[Q&A] Gia sản Mark Zuckerberg gồm những gì?

26/09/2015 08:30 AM | Nhân vật

Bài viết sẽ đưa ra một cái nhìn khách quan về giá trị thực của một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, và việc điều này ảnh hưởng đến CEO Facebook trong việc nâng cao khối tài sản của mình lên như thế nào.

Sinh năm 1984, tỷ phú Mark Zuckerberg hiện đang là một trong những người giàu nhất thế giới. Vào thời điểm bài viết này được thực hiện, người đứng đầu mạng xã hội phổ biến nhất trên toàn cầu đang sở hữu khối tài sản vào khoảng 40,7 tỷ USD. Theo bảng xếp hạng thống kê các tỷ phú trên thế giới của Bloomberg, Mark Zuckerberg hiện đứng thứ 8.

Q: Sự giàu có của Zuckerberg đến từ đâu?

A: Khối tài sản khổng lồ của Mark Zuckerberg chắc chắn đến từ Facebook – mạng xã hội lớn nhất hiện nay vốn được CEO 31 tuổi này phát triển khi còn là sinh viên tại đại học Harvard.

Trong báo cáo gần đây nhất của Facebook, Mark Zuckerg đang sở hữu khoảng 4 triệu cổ phiếu hạng A và 471 triệu cổ phiếu hạng B. Hầu hết tài sản của Zuckerberg đến từ 475 triệu cổ phiếu này, theo tính toán của Bloomberg.

Q: Tài sản của Zuckerberg đang tăng hay giảm?

A: Facebook đã trở thành công ty đại chúng được hơn 3 năm. Trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu của công ty đã tăng trưởng rất mạnh mẽ, 145% sau hơn 3 năm lên sàn. Theo các số liệu được cung cấp, chúng ta có thể thấy rõ lượng tài sản của tỷ phú trẻ tuổi đã tăng lên một cách đáng kể. Chi tiết trong biểu đồ sau:

Giá cổ phiếu tăng 145% giúp cho Mark Zuckerberg ngày càng giàu có hơn

Q: Công việc từ thiện

A: Cùng với người vợ của mình là Priscilla Chang, Mark Zuckerberg được ghi nhận đã đóng góp một khoản tiền tương đương 18 triệu cổ phiếu của Facebook cho Tổ chức cộng đồng Silicon Valley vào năm 2012, và tiếp tục vào năm 2013. 36 triệu cổ phiếu, ước chừng khoảng 1 tỷ USD vào thời điểm đó được đánh giá là một trong những lần quyên góp lớn nhất trong lịch sử.

Q: Những bài học rút ra từ sự thành công của Mark Zuckerberg

A: Một trong những điều thu hút người khác nhất về các tỷ phú là tại sao họ lại giàu có đến vậy, họ đã xây dựng và điều hành doanh nghiệp của mình như thế nào để đạt được thành công?

Với Zuckerberg, người đã tạo ra, phát triển và duy trì ánh hào quang của Facebook - công ty giờ đây giá trị vốn hóa theo thị trường lên tới 250 tỷ USD - người ta có thể thấy được khả năng xuất chúng cũng như định hướng tập trung vào kinh doanh đã giúp cho nhà sáng lập thiên tài chèo lái Facebook một cách hiệu quả.

Không thể phủ nhận rằng, các doanh nhân thành công trên thế giới đều ít nhiều đánh cược với các thương vụ rủi ro trong quá trình kinh doanh. Điều thú vị ở Zuckerberg chính là việc anh luôn sẵn sàng đầu tư một khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào một dự án khác biệt, hướng đến sự phát triển trong tương lai, cho dù công việc kinh doanh hiện tại vẫn đang đi đúng hướng và rất ổn định.

Thương vụ mua lại ứng dụng nhắn tin WhatsApp hay việc đánh cược vào dự án Oculus VR tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thực tế ảo của Facebook đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, cũng như sự dũng cảm chấp nhận rủi ro của Mark Zuckerberg.

Trước khi bị mua lại, WhatsApp đã bị mất 138 triệu USD trong năm đó. Tuy nhiên, Facebook đã chi trả tổng cộng 22 tỷ USD cả tiền mặt và cổ phiếu cho công ty này. Điều Mark Zuckerberg tự hào trong thương vụ này là việc có được 450 triệu người sử dụng từ ứng dụng nổi tiếng này.

Về Oculus VR – hãng sản xuất tai nghe thực tế ảo Oculus Rift được Zuckerberg mua lại vào năm 2014 với giá 2 tỷ USD, cũng được coi là một dự án dễ đạt được thành công trong tương lai, cho dù hiện nay dòng sản phẩm chủ lực vẫn đang được phát triển. CEO Facebook cùng đội ngũ quản lý của mình đã nhận thấy được tiềm năng ở Oculus khi chia sẻ rằng:“Đây là nền tảng điện toán của tương lai và sẽ được sử dụng phổ biến sau điện thoại di động”.

Nếu so sánh về mặt con số, thương vụ này thậm chí còn ít tốn kém hơn nhiều so với WhatsApp.

Oculus Rift đang được phát triển và thử nghiệm

Hai giao dịch trên về mặt lý thuyết, chiếm đến hơn một nửa vốn chủ sở hữu của toàn bộ các cổ đông hiện tại của Facebook. Tuy điều nay chưa ảnh hưởng đến công ty do đều là các khoản đầu tư vào dòng tiền trong tương lai, nhưng các chiến lược kinh doanh cần phải được thực hiện chính xác để đảm bảo tiềm năng của các dự án sẽ được hiện thực hóa thành thành công thực sự.

Triết lý kinh doanh của Mark Zuckerberg là đầu tư một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Điều này cũng được thể hiện trong văn hóa quản trị của Facebook. Các lãnh đạo nổi tiếng hiện nay thường không muốn phân tán quyền lực của mình cho các cổ đông hạng hai mà luôn nắm quyền kiểm soát. Các CEO không bao giờ muốn tiếng nói của các cổ đông phổ thông này có thể ảnh hưởng hay thậm chí thôn tính các quyết định cũng như định hướng của công ty.

Còn Zuckerberg luôn mong muốn sự hiệu quả và không bị giới hạn trong việc ra quyết định đầu tư trong tương lai. Điều này được thể hiện rõ ở lá thư gửi cổ đông trong tài liệu đăng ký IPO vào năm 2012.

Trong đó, Mark Zuckerberg có nêu lên 5 giá trị cốt lõi mà Facebook đang được vận hành. Ngoài hai khẩu hiệu “Hãy cởi mở” và “Xây dựng giá trị xã hội”, ba điều còn lại được rút ra từ sau sự kiện IPO là “Tập trung vào sự ảnh hưởng”, “Hành động nhanh” và tất nhiên “Hãy luôn nổi bật”.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM