện chủ đề “Sundar Pichai làm gì để lên được vị trí cao nhất tại Google”. Cựu Giám đốc sản phẩm Google, Chris Beckmann, đưa ra câu trả lời tương đối đầy đủ:

“Tôi chưa bao giờ báo cáo công việc lên Sundar hay trong nhóm của anh ấy, nhưng nhiều đồng nghiệp và bạn bè của tôi thì có. Ngoài đặc biệt tài năng và chăm chỉ như nhiều nhân viên khác, Sundar làm được những việc sau:

1. Trước hết: anh ấy dẫn dắt thành công các dự án “khó nhằn” là cốt lõi cho thành công về mặt tài chính của Google như Toolbar và Chrome. Toolbar không phải sản phẩm hấp dẫn nhưng giúp tăng cường sự hiện diện của tìm kiếm Google trên máy tính người dùng trong giai đoạn quan trọng của công ty. Chrome mở rộng sứ mệnh đó để cải thiện trải nghiệm người dùng của toàn thế giới web: giúp người dùng trực tuyến và giữ họ tìm kiếm trên Google.

2. Anh ấy tuyển dụng, hướng dẫn và giữ lại một nhóm tuyệt vời. Nhóm Giám đốc sản phẩm của Sundar nổi tiếng uy tín vì là tốt nhất trong tốt nhất, tương tự danh tiếng của các kỹ sư phần mềm trong Search Quality, nhóm chuyên xếp hạng kết quả tìm kiếm Google.

3. Anh ấy tránh gây hấn. Google cũng có chính trị riêng tương tự bất kỳ công ty lớn nào khác, Sundar sử dụng chúng để làm cho nhóm thành công hơn song giảm thiểu thiệt hại tối đa lên nhóm khác”.

Dù chưa rõ nguyên nhân nào khiến Sundar được “đôn” lên vị trí “vua không ngai” tại Google mới đây, những gì Beckmann tiết lộ phần nào làm sáng tỏ điều này.

Sinh ra tại Timil Nadu, một trong 29 bang của Ấn Độ, Pichai theo học Học viện Công nghệ Kharagpur, nơi anh nhận bằng cử nhân Công nghệ. Tiếp đó, anh nhận bằng Thạc sỹ tại Stanford và MBA tại Wharton School thuộc Đại học Pennsylvania. Tại Wharton, Pichai là sinh viên danh dự. Trước khi gia nhập Google, anh làm kỹ sư tại Applied Materials rồi đến McKinsey & Company.

Sundar đến với Google năm 2004, giữ chức Phó Chủ tịch quản lý sản phẩm, nơi anh dẫn dắt nhóm phát triển trình duyệt và hệ điều hành Chrome. Anh nhanh chóng nhận nhiều trách nhiệm hơn với nhiều sản phẩm hơn như Firefox, Google Toolbar, Desktop Search, thiết bị, Google Gears và Gadgets.

Tháng 9/2008, Pichai ra mắt thành công trình duyệt Chrome và chưa đầy một năm sau là Chrome cho netbook và máy tính. Năm 2012, khi người đứng đầu Google Apps Dave Girourd từ chức, Sundar nhận thêm trọng trách mới. Tháng 3/2013, Pichai tiếp nhận Android sau khi nhà đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Android, Andy Rubin, rời Google.

Pichai tỏ ra là người “sùng kính” khi làm việc dưới trướng Marrisa Mayer, cựu nữ tướng của Google và nay là Tổng Giám đốc Yahoo. Theo tờ The Information, Pichai thường “đợi hàng tiếng đồng hồ ngoài văn phòng của bà để đảm bảo được nhận điểm chất lượng tốt cho cả nhóm”.

Ngoài kỹ năng quản lý, anh còn biết thể hiện uy quyền khi cần thiết. Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng 2014, Pichai được cho là đã “nói với người đứng đầu sản phẩm di động của Samsung rằng, Google sẵn sàng quay gót khỏi quan hệ đối tác điện thoại lớn”.

Bảng thành tích ấn tượng của Pichai tại Google khiến anh “lọt mắt xanh” của Twitter và từng được nền tảng tiểu blobg này mời về phụ trách sản phẩm song bị từ chối. Ngoài ra, tên của ông từng xuất hiện trong danh sách ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Tổng Giám đốc Microsoft sau khi Steve Ballmer gửi đơn từ chức hồi tháng 8/2013.

Với chiến lược mới của Google, Pichai sẽ là một trong các lãnh đạo quyền lực nhất tại Google, chỉ sau Tổng Giám đốc Larry Page.

>> Google chọn và sử dụng nhân tài ra sao?

Theo Du Lam 

Cùng chuyên mục
XEM