Sợ mất người tài, Larry Page trao luôn chức CEO Google cho Sundar Pichai?

11/08/2015 11:55 AM | Nhân vật

Trước tin đồn bị Twitter dụ dỗ nhân tài của công ty, Google đã nhanh chóng quyết định thiết lập lại cấu trúc tổ chức và trao cho Pichai chức vụ CEO Google thay cho vị trí hiện tại của Larry Pages.

Ngày hôm nay, tại thung lũng Silicon đang lan truyền một thông tin hết sức thú vị. Theo đó, Twitter đang tìm kiếm CEO mới cho hãng và nhân vật được nhắm đến là Sundar Pichai – lãnh đạo phụ trách nhiều mảng kinh doanh chủ chốt của Google kể từ tháng 10 năm ngoái. Trước tin đồn này, để giữ chân Pichai, Google đã nhanh chóng quyết định thiết lập lại cấu trúc tổ chức của công ty và trao cho Pichai chức vụ CEO Google thay cho vị trí hiện tại của Larry Pages.

Trong khi đó, 2 nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin sẽ chuyển sang làm CEO và Chủ tịch cho một công ty mới có tên là Alphabet, đây là công ty được gọi là “collection of companies” - công ty quản lý Google lẫn các công ty con khác mà Google từng thành lập trước đây như Calico, Wing, Life Sciences, Fiber, Nest ...

Thực tế Pichai cũng không thể dễ dàng bị Twitter “dụ dỗ’. Hoạt động kinh doanh của mạng xã hội này đang trong một mớ hỗn độn và gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, giữ vai trò là người quan trọng số 2 tại một trong những công ty quyền lực như Google sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng dĩ nhiên, vị trí CEO thì còn tốt hơn nữa.

Tờ Business Insider đã tiếp cận với nguồn tin thân cận tại Twitter để biết thêm thông tin chi tiết về lời đồn đoán kể trên. Người này không xác nhận rằng hội đồng quản trị Twitter đã ngỏ ý mời Pichai nhưng nói rằng: “Tôi có nghe thông tin đó và không bất ngờ nếu họ muốn Pichai trở thành CEO của công ty. Twitter từng cố thuê Pichai một lần vào 3 năm trước. Google đã làm đủ mọi cách để giữ Pichai. Tôi không thể tưởng tượng việc anh ấy sẽ tạo ra những thay đổi như thế nào sau khi nắm giữ vị trí CEO của Google”.

Dưới đây là những điều thú vị về tân CEO của Google:

Pichai là “cha đẻ” của trình duyệt Chrome bạn đang sử dụng

Pichai bắt đầu làm việc tại Google vào năm 2004 trong mảng công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, rất nhanh chóng anh đã nghĩ rằng Google cần phải có một trình duyệt web riêng dù công cụ tìm kiếm vẫn là mảng kinh doanh chính. Cuối cùng, Pichai đã tập trung mũi nhọn vào việc tạo ra Chrome – công cụ giúp Google vượt qua trình duyệt Internet Explorer của Microsoft.

Pichai dần dần đảm nhiệm hầu hết những sản phẩm tiêu dùng của Google

Sau thành công với Chrome, Pichai cũng phụ trách cả Gmail và Google Docs trong năm 2011. Trong năm 2013, anh đảm nhận Android – mảng kinh doanh quan trọng nhất tại Google trong cuộc chiến với Apple. Đến năm 2014, Pichai trở thành Giám đốc sản phẩm của công ty và những sản phẩm như Google Maps và Google + đều có sự góp sức của anh.

“Cánh tay phải” của Larry Page

Larry Page ngày càng tin tưởng Pichai kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ CEO thứ 2 của mình tại Google vào năm 2011. Trong cuộc tái cấu trúc vào năm ngoái, dù không chính thức nhưng Pichai đã trở thành người quan trọng thứ 2 tại công ty. Với thay đổi hiện tại, Page sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những tham vọng lớn khác của Google trong khi Pichai sẽ quản lý những mảng kinh doanh cốt lõi khác của công ty. “Thật thích thú khi chúng tôi được làm việc cùng nhau”, Pages nói. “Tôi biết anh ấy quan tâm đến việc tạo ra những bước tiến mới trong mảng kinh doanh cốt lõi của Google”.

Người kết nối trong nội bộ công ty

Trong số hơn 55.000 nhân viên với nhiều mảng kinh doanh khác nhau, để tất cả mọi người có thể làm việc cùng nhau một cách tốt đẹp là một thử thách vô cùng lớn. Pichai dường như có biệt tài giải quyết việc này. Kể từ khi đảm nhận mảng Android, anh đã tạo ra Google Now bằng việc tập hợp được đội ngũ nhân viên xuất sắc từ các bộ phận Android và công cụ tìm kiếm của công ty. “Tôi đố bạn tìm được bất kỳ ai tại Google không thích Sundar hay nghĩ Sundar là người ngốc nghếch", một nhân viên Google nói.

Là CEO da màu đầu tiên của công ty

Sinh ra tại Chennai, Ấn Độ, Pichai sẽ là CEO đầu tiên của Google không phải người da trắng. Anh học chuyên ngành kỹ thuật tại Học viện công nghệ Ấn Độ và đến Mỹ để học chuyên ngành chất bán dẫn và khoa học tại đại học Stanford (tuy nhiên anh đã bỏ dở việc học). Như vậy, cùng với CEO Satya Nadell của Microsoft, anh là một trong những CEO da màu ít ỏi tại thung lũng Silicon.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM